(VTC News) - Nhiều khả năng sẽ có một đợt giảm mạnh lãi suất huy động dù vẫn còn đó mối lo cho "sức khỏe" hệ thống ngân hàng.
Làn sóng đã bắt đầu?
Từ ngày 6/5, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gây chú ý khi công bố chính thức giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm. Đây được xem là mức lãi suất thấp kỷ lục trong thời gian này. Động thái này nhận được sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp. Và các doanh nghiệp đang kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất có thể sắp diễn ra sẽ dễ dàng cho họ tiếp cận vốn vay với lãi suất rẻ hơn.
Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở vì cách đây không lâu, ngay sau khi Vietcombank giảm lãi suất, cả hệ thống ngân hàng lần lượt "noi gương". Cùng với quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất huy động được giảm xuống 7,5%/năm.
Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh giảm lần này, Vietcombank không còn giữ vai trò người tiên phong nữa. Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã âm thầm giảm lãi suất. Cụ thể, khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và đủ 24 tháng đều được hưởng mức lãi suất cao nhất là 9%/năm (thay cho mức cũ là 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; 10,50%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và đủ 24 tháng).
Khách hàng doanh nghiệp gửi tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 12 tháng từ 4/5/2013 được hưởng mức lãi suất 8,50%/năm (thay cho mức cũ là 10,00%/năm); kỳ hạn 24 tháng được hưởng mức lãi suất 9,00%/năm (thay cho mức cũ là 10,50%/năm).
Ngân hàng vẫn chưa mặn mà với giảm lãi suất |
Tới sáng nay (8/5), thêm một "ông lớn" ngân hàng khác là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm mạnh lãi suất huy động xuống 6%/năm. Cụ thể, theo thông báo của ngân hàng, từ sáng nay 8/5, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6%/năm; 2 tháng là 6,5%/năm; từ 3 – 11 tháng là 7%/năm và trên 12 tháng chỉ còn 8%/năm.
Vietinbank có chương trình gửi tiết kiệm “Hè sôi động” trúng xe Corolla Altis. Tổng giá trị giải thưởng của chương trình trên 19 tỷ đồng. Agribank cũng dùng ô tô hút tiền gửi từ trong dân.
Đại diện BIDV cho biết, việc giảm lãi suất huy động là theo xu hướng của thị trường. Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động đang dư thừa, thanh khoản ổn định trong khi tín dụng tăng trưởng thấp, ngân hàng muốn giảm lãi suất để hạ chi phí vốn và đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.
Tới chiều 8/5, 'ông lớn' ngân hàng cuối cùng là Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng công bố giảm lãi suất. Cụ thể, bắt đầu từ sáng mai 9/5, Vietinbank sẽ huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức tối đa là 7%/năm, giảm 0,5% so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện Vietinbank cho biết, việc giảm lãi suất là nhằm tạo điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp trong việc giảm chi phí vốn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Với việc "tứ đại gia" ngân hàng đưa lãi suất xuống 5%, 6% và 7%, người ta tin rằng các ngân hàng khác cũng sớm vào cuộc, giảm mạnh lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong lúc chờ làn sóng giảm lãi suất, nhiều ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mại lớn. BIDV triển khai chương trình Tiết kiệm dự thưởng May mắn trọn niềm vui từ ngày 26/4/2013 đến hết ngày 24/7/2013, đúng dịp kỷ niệm 56 năm ngày thành lập ngân hàng. Chương trình được quay số 02 đợt, có tới hơn 800.000 giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Hạ tiếp lãi suất, ngân hàng có thể “chết’ lần nữa
Ngay sau khi Vietcombank mức lãi suất huy động “siêu thấp”, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ quan điểm ủng hộ và tin rằng đây sẽ là cú hích giúp sức cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng LienVietPost Bank lại lo ngại nếu cứ tiếp tục giảm lãi suất, dòng vốn có thể dịch chuyển từ VND sang USD.
|
Ông Hưởng nhận xét việc giảm lãi suất sẽ khiến bẫy thanh khoản rình rập hệ thống ngân hàng thương mại. Khi rơi vào bẫy đó, ngân hàng thương mại có thể “chết” thêm lần nữa. Và lần này, hậu quả có thể còn nặng nề hơn cả nợ xấu.
Nếu trần huy động vốn giảm xuống 9% với cho vay và 4-6% cho huy động, ông Hưởng đặt câu hỏi ai sẽ là người gửi tiền. Ông khẳng định nếu điều đó xảy ra, ông sẽ mua USD. Ông lý luận, với lãi suất 2% hiện hành, tới cuối năm, chênh lệch tỷ giá sẽ từ 2%-3%.
Ai cũng tính toán như vậy thì người ta sẽ rút tiền mặt để mua USD, mua vàng, chứng khoán. Tới lúc đó, ngân hàng rơi vào bẫy thanh khoản và lại đua nhau tăng lãi suất. Điều đó đang rất gần.
Theo ông Hưởng, giảm lãi suất bây giờ Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước sự lựa chọn: Cứu doanh nghiệp yếu kém hay bảo vệ người gửi tiền?
Nếu tiền được “đổ” vào những doanh nghiệp yếu kém thì kể cả lãi suất 0% thì doanh nghiệp đó vẫn chết và ngân hàng lại bị mất vốn. Còn nếu lãi suất tiếp tục hạ nữa thì chắc chắn người dân sẽ đổ xô đi rút tiền, các ngân hàng lại rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Mức lãi suất thế nào cho phù hợp cũng phải áp dụng thực tiễn, phù hợp với người vay và người đi vay.
Ông Hưởng so sánh người vay và người đi vay có quan hệ "trâu và cọc". Trâu đi tìm cọc hay cọc đi tìm trâu. Quan điểm Liên Việt là cọc đi tìm trâu.
Ông Hưởng Hiện ví von có 3 trâu. Con trâu thứ nhất thấy cọc ngửi thơm không mới vào (doanh nghiệp muốn gửi tiền), trâu xem cọc chơi được hay không (doanh nghiệp tìm kiếm lãi suất theo yêu cầu) và loại thứ ba là loại “trâu” mà lãi suất nào cũng vay, vay xong rồi xin hạ xuống.
“Chúng tôi tìm 2 loại trâu đầu tiên. Chúng tôi năn nỉ người ta vay, chúng tôi mới ưu tiên vốn đó. Chúng tôi cho vay với lãi suất 7-8% từ lâu rồi. Tuy nhiên cũng cần xem xét loại vốn nào cho vay 7-8%, loại nào 12% để cần đối bù trừ rủi ro”.
Thanh Hà
Bình luận