Nạn nhân mới nhất là một nam giới 51 tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn to.
Bệnh nhân này không ăn, uống tại đám ma, nhưng có uống rượu mua tại khu vực này. Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, nạn nhân là ông Chẻo Sìn Hào, 51 tuổi, dân tộc Dao, ở bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ.
Ông Đức cho biết thêm, trước đó, sau khi xảy ra sự việc hàng loạt người ngộ độc thực phẩm, một số người tử vong sau ăn cỗ đám ma tại nhà ông Phu Vần Lèng (bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải), một số người dân ở bản bên cạnh (bản Sín Chải, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) nghĩ rằng bản Tả Chải đang có dịch bệnh nên bỏ lên nương làm, trong đó có ông Chẻo Sìn Hào. Theo gia đình nạn nhân, khi đi lên nương, ông Hào có mang theo can rượu được mua tại khu vực chợ Sì Lở Lầu để uống.
Ngày 16/2, bệnh nhân được gia đình phát hiện trong tình trạng hôn mê và đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn to.
Trước bệnh nhân có tiền sử uống rượu mua tại khu vực này, các biểu hiện cho thấy bệnh nhân có nguy cơ ngộ độc methanol, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, chạy thận, truyền dịch giải độc.
Việc điều trị có sự hỗ trợ của các chuyên gia chống độc đến từ Bệnh viện Bạch Mai, tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị tích cực, diễn biến bệnh nhân không đỡ lên mà càng lúc càng nặng hơn và đã tử vong. Được biết, chính quyền, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân không uống rượu, vận động người dân có uống rượu thời gian gần đây đến viện khám khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, đây là nạn nhân duy nhất ngộ độc và tử vong đến thời điểm này không ăn uống ở đám tang, nhưng có sử dụng nguồn rượu mua tại khu vực chợ Sì Lở Lầu. Hiện số người có triệu chứng liên quan đến ngộ độc rượu trong và ngoài đám tang là 126 người, xuất hiện ở 5 xã, trong đó có 9 người tử vong.
Ngoài ra, chính quyền huyện Phong Thổ cũng khẳng định là trên địa bàn không có dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tiến hành vận động, tuyên truyền người dân sớm ổn định cuộc sống, giao nộp rượu không có nguồn gốc xuất xứ.
Ông Dương Đình Đức cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp và tiêu hủy gần 1.000 lít. Đến nay, tình hình ngộ độc rượu trên địa bàn, đặc biệt là các nạn nhân liên quan đã được kiểm soát.
Chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã tiếp tục tập trung và ưu tiên đặc biệt cho công tác thu dung, cứu chữa các nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm trong và ngoài đám tang, hạn chế tối đa tình trạng tử vong. Công tác khắc phục và các biện pháp phòng ngừa vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục được địa phương duy trì triển khai.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đoạn chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã tập trung vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn không dùng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng, kiểm soát thật chặt chẽ các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia, nước giải khát cũng như là thực phẩm an toàn”-ông Dương Đình Đức nói.
Video: 7 người chết sau ăn cỗ đám ma ở Lai Châu: Nghi do ngộ độc methanol trong rượu
Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lèng, sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22h tối cùng ngày ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự của ông Lèng trong 3 ngày 11-13/2; theo phong tục, đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều ngày 13/2 xảy ra hiện tượng nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và tử vong. Các nạn nhân đều uống rượu, ăn một số thực phẩm khác.
Được biết trong bữa ăn tại đám ma các ngày 11,12,13/2 tại nhà ông Lèng, các nạn nhân đã ăn cơm, thịt, đậu phụ, rau cải, một số người có uống rượu và ăn kẹo do Trung Quốc sản xuất. Theo các bác sỹ, nạn nhân cho biết họ uống rượu theo bát, mỗi người uống từ 1 đến vài bát. Đến nay đã có 8 người tử vong (tính cả ông Phu Vần Lèng) do liên quan đến vụ ngộ độc này.
Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng sau đó cũng cho thấy các mẫu rượu được kiểm nghiệm có hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần.
Bình luận