Được tin bố ốm nặng, chị em con đã tức tốc từ Hà Nội về, không ngờ về nhà mọi việc lại xảy ra đau lòng như thế. Giờ thì bố con đã mất, mà đau đớn hơn, người gây ra cái chết cho bố lại chính là người mẹ thương yêu của chúng con...”.
Lá thư đẫm nước mắt của hai đứa trẻ tội nghiệp sau thảm cảnh gia đình.
Gương mặt ngây thơ của hai đứa trẻ vẫn còn hiện rõ tiếng nấc nghẹn ngào như kéo chùng không gian trong căn nhà nhỏ nơi xóm vắng. Đã mấy ngày trôi qua khi sóng gió bất ngờ ập tới đối với gia đình hai em Phạm Thị Huế (17 tuổi) và Phạm Văn Thương (14 tuổi) nhưng giờ đây, khi bố chết, mẹ vào vòng lao lý thì cuộc đời hai đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành sẽ đi về đâu? Hai đứa trẻ chỉ còn biết viết thư “cầu xin mọi người tha thứ và đừng tử hình mẹ con”.
Theo thông tin đã đưa, Đỗ Thị Thơ (37 tuổi) đã giết chồng là Phạm Văn Lai (cùng 37 tuổi), trú tại thôn Nà Diềm (xã Linh Hồ, Vị Xuyên) đã được ngành chức năng làm rõ và khởi tố bị can.
Trước đó, vào trưa ngày 10/11, Lai đi uống rượu về đập phá đồ đạc và đánh vợ. Trrong lúc giằng co, Thơ đã lấy sợi dây thừng siết cổ nạn nhân đến chết. Đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, Thơ dùng xe máy chở xác đến cầu Km 21 và đẩy xuống sông.
Trong lá thư của cô bé Phạm Thị Huế những giọt nước mắt đã làm nhòe đi trang giấy: “Con còn nhớ khi con khoảng 6 - 7 tuổi, bố mẹ đã xảy ra mâu thuẫn, bố đánh đuổi mẹ ra khỏi nhà, sau đó lại van xin mẹ quay về. Vì thương con và vẫn còn tình cảm với bố nên mẹ đã trở về để chăm sóc chị em con.
Suốt quãng thời gian tuổi thơ của hai chị em con là sự ám ảnh về những lần say rượu của bố. Có lần bố đã vứt sách vở của con rồi chửi mắng và bắt con phải bỏ học. Nhiều đêm, bố say rượu, ba mẹ con phải chạy trốn lên nhà các bác xin ngủ tạm. Vì nhà nghèo, bố mẹ lại thường xuyên cãi nhau nên chị em con phải bỏ học từ khi lên lớp 6.
Sau này, con xuống Hà Nội làm, ít về nhà nhưng con biết bố mẹ vẫn thường mâu thuẫn những lúc bố say. Mỗi lần con gọi điện về nói chuyện với mẹ, bảo mẹ xuống Hà Nội làm thì mẹ bảo vì thương bố, phải ở nhà để chăm sóc cho bố, sợ không muốn bố phải chịu khổ một mình. Khi bố tỉnh táo, bố con là một người hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Gia đình con vẫn sống rất đầm ấm. Con rất thương bố.
Bố mẹ con đã tích góp tiền và tự tay xây ngôi nhà mới này, chúng con đã hy vọng sẽ có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng chưa kịp ở nhà mới thì đã xảy ra chuyện đau lòng này. Chuyện xảy ra hôm nay, con không thể ngờ tới.
Con biết mẹ con hành động như thế thật là độc ác, là không nghĩ đến chúng con nhưng con cũng biết là mẹ đã chịu nhiều uất ức, không chịu nổi nên mới hành động nông nổi như thế. Nhưng bố con đã mất rồi, không thể sống lại được, giờ chị em con không muốn mất thêm mẹ nữa. Con cầu xin mọi người tha thứ và đừng tử hình mẹ con...”.
Con biết mẹ con hành động như thế thật là độc ác, là không nghĩ đến chúng con nhưng con cũng biết là mẹ đã chịu nhiều uất ức, không chịu nổi nên mới hành động nông nổi như thế. Nhưng bố con đã mất rồi, không thể sống lại được, giờ chị em con không muốn mất thêm mẹ nữa. Con cầu xin mọi người tha thứ và đừng tử hình mẹ con...”.
Được biết, hai chị em Huế hiện đang đi làm thuê cho một cơ sở bánh kẹo ở Hà Nội, vì nhà nghèo, không có tiền học nên chị em Huế đều phải bỏ học từ năm lớp 6, ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp gia đình. Huế xuống Hà Nội làm được mấy năm nay, còn em trai chỉ mới theo chị chưa đầy một tháng.
Trước đây, Huế từng có một mong muốn là sẽ kiếm chút tiền rồi về quê mở quán buôn bán để được sống gần bố mẹ, người thân, hưởng một cuộc sống bình dị và hạnh phúc, nhưng ước mơ chưa kịp thực hiện thì gia đình đã rơi vào cảnh “tan đàn sẻ nghé”.
Căn nhà mới được vợ chồng Thơ góp nhặt để xây nên chưa kịp ngày vào ở vẫn còn trống hoác, chỉ có bộ bàn ghế kê tạm trong những ngày nhà xảy ra sóng gió thì giờ đây lại càng quạnh quẽ, đìu hiu.
Bà Phạm Thị Thanh, chị gái của nạn nhân cho biết: “Bình thường hai vợ chồng Thơ rất hiền lành và chăm chỉ làm ăn, chẳng lời qua tiếng lại với ai, kể cả người thân và hàng xóm. Chỉ có lúc rượu vào là chú nó (nạn nhân) hay gây chuyện, cãi vã với vợ con. Có hai lần chú thím ấy đánh nhau, chú toạc cả máu phải vào viện khâu, nhưng sau đó lại“cơm lành canh ngọt”.
Vì nhà ở sát nhau nên mỗi khi vợ chồng mâu thuẫn, thím Thơ lại lên nhà tôi ngủ và thường hay than thở, chán nản vì chồng thường xuyên say rượu. Thương cả vợ, cả chồng nhưng người lớn hành động không nghĩ trước sau để nỗi đau giờ đây hai đứa trẻ phải gánh chịu”.
Sóng gió ập đến đối với cuộc đời hai đứa trẻ quá bất ngờ và đau đớn khiến chúng vẫn còn “chao đảo”, không dám tin vào sự thật này. Người chết không thể sống lại, người sống không thoát được vòng lao lý, chỉ có nỗi đau mà người thân và chính những đứa trẻ trong ngôi nhà oan nghiệt này phải chịu đựng là có lẽ không thể bị xóa nhòa bởi bụi mờ thời gian.
Giá như... Nhưng tất cả đã quá muộn.
Theo B.L/ Hà Giang online
Bình luận