• Zalo

Lá thư đẫm lệ về cuộc đời tủi nhục của cô gái mắc AIDS

Pháp luậtThứ Hai, 07/11/2011 12:05:00 +07:00Google News

“Sáu tháng tuổi, mẹ tôi ngoại tình, bỏ lại tôi - đứa con thơ khát sữa khóc ngằn ngặt đêm ngày cho cha, rồi đi biền biệt..."

Cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” trong phạm nhân do Tổng Cục VIII - Bộ Công an tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đồng đảo những tác giả đặc biệt - các phạm nhân ở các trại giam trong cả nước.

(Ảnh minh họa). 
Lần đầu tiên, những tiếng nói của lương tri, của sự sám hối được cất lên từ những nơi tưởng như tối tăm nhất, từ những tâm hồn tưởng như không thể tìm lại được lối đi trong cuộc đời mình. Mỗi bài viết là một số phận, vì lầm lỡ, vì sa ngã, nhưng ở họ đều có những góc khuất của số phận.

Đầu tiên là những trang viết của phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai - Trại giam Thanh Xuân-người giành giải nhất cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”. Nhiều người đã khóc khi đọc những trang viết của cô và ngạc nhiên trước ý chí, niềm tin hướng thiện và khát vọng sống của người phụ nữ bị bệnh AIDS 10 năm nay. Gặp Mai trong buồng giam ở Trại giam Thanh Xuân, căn bệnh AIDS đã gần như rút hết sức lực của người phụ nữ bé nhỏ này. Nhưng gương mặt cô vẫn sáng và nhẹ nhõm. Trong quãng đời tối tăm nhất của cuộc đời mình, Mai vẫn viết những dòng như thế này: “Mỗi sớm mai thức dậy, ta còn nghe tiếng chim hót, ta sẽ thầm cảm ơn trời đất đã cho ta sống thêm một ngày có ý nghĩa trong cuộc đời”.

Ký ức sợ hãi

Cuộc đời Mai từ khi còn thơ bé đã khốn khổ bất hạnh, mẹ bỏ rơi, ốm đau dặt dẹo quanh năm như cái giẻ rách vắt vai của người cha nghèo khổ. Cha lấy dì ghẻ khi cô đã lớn hơn, người mẹ lúc đó mới tìm con về với mục đích trông hàng quán, phục vụ cơm nước giặt giũ cho bà ta với ông chồng nát rượu thô lỗ đánh vợ suốt ngày và hơn thế, lại là gã cha dượng vô lương tâm rắp tâm hãm hiếp con riêng của vợ. Thoát khỏi lần bị dượng hãm hiếp, chị lại rơi vào tay lũ thanh niên bay đêm, thoát tay lũ thanh niên rác rưởi lại rơi vào tay lão bảo vệ giả mạo. Mai đã mất đời con gái sau một đêm ê chề kinh hãi. Sau đó mẹ giao Mai vào tay một tú bà, Mai trở thành gái điếm, cuộc đời trượt dốc từ lúc đó.

Tôi đọc bài viết của Mai rất nhiều, và băn khoăn hỏi khi gặp cô trong Trại giam Thanh Xuân: “Chị viết thẳng thắn thế này chắc mẹ sẽ buồn lắm”. Mai nói: “Tôi biết bà sẽ giận và buồn. Nhưng có những sự thật không thể che giấu mãi. Khi viết xong bài này trong hơn một tháng vật vã, tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và thanh thản. Tôi nghĩ, mẹ sẽ buồn, sẽ giận, nhưng rồi một ngày nào đó bà sẽ thấy thương đứa con tội nghiệp của bà nhiều hơn”. Nước mắt len lén rơi trong khóe mắt Mai. Một nỗi gì đó, cứ nghèn nghẹn.

“Sáu tháng tuổi, mẹ tôi ngoại tình, bỏ lại tôi - đứa con thơ khát sữa khóc ngằn ngặt đêm ngày cho cha, rồi đi biền biệt. Cuộc hôn nhân sau đó chỉ tiếp tục kéo dài thêm hai năm trong “chiến tranh lạnh”rồi đổ vỡ! Cha con tôi sống trong căn hộ chật chội, tồi tàn và cũ kỹ trên tầng ba của một khu tập thể xây dựng đã lâu năm, đang xuống cấp nghiêm trọng! Tôi không thể quên - có những mùa mưa, bao nhiêu xô chậu; nồi niêu; xoong chảo trong nhà được cha tôi bày ra la liệt như một “bãi chiến trường” để hứng dột - còn tôi thì lại ngây ngô cười khanh khách đầy thích thú - bởi cứ ngỡ đó là trò “chơi đồ hàng” mà cha sắp chơi cùng tôi!... Cha tôi kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo trên khắp các đường phố ngõ hẻm. Lẫm chẫm biết đi, tôi thường hay ốm vặt - gầy gò và còi cọc, lại quấn với cha chẳng chịu rời một bước! Là đứa trẻ “khó nuôi”, nên mỗi khi tôi “ươn người”, cha cứ luôn phải bế đi dong dong khắp các hành lang của khu nhà tập thể.

Dù mưa, dù nắng - “cái giẻ vắt vai” luôn theo ông đi xuôi - ngược khắp mọi nẻo đời! Trên phố xá tấp nập người qua lại; hay những khu chợ ồn ào, náo nhiệt. Người dân đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông bán vé số dạo - cùng đứa bé ốm o, quặt quẹo, nhem nhuốc ngủ li bì trên vai... Tôi bước vào những năm đầu học cấp một. Sau giờ cắp sách đến trường, tuổi thơ tôi vẫn là những ngày tháng nhếch nhác, rách rưới trên đường phố khi lẽo đẽo theo cha tiếp tục cái nghiệp của người bán vé số rong. Bởi thế mà tôi không có bạn, rơi vào tột cùng trong thế giới cô đơn của một đứa trẻ nghèo! Nhưng bù lại tôi học rất giỏi - dù còn nhỏ - tôi cũng đã thầm ước mơ rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở thành một nữ nhà văn (hoặc nhà báo)... Cuộc sống vốn là một con đường dài nhưng lại nhiều khúc rẽ! Cha tôi cuối cùng cũng đi thêm bước nữa, năm ấy tôi bước sang tuổi 14.

Dì ghẻ tôi lại là một người đàn bà lỡ làng trước khi đến với ông... Dĩ nhiên cứ như là: ở trước mặt bà - tôi có nói gì, có làm thế nào cũng khiến bà thấy rất chướng tai, gai mắt. Tôi líu díu và lẳng lặng bước theo sau chân mẹ - nước mắt lưng tròng, cũng chẳng biết mình nên làm thế nào nữa! Bấy giờ, gần nhà mẹ tôi đang hình thành một khu chợ tự họp. Mẹ cũng mở một sạp rau quả và đồ khô giữa những chiếc xe thồ; những thúng - mẹt của dân buôn bán chở đến từ vùng ngoại thành. Tôi vẫn gầy gò và còi cọc nên mặc vừa quần áo cũ được thải ra từ thằng em 9 tuổi của mình, do vậy mà chẳng mấy khi mẹ phải sắm sửa đồ mới cho tôi! Cha dượng tôi vốn là một gã đàn ông nát rượu; thường say bí tỉ từ sáng cho tới tối - cái màn “thượng cẳng chân - hạ cẳng tay” với mẹ thường diễn ra như cơm bữa! Thế nên, bao nhiêu bực tức - mẹ trút cả vào tôi bằng những trận đòn thừa sống, thiếu chết cùng những lời nhiếc móc, chì chiết... Tôi cứ sống với nỗi uất ức câm lặng tích tụ lại lâu ngày - rồi trở thành một con bé lầm lì, chỉ biết khóc một mình.

Tôi lao vào học hành để quên đi tất cả mọi thứ! Mười sáu tuổi, tôi bắt đầu biết ngượng ngùng, xấu hổ trước vẻ nhem nhuốc, lếch thếch của mình! Bắt đầu biết cảm nhận nỗi sợ hãi tột cùng mỗi khi gã cha dượng uống rượu - hắn lại tròng trọc nhìn xoáy vào cơ thể tôi bằng ánh mắt đỏ vằn chằng chịt những tia máu! Một ngày đầu năm, mẹ tôi nói rằng bà sẽ theo đoàn đi lễ chùa Hương trong 3 ngày, mọi công việc của cửa hàng - mẹ giao cho tôi thay bà quán xuyến. Đêm ấy, cha dượng và thằng em trai tôi ngủ trên căn gác xép, một mình tôi nằm ở nhà dưới trong cái lều quán dựng bằng cót ép. Nửa khuya, tôi đang ngủ say - bỗng giật bắn mình nhận thấy có một bàn tay thô bạo đang sục sạo trên cơ thể tôi”.

Đời trượt dốc không phanh

Những vết xước đầu đời khiến tâm hồn cô bé Mai ngày đó sợ hãi. Mai chạy trốn khỏi ông bố dượng, nhưng không chạy trốn khỏi những kẻ xấu. Mai bị một gã đàn ông giả danh là bảo vệ hãm hiếp, bắt đầu cho những vết trượt dài trong cuộc đời tủi nhục của cô.

Mai bỏ học, tìm đến cái chết nhưng không thành. Tệ bạc hơn, khi chính bà mẹ cô dắt Mai đến con đường làm gái điếm: “Tôi đã nhắm mắt đưa chân vào cuộc kiếm tiền ô nhục như thế đấy! Tặc lưỡi chấp nhận! Tôi bất cần bởi cho rằng đời mình còn gì để mà mất nữa đâu! Càng dấn thân vào kiếp mua vui cho người thiên hạ, tôi càng trở nên ngang tàng, hoang dại, nuôi dưỡng tràn đầy lòng thù hận trước cuộc đời này! Tôi nhanh chóng hòa nhập vào thế giới của những cave với thú vui tiêu tiền vung vãi, những cuộc chơi thâu đêm cùng bài bạc và rượu mạnh. Ban đầu tôi còn về nhà, dần dần chỉ dảo qua, và sau cùng thì gần như biệt tăm, biệt tích. Chán đời, tôi muốn tìm quên bằng cách lao như thiêu thân vào từng cuộc đàn đúm thác loạn của đám cave.

Cuối cùng tôi theo bọn họ làm quen với ma túy, rồi mắc bẫy giữa vòng vây xiết chặt của nó. Tôi đâu ngờ phút sa chân mù quáng và dại dột ấy, tôi đã tự đẩy cuộc sống tương lai của mình trượt dài xuống vực sâu tăm tối nhất... Hai mươi tuổi, tôi bước chân vào trại cai nghiện dưới cái hình thể tàn tạ, xiêu vẹo chỉ còn da bọc xương! Tôi mơ màng nghĩ về quãng thời gian sắp tới; ấp ủ mọi dự định nối tiếp nhau với khát khao mãnh liệt được “làm lại từ đầu”... Sau hai tháng tập trung cai nghiện ở đó, khi sức khỏe của tôi đang hồi phục thì bỗng choáng váng, ngỡ ngàng bởi cái tin sét đánh: Tôi đã nhiễm căn bệnh HIV trong một đợt xét nghiệm máu toàn trại! Thế là hết thật rồi! Chẳng còn gì là cuộc sống tương lai nữa cả! Ai? Điều gì đó đã xô tôi tới cái kết cục ngày hôm nay? Lòng thù hận bấy lâu đã lắng xuống, giờ lại được dịp len lỏi vào từng mạch máu trong quả tim của tôi! Tôi tê tái trong lòng, đêm về trằn trọc không sao ngủ được vì cái âm thanh oan nghiệt kia cứ vang vọng luẩn quẩn khắp bốn phía xung quanh! Mẹ vẫn vậy - Luôn cay nghiệt với tôi dù không còn đánh đòn tôi như lúc trước!”.

Và giấc mơ đi về phía mặt trời

Có một khoảnh khắc ấm áp hiếm hoi trong cuộc đời Mai, khi cô tìm thấy tình yêu của mình và sinh con. Nhưng rồi nó cũng chợt tắt, như đốm lửa heo hút giữa mùa đông lạnh giá:

“... Đi cai lần thứ ba, tôi quen biết rồi yêu một thanh niên cùng cảnh ngộ, anh ấy cũng từng mắc nghiện và đang mắc căn bệnh HIV trong mình như tôi. Nhưng khi biết rõ về quá khứ và gia cảnh không mấy tốt đẹp của tôi, gia đình tỏ ý ngăn cấm, kiên quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân này.


...Đột ngột một ngày, tôi hụt hẫng chứng kiến anh ấy bị cưỡng chế bắt vào trại cai nghiện thêm một lần nữa! Bụng tôi đã nặng nề, lại phải sống ở ngoài một thân một mình nếm trải đầy cơ cực. Nghĩ thương cho đứa bé trong bụng! Tôi tìm về van nài để mẹ cho tôi trở về nhà. Nói hết nước hết cái thì bà cũng chịu đồng ý, song với một điều kiện: Sau khi sinh nở xong, tôi phải lập tức bỏ lại đứa trẻ ở bệnh viện chứ không được mang về nuôi nó. Mang thai ở tháng thứ 5, làm xét nghiệm máu thì được bệnh viện kết luận: tôi đã chuyển sang giai đoạn AIDS - khả năng lây nhiễm cho đứa trẻ sẽ rất cao! Và thế là - tôi - một người mẹ trẻ cứ mong chờ sự ra đời của con mình bằng trạng thái tâm lý hồi hộp, căng thẳng và đầy nỗi hoang mang! Một tháng bốn ngày sau sinh, tôi bỗng sốt cao, toàn thân phát đầy các ban đỏ, nằm lịm đi bên cạnh đứa con mình. Tình trạng của tôi ngày một xấu đi: Li bì, mê man lại tiêu chảy kéo dài phải chuyển viện cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ cho hay tôi phải cách ly hoàn toàn khỏi đứa nhỏ”.

Mai đối diện với cái chết, khi sức lực của cô gần như suy kiệt. Nhưng cái chết, sau một cuộc đời tủi nhục đối với cô không còn quan trọng nữa:

“Tôi không chút lo sợ! Ở trung tâm này, ngày nào mà chẳng diễn ra cái cảnh một - hai xác chết được khiêng xuống “Nhà đại thể”! Tôi đón nhận điều đó với một tâm trạng hết sức bình tĩnh: Trót dính phải căn bệnh này, ai cũng sẽ đến lúc phải ra đi như thế thôi!”. Mai bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Sau nhiều lần hút chích, Mai thấm thía:

“Tôi kết thúc câu chuyện khá dài dòng về cuộc đời của mình vào một ngày trời cao, mây xanh và nắng vàng rực rỡ! Lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, tôi mới đặt bút ghi lại cho mình một tự truyện, để rồi cho tới mai sau, tôi không mong rằng sẽ một lần nào đọc lại câu chuyện này. Điều đó với riêng tôi có nghĩa là: mọi quá khứ đáng tiếc đã đến lúc phải kết thúc mãi mãi. Trang đời mới đầu tiên”...

Đọc những điều Mai viết, và khi trò chuyện với cô trong những ngày đang chống chọi với căn bệnh AIDS, tôi hiểu, Mai đã tìm thấy ánh sáng của mặt trời trong chính bóng tối của cuộc đời mình. Và cô đang bước về phía đó, từng ngày...

(còn nữa)

Theo Cảnh sát toàn cầu
Bình luận
vtcnews.vn