• Zalo

Lai Châu khuyến cáo người dân lợp nhà bằng mái tôn đề phòng mưa đá

Tin nhanh 24hThứ Ba, 28/04/2020 16:39:41 +07:00Google News
(VTC News) -

Với mật độ các trận mưa đá ngày càng dày đặc, cường độ mạnh, việc khuyến cáo người dân thay thế mái Fibro xi măng bằng lợp tôn là giải pháp phù hợp.

Liên tiếp trong  tháng 3 và tháng 4, nhiều xã vùng cao, biên giới của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phải hứng chịu 5 trận mưa đá với cường độ mạnh. Mưa đá trắng trời, nhiều nơi đá dội như trút đã làm nhiều người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, cây cối hoa màu bị dập nát.

Lai Châu khuyến cáo người dân lợp nhà bằng mái tôn đề phòng mưa đá - 1

Trận mưa đá trút xuống khiến nhiều gia đình ở xã Bản Lang rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Theo đánh giá của UBND huyện Phong Thổ, 100% nhà lợp bằng Fibro xi măng kể cả cũ và mới đều bị ảnh hưởng bởi mưa đá, chỉ có nhà mái bằng hoặc lợp mái tôn có độ dày 4mm trở lên là không thiệt hại.

Trước những diễn biến bất thường của thiên tai, để đảm bảo an toàn cho người dân, cùng với các giải pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất, huyện Phong Thổ tập trung hỗ trợ và khuyến cáo người dân lợp mái tôn.

5 ngày sau trận mưa đá, gió lốc ầm ập trút xuống, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vẫn ngổn ngang vì thiệt hại quá lớn. Toàn xã có 1.275 hộ bị hư hỏng nhà cửa, trong đó có hơn 500 hộ nghèo, hơn 260 cận nghèo. Hiện tỉnh, huyện và các ngành chức năng đang nỗ lực huy động các lực lượng giúp bà con lợp lại mái nhà, trước mắt phủ bạt để tạm che mưa nắng.

Lai Châu khuyến cáo người dân lợp nhà bằng mái tôn đề phòng mưa đá - 2

Nhiều nhà che tạm bạt trong khi chờ hỗ trợ tấm tôn.

Ông Phàn A Tỏn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Lang cho biết, 100% nhà bị hư hỏng, thiệt hại là mái lợp bằng Fibro xi măng. Còn lại hơn 300 hộ không bị thiệt hại là những nhà xây mái bằng và lợp tôn. Trước thực tế này, xã đang tập trung đo đạc, thống kê thiệt hại để đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ cho bà con tấm tôn.

Ông Vương Thế Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, thực tế sau nhiều năm sử dụng tấm lợp Fibro xi măng, qua những trận mưa đá với cường độ mạnh như vừa qua cho thấy, vật liệu này đã không còn đảm bảo an toàn, gây thiệt hại và thương vong cho người dân khi ngói vỡ.

Huyện đã khuyến cáo bà con lợp tôn với độ dày tối thiểu 0,4mm trở lên. Bởi lẽ qua kiểm tra rà soát ở địa bàn bị thiệt hại, loại tôn 0,4mm mới chịu được đá rơi mạnh, còn loại 0.35mm vẫn bị thủng li ti.

Lai Châu khuyến cáo người dân lợp nhà bằng mái tôn đề phòng mưa đá - 3

100% nhà lợp bằng mái proximang đều bị vỡ vụn bởi mưa đá.

Với số hộ ảnh hưởng lớn, trải dài trên địa bàn các xã biên giới, huyện Phong Thổ đã trích quỹ dự phòng khoảng 2,5 tỷ đồng và mỗi xã khoảng 100 triệu để mua tôn hỗ trợ cho bà con, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất.

“Thời gian tới Nhà nước có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải xem xét hỗ trợ những vật liệu phù hợp với địa phương. Như địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hiện nay ngói Fibro xi măng là không còn phù hợp trong điều kiện mưa đá và gió lốc. Các cơ quan ban hành chính sách thực hiện hỗ trợ mái tôn có độ dày để đảm bảo vừa phòng chống được mưa đá với cường độ lớn và gió lốc”- ông Vương Thế Mẫn nói.

 

Lai Châu khuyến cáo người dân lợp nhà bằng mái tôn đề phòng mưa đá - 4

Cùng một bản nhưng chỉ có nhà lợp mái tôn còn nguyên vẹn.

Với mật độ các trận mưa đá ngày càng dày đặc, cường độ mạnh, việc khuyến cáo người dân thay thế mái Fibro xi măng bằng lợp tôn là giải pháp phù hợp, nhất là thực tế hiện nay trên địa bàn Tây Bắc lâu nay đa phần người dân lợp bằng Fibro xi măng.

Việc thay thế mái tôn sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời người dân cần thường xuyên kiểm tra tình trạng của mái nhà và gia cố lại mái. Hệ kết cấu khung mái, xà gồ nên sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận.

Video: Khung cảnh tan hoang sau mưa đá tại bản Hoàng Liên Sơn 2

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Bình luận
vtcnews.vn