Trong giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm xuất hiện khá rõ nét trong hệ thống ngân hàng. Lãi suất tiết kiệm thậm chí đạt “đỉnh” 8,3%/năm tại ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) từ ngày 5/9.
Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12, các ngân hàng âm thầm giảm lãi suất. Đây là động thái khá bất ngờ vì trước đó các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định vào cuối năm áp lực tăng lãi suất sẽ gia tăng.
Cụ thể, từ cuối tháng 11, VietCapital Bank một lần nữa điều chỉnh bảng niêm yết lãi suất. Theo đó, mức cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 7,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. Đây là kỳ hạn duy nhất được hưởng mức lãi cao tại ngân hàng này.
Như vậy, sau nhiều lần điều chỉnh, mức lãi suất cao nhất tại VietCapital Bank cũng như tại toàn hệ thống ngân hàng đã giảm 0,4%.
Không chỉ giảm mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn dài, VietCapital Bank còn giảm lãi ở nhiều kỳ hạn ngắn. VietCapital Bank áp mức lãi suất huy động mới giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng.
Tốc độ giảm lãi suất tại ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thậm chí còn mạnh hơn tại VietCapital Bank. Kể từ ngày 1/12, Techcombank áp dụng biểu lãi suất mới với xu hướng giảm chiếm ưu thế ở nhiều kỳ hạn.
Gói tiết kiệm Phát Lộc thường xuyên là gói có lãi suất cao nhất tại Techcombank. Tuy nhiên, so với đầu tháng 11, mức “trần” trong gói tiết kiệm này giảm tới 0,5% xuống 7%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Lãi tại các kỳ hạn 24 tháng và 25 tháng giảm xuống còn 6,9%/năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) thường xuyên nằm trong danh sách các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường. Kể từ ngày 21/11, VPBank thay đổi biểu lãi suất. Tuy nhiên khác với VietCapital Bank, VPBank chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn và giữ nguyên mức lãi cao nhất.
Cụ thể, nếu gửi tiết kiệm trực tuyến với số tiền trên 5 tỷ đồng, khách hàng của VPBank sẽ vẫn được hưởng lãi suất 8%/năm. Nếu gửi theo hình thức thông thường, mức cao nhất sẽ là 7,7%/năm và đi kèm với điều kiện số tiền gửi phải từ 5 tỷ trở lên.
Tại ngân hàng Quốc dân (NCB), mức lãi suất tiết kiệm cao nhất được áp dụng cũng là 8%/năm. 8%/năm chỉ được áp dụng ở kỳ hạn 24 tháng. Ở một số kỳ hạn khác, NCB cũng niêm yết lãi suất khá cao với mức 7,8%/năm cho hợp đồng 18 tháng, 7,5%/năm cho 5 kỳ hạn và 7,3%/nă, cho kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó, vẫn có một vài ngân hàng đi ngược xu hướng thị trường. Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPB) bất ngờ tăng nhẹ lãi suất. Kể từ ngày 29/10, mức “trần” lãi suất tại TPB giảm từ 7,9%/năm xuống chỉ còn 7,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 37 tháng và gửi dưới hình thức online. Nhưng kể từ 24/11, mức “trần” này tăng nhẹ lên 7,65%/năm.
Còn nếu gửi theo hình thức thông thường tại quầy, lãi suất sẽ thấp hơn một chút. Mức cao nhất được TPB áp dụng là 7,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng. Đặc biệt, để nhận mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 100 tỷ đồng trở lên.
Trong Báo cáo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ tháng 11/2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, qua đó việc ổn định được mặt bằng lãi suất trong năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là kết quả tích cực trong điều kiện lạm phát có sức ép tăng, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ lớn và tín dụng tiếp tục tăng.
Trong điều hành, trên cơ sở diễn biến lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống dư thừa, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình đã góp phần giảm sức ép lên lãi suất đối với các tổ chức tín dụng.
Kết quả là đã ổn định được mặt bằng lãi suất, một số tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát.
Bình luận