(VTC News) – Ngày 30/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành thảo luận cấp chuyên gia về dự thảo nghị quyết do Morocco đề xuất về vấn đề Syria yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al Assad từ chức. Ngày 31/1, trong hội nghị cấp cao về vấn đề Syria, rất nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp đã thúc giục thông qua dự thảo.
Bản dự thảo do Pháp, Anh thông qua và phác thảo sau khi bàn bạc với Qatar, Morocco, Đức, Bồ Đào Nha và Mỹ, nhằm thay thế dự thảo do Nga đề xuất. Ngoại trưởng nhiều nước phương Tây và Tổng Thư ký Liên đoàn Ả rập Nabil al-Araby đã đến New York, ông Nabil al-Araby sẽ báo cáo tình hình với các đại biểu của Hội đồng Bảo an để tranh thủ sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Ả rập.
Mỹ: "Hội đồng Bảo an phải hành động!"
Ngày 31/1, Hội đồng Bảo an đã tổ chức hội nghị cấp cao lần thứ nhất về vấn đề Syria với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng các nước khác như Anh, Pháp. Thủ tướng Qatar Al Thani và Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập Nabil al-Araby còn đích thân báo cáo với Hội đồng Bảo an.
Trước đó, Liên đoàn Ả rập từng bắt tay với nhiều nước như Anh, Pháp, Đức đề xuất một bản dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an, yêu cầu Tổng thống Syria Assad chuyển giao quyền lực và tổ chức bầu cử, đồng thời ủng hộ việc trừng phạt Syria..
Hội đồng Bảo an thảo luận vấn đề Syria |
Cũng trong ngày 31/1, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe phát biểu tại Ủy ban An ninh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đặt tại New York để tìm cách thông qua dự thảo nghị quyết chuyển đổi quyền lực tại Syria.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero còn tuyên bố: "Vì tội chống lại nhân loại mà chính quyền Syria phạm phải ngày càng nghiêm trọng nên Ngoại trưởng sẽ thuyết phục Hội đồng Bảo an hành động”.
Trước khi Hội đồng Bảo an tổ chức buổi thảo luận này, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice khẳng định: "Chính phủ Syria bắt đầu trấn áp hoạt động biểu tình của dân chúng từ tháng 3/2011. Hơn 10 tháng qua, do một số nước phản đối nên Hội đồng Bảo an vẫn chưa có hành động gì. Tôi hi vọng Hội đồng Bảo an có thể thông qua nghị quyết, ủng hộ kế hoạch chuyển tiếp dân chủ yêu cầu Tổng thống Assad từ chức do Liên đoàn Ả rập đề xuất”.
Ngày 30/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chia sẻ bà sẽ đến Liên Hợp Quốc bày tỏ thái độ ủng hộ người dân Syria, lên án việc chính phủ Syria tăng cường các biện pháp trấn áp dã man người biểu tình. Bà nói: “Hội đồng Bảo an phải áp dụng hành động đối với chính quyền Syria. Chỉ có như vậy Syria mới chuyển sang chính phủ dân chủ”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: "Hội đồng Bảo an phải hành động". |
Cũng trong ngày 30/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ ủng hộ giải quyết xung đột tại Syria bằng biện pháp chính trị. Ông đồng thời khẳng định Tổng thống Syria Assad đã mất quyền kiểm soát quốc gia, chính quyền Assad sắp sụp đổ.
Nga sẽ lại phủ quyết?
Trước cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Gennady Gatilov tuyên bố rõ ràng rằng Nga không ủng hộ dự thảo này.
Ông Gennady Gatilov nói: “Bản dự thảo lần này của phương Tây không khác mấy so với bản dự thảo vào tháng 10 năm ngoái. Dự thảo này chỉ kêu gọi các nước Ủy viên thường trực ngừng cung cấp vũ khí cho Syria nhưng lại không phân biệt rõ ràng giữa hành động buôn lậu vũ khí của một số nước ủng hộ thế lực cực đoan và quan hệ kỹ thuật quân sự hợp pháp giữa Syria với các nước khác”.
Sau khi Hội đồng Bảo an thảo luận dự thảo này, Nga lại bày tỏ thái độ phản đối, cho rằng bản dự thảo này vượt qua “giới hạn đỏ” nước Nga phản đối trừng phạt và cấm vận vũ khí, hơn nữa chỉ trích một số nước thuộc Liên đoàn Ả rập âm mưu phá hoại cố gắng giải quyết hòa bình xung đột tại Syria.
Hồi tháng 10 năm ngoái, hai nước thành viên thường trực Nga và Trung Quốc đã cùng dùng đến quyền phủ quyết của mình để chống lại việc thông qua nghị quyết về Syria do 4 nước Pháp, Anh, Đức, Bồ Đào Nha soạn thảo với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Sáng Nguyễn
Bình luận