Trong khi giới chuyên gia lo ngại lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng có thể tiếp tục tăng thì ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lại khiến nhiều người ngạc nhiên khi bất ngờ giảm mạnh lãi suất. Nếu từ đầu tháng 7, mức cao nhất tại Techcombank là 7,8%/năm thì kể từ 8/7, con số này “rơi” xuống chỉ còn 6,7%/năm.
Trước đó, Techcombank cũng gây sốc khi điều chỉnh lãi suất “leo thang”. Cụ thể, từ 1/7, đa số các kỳ hạn đều được giữ nguyên, ngoại trừ kỳ hạn 12 tháng. Ở kỳ hạn này, nếu sau ngày 20/6 tới 1/7, khách chỉ được hưởng lãi 6,4%/năm thì kể từ 1/7, lãi suất vọt lên 7,8%/năm.
Trước đó, ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất 7,7% mỗi năm từ giữa tháng 6. Tuy nhiên, hiện nay, mức lãi suất này chỉ còn 7,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.
Techcombank và Viet Capital Bank là những ngân hàng hiếm hoi giảm lãi suất. Trong khi đó, một vài ngân hàng khác rục rịch điều chỉnh tăng. Trước đây, ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thường đi ngược thị trường về xu hướng lãi suất. Trong khi đa số các đối thủ khác tăng, VPBank lại giảm đều đặn.
Suốt thời gian qua, lãi suất cao nhất tại VPBank vẫn duy trì ở mức 7,4%/năm. Muốn nhận được mức lãi này, khách hàng phải gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng. Còn nếu gửi online, lãi suất sẽ tăng lên 7,6%/năm.
Nhưng kể từ ngày 13/7, lãi suất tại VPBank đã tìm lại xu hướng tăng. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này dành cho tiết kiệm online đã tăng từ 7,6%/năm lên 7,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn36 tháng với khoản tiền gửi từ 5 tỷ trở lên. Còn theo hình thức thông thường, lãi suất tăng từ 7,4%/năm lên 7,7%/năm.
Cùng áp dụng mức lãi suất 7,9% như VPBank là ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank). Ở kỳ hạn 37 tháng của gói tiết kiệm Tài Lộc, lãi suất vẫn là 7,9%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất 7,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ nhận được mức cao hơn một chút là 7,65%/năm.
7,9%/năm không phải là mức lãi suất cao nhất thị trường. Kỷ lục này là 8%/năm và thuộc về ngân hàng Quốc Dân (NCB) và ngân hàng Xây dựng (CB).
Mặc dù trên website của mình, ngân hàng CB duy trì biểu lãi suất có hiệu lực từ 3/12/2015 với mức lãi suất cao nhất chỉ là 7,3%/năm nhưng tại các chi nhánh CB, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8%/năm.
Còn tại NCB, thông tin này được công khai trên website. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại NCB là 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Niêm yết ở mức thấp hơn, các kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng có lãi suất lần lượt là 7,8%/năm và 7,5%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông(OCB) tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hấp dẫn. Lãi suất cao nhất là 7,7%/năm áp dụng cho 2 kỳ hạn 13 tháng và 36 tháng. Kỳ hạn 13 tháng có thêm điều kiện tiền gửi phải từ 500 tỷ trở lên.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 4-8/7, tình hình lãi suất tương đối ổn định. Chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Về lãi suất cho vay bằng VND, theo Ngân hàng nhà nước, hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm.
Bình luận