(VTC News) - Các doanh nghiệp vô cùng hồ hởi trước thông tin lãi suất nợ cũ sẽ được giảm xuống 15%. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo lắng về hiệu quả của chính sách này.
Doanh nghiệp hồ hởi chờ giờ G
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo toàn ngành nhanh chóng hạ lãi suất cho vay với doanh nghiệp, thể hiện chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng bằng hành động cụ thể.
Thống đốc yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng phải sớm chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15% một năm và thực hiện ngay từ 15/7.
Thông tin này như tạo một luồng sinh khí mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép khẳng định nếu yêu cầu này của Thống đốc được thực hiện nghiêm túc, các doanh nghiệp thép sẽ được tháo gỡ rất nhiều khó khăn.
Ông Cường cho biết các doanh nghiệp ngành thép thường có tỷ lệ nợ vay với lãi suất cao khá nhiều. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, việc tiêu thụ thép trở nên khó khăn, hàng tồn kho đứng ở mức cao. Trong khi đó, áp lực nợ ngân hàng cao, các doanh nghiệp thép trở thành đối tượng bị kiểm soát chặt chẽ của ngân hàng.
Nếu chính sách hạ lãi suất nợ cũ đi vào cuộc sống, áp lực nợ ngân hàng của doanh nghiệp được hạ nhiệt, doanh nghiệp sẽ có thêm vốn lưu động mua sắm nguyên vật liệu, tiếp tục sản xuất . Có kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp mới có tiền trả nợ được. Vì vậy, ông Cường kỳ vọng việc hạ lãi suất nợ cũ xuống 15% sẽ có nhiều tác động tốt tới doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào việc hạ lãi suất nợ cũ xuống 15% (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Văn Toan, Giám đốc công ty TNHH Tự Lực cũng hy vọng chính sách này giúp các doanh nghiệp ‘dễ thở’ hơn.
Ông Toan chia sẻ hiện nay không ít bạn bè ông, cũng là các chủ doanh nghiệp đang cố gắng đi vay các khoản nợ mới với lãi suất thấp để trả các khoản nợ cũ có lãi suất cao hơn. Điều đó giải thích cho việc Chính phủ đã bơm ra rất nhiều tiền nhưng tiền không chảy vào sản xuất nên hiệu quả không cao. Vì vây, việc hạ lãi suất nợ cũ xuống 15% sẽ khiến tiền chảy vào sản xuất nhiều hơn, góp phần cứu doanh nghiệp nói riêng và cứu cả nền kinh tế nói chung.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt đánh giá đây là giải pháp rất kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, dồn sức tập trung vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp đều khẳng định đây là điều doanh nghiệp rất mong mỏi. Doanh nghiệp kỳ vọng Ngân hàng nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn và quyết liệt yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện đúng chính sách.
Hiệu quả tới đâu?
Mặc dù doanh nghiệp đang rất kỳ vọng việc hạ lãi suất nợ cũ xuống 15% sẽ tạo nên luồng sinh khí mới cho nền kinh tế nhưng vẫn còn đó những lo ngại.
TS Phạm Kinh Luân, chuyên gia phân tích kinh tế độc lập khẳng định đây là chính sách có tác động tốt tới doanh nghiệp, nhưng chỉ với doanh nghiệp kinh doanh tốt, có tiền thanh toán nợ ngân hàng. Tuy nhiên, với thực tế nền kinh tế Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp ‘sống khỏe’ chiếm tỷ lệ thấp.
Cụ thể, theo số liệu được cung cấp bởi Tổng cục Thuế, qua khảo sát trên cơ sở thống kê tờ khai thuế của 256.000 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 446.000 doanh nghiệp đang hoạt động, quý I, cả nước có tới 70% doanh nghiệp bị thua lỗ, với trị giá 40.000 tỷ đồng. Đây chỉ là số liệu này mang tính chọn mẫu song tính đại diện của các mẫu này khá cao bởi đối tượng được chọn là những doanh nghiệp có uy tín trong hoạt động khai, nộp thuế nhiều năm qua.
Ông Luân cho biết chính sách này chỉ tốt với doanh nghiệp có doanh thu, trả được nợ. Còn với 70% doanh nghiệp còn lại, chính sách này thực sự không phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, với chính sách hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%, các doanh nghiệp thua lỗ lại ‘giúp’ ngân hàng ‘vẽ’ lại tỷ nợ nợ xấu.
Ông Luân phân tích, hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng rất cao. Nợ xấu được hình thành trên cơ sở nợ gốc và lãi phát sinh. Khi lãi suất nợ cũ hạ xuống 15%, tốc độ tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chậm lại.
Giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại Mỹ Đình (xin được giấu tên) chia sẻ đây là chính sách đúng đắn của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, anh cũng không mặn mà vì công ty của anh khó được hưởng chính sách này vì trong gần 2 năm trở lại đây công ty của anh hầu như không có doanh thu. Hiện tượng, anh chỉ cố gắng tập trung kiếm tiền để trả lương cho nhân viên. Chắc chắn công ty anh khó có khả năng thanh toán những khoản nợ sắp đến hạn.
Bảo Linh
Bình luận