Lãi suất đang giảm nhẹ
Cuối tháng 4/2016, hưởng ứng hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ba ông lớn ngân hàng là ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) tiên phong giảm lãi suất cho vay.
Động thái này của 3 ông lớn ngân hàng được kỳ vọng sẽ lan sang hệ thống ngân hàng. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, kéo theo sự suy giảm của lãi suất huy động.
Kể từ ngày 24/5, ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi suất cao nhất đã giảm từ 8%/năm xuống 7,9%/năm. Mức lãi này được áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.Đang giảm nhẹ, lãi suất vẫn được dự báo sẽ sớm tăngĐang giảm nhẹ, lãi suất vẫn được dự báo sẽ sớm tăngLãi suất huy động tại ngân hàng thương mại cổ phần Bảo Việt (Baoviet Bank) giảm khá mạnh. Nếu trước đây, Baoviet Bank niêm yết mức cao nhất là 7,6%/năm thì hiện tại, mức này chỉ còn 7%/năm áp dụng cho 2 kỳ hạn 36 tháng và 48 tháng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thay đổi biểu lãi suất từ 24/5/2016. Theo đó, mức lãi suất cao nhất trước đây 7,9%/năm được thay bằng con số mới 7,5%/năm. Và muốn nhận được lợi tức lớn này, người gửi phải có hợp đồng trên 500 tỷ đồng.
Dữ liệu về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tới ngày 11/5 cũng cho thấy điều tương tự. Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, từ ngày 29/4, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại (như Ngân hàng Sài gòn Hà nội, Ngân hàng Tiên phong) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%/năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn thuộc các lĩnh vực này.
Sẽ sớm tăng trở lại
Mặc dù lãi suất đang giảm ở cả 2 chiều huy động và cho vay nhưng xu hướng này dự báo sẽ không kéo dài lâu. Trong “Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5/2016” do Trung tâm nghiên cứu của BIDV công bố, BIDV nhận định lãi suất huy động có thể tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường Trái phiếu Chính phủ và diễn biến của lạm phát.
BIDV cũng dự báo lãi suất liên ngân hàng tháng 6/2016 có xu hướng tăng trở lại do Ngân hàng Nhà nước đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Theo BIDV, về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ tăng dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18-20% trong năm 2016, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng gần 4%.
Đồng quan điểm với Trung tâm nghiên cứu BIDV, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng dự báo lãi suất sẽ sớm tăng trở lại.
“Tất cả các yếu tố hiện tại không thuận cho việc giảm lãi suất. Chi phí vốn của ngân hàng vẫn tăng. Sắp tới có thể sẽ có biến động tỷ giá do Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất USD. Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất vì sức cạnh tranh của đồng USD mạnh lên” – TS Hiếu phân tích.
Bình luận