Bạn bè tôi đến chơi cũng thường xuyên bị mẹ để ý, hỏi cặn kẽ nhà ở đâu, bố mẹ làm gì, đến tìm tôi có việc gì... Có những đứa đến mượn cuốn truyện, tập sách... đều bị mẹ chất vấn đến nỗi chẳng dám mượn nữa mà về thẳng luôn. Về sau, bạn bè tôi chả dám đến chơi nữa và chúng thường nói với nhau “mẹ nó Hít - le lắm”. Những lúc như vậy, tôi thường cảm thấy rất xấu hổ và khổ sở.
Đôi khi, tôi thường cố gắng bóng gió nói về mẹ của cái A, thằng B, rằng mẹ chúng nó thế này, thế kia và ghen tị ra mặt một cách cố tình (mà quả thực tôi có có ghen tị thật) để mẹ hiểu rằng, chúng nó có người mẹ dịu dàng thế nào, chẳng bao giờ mắng mỏ con cái và chẳng bao giờ gắt gỏng. Nhưng mẹ tôi chẳng buồn bận tâm. Thậm chí có lần tôi làm một tấm thiệp để chúc mừng sinh nhật mẹ còn bị mẹ mắng té tát vì đã cắt nát những tờ báo của mẹ để lấy hoa, lá trang trí cho tấm thiệp. Tôi đã khóc và ao ước giá như mình có một người mẹ khác.
Có một thời gian, mẹ rất hay nói một mình. Mẹ đèo tôi ngồi sau xe đạp và nói không ra tiếng, nhưng mặt rất căng thẳng như đang cãi nhau với ai gay gắt. Có lẽ lúc đó trong đầu mẹ quá nhiều thứ phải suy nghĩ nên nó phát ra ngoài như thế. Bố tôi giải thích rằng do sức khỏe mẹ yếu, lại có nhiều áp lực công việc và hàng ngày phải lo lắng cơm nước, chăm sóc cho bố con, chị em tôi. Nhưng, những lúc nghe bố giải thích, tôi chỉ thấy sao mà bố con tôi khổ thế mà thôi.
Đỉnh điểm của sự xung khắc với mẹ mà tôi không bao giờ quên là có một lần mẹ đã tát tôi. Đó là khi tôi nhận được thư của một bạn trai. Chúng tôi kết bạn qua địa chỉ viết sau cuốn truyện tranh Doreamon. Mẹ đã đọc lá thư đó của tôi và đay nghiến bằng điệp khúc quen thuộc của mẹ: “Trẻ con không lo học, rồi thì… chỉ có…”. Lúc đó, tôi mới học lớp 6... hai mẹ con to tiếng một lúc và kết quả là tôi vừa khóc vừa hét lên rất dõng dạc “con ghét mẹ”. “Bốp”. Một cái tát nảy đom đóm mắt. Tôi ngã khuỵu, sững sờ mở to đôi mắt còn đang ậng nước trân trân nhìn mẹ. Còn mẹ, dường như cũng không thể tin nổi vào những gì vừa xảy ra, nên cứ đứng đó hồi lâu mặc cho tôi ôm mặt chạy ù vào phòng.
Đêm đó tôi không ngủ được, tủi thân, uất ức cùng nước mắt ướt sũng cả một mảng gối. Nửa đêm, tôi thấy mẹ lặng lẽ bước vào phòng, ngồi cạnh tôi một lúc lâu. Tôi nhắm mắt giả vờ ngủ nhưng tôi biết mẹ khóc. Mẹ vuốt má tôi, chỗ hồi chiều mẹ đã tát vào đó. Rồi, trước khi đứng lên đi ra, mẹ nhét cái gì đó xuống dưới gối. Khi cửa phòng tôi khép lại, tôi luồn tay xuống gối và lấy ra một tờ giấy gấp làm bốn. Trong đó chỉ vỏn vẹn một dòng chữ của mẹ: “Mẹ xin lỗi con”. Tôi vẫn giữ lá thư kì lạ ấy cho đến tận bây giờ.
Giờ đây, hai mẹ con tôi lại thân thiết với nhau hơn xưa. Những khi tôi đi xa, hai mẹ con có thể chat chit, gửi thư điện tử, chuyện gì tôi cũng kể được với mẹ, buôn đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, mẹ còn biết dùng cả facebook nữa. Đã nghỉ hưu nên thậm chí mẹ còn đi học làm bánh gato, cũng tra google thử nghiệm làm đủ món.
Hôm trước mẹ bỗng nói với tôi một điều. Mẹ nói rằng mẹ tiếc hồi xưa, cứ tham công tiếc việc quá, bận bịu, nên cáu gắt với mấy bố con suốt ngày làm cho gia đình mất vui. Thực ra cái thời đó bố mẹ chỉ đi làm nhà nước thì làm sao đủ cho hai chị em tôi ăn học. Chuyện phải xoay đủ nghề buôn bán để chị em bằng bạn bằng bè là điều mà ai cũng phải làm. Mẹ bảo, giờ đây dù biết và hối tiếc những nếu quay lại thời gian đó, có lẽ mẹ cũng chẳng thể làm khác được là bao nhiêu. Mẹ vẫn phải vất vả như vậy để nuôi chúng tôi nên có lẽ vẫn tiếp tục cáu gắt thôi! Nhưng, điều này, phải đến khi có con, tôi mới hiểu và thông cảm được với mẹ.
Quay trở lại với việc tôi đánh con. Con trai tôi còn quá nhỏ để biết đóng cửa chạy vào phòng và nói hét lên rằng “con ghét mẹ” như tôi năm nào. Nhưng tôi tin, vào phút giây ấy, nó không yêu tôi nữa mà chỉ sợ hãi. Đêm đó, tôi ôm thằng bé vào lòng, vừa ru nó ngủ vừa vuốt bầu má đáng yêu của nó thật nhẹ nhàng như thể sợ làm con đau và thủ thỉ “Mẹ xin lỗi con. Mẹ yêu con”. Chẳng biết con có hiểu không nhưng nó mở to đôi mắt nhìn tôi, chun chun mũi cười và giơ bàn tay bé tí xiu lên nghịch nghịch những giọt nước chảy ra từ mắt mẹ. Hình như, nó đã “tha thứ” cho tôi rồi.
Tuấn Minh
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận