• Zalo

Là mẹ kế, tôi không có quyền dạy con?

Gia đìnhThứ Hai, 13/01/2025 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giao con cho tôi chăm sóc, đòi hỏi tôi phải hết lòng thương yêu, vậy tại sao lại không cho tôi cái quyền dạy dỗ con, phải chăng là mẹ kế thì không có quyền đó?

Tôi và chồng đến với nhau khi anh đã qua một lần đò và có một bé trai 5 tuổi. Ông xã là người đàn ông thành đạt, tâm lý và luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi. Vì thế, tôi rất hạnh phúc khi gặp được anh.

Trong thời gian tìm hiểu, anh có vài lần đưa con đi gặp tôi. Dù không tiếp xúc nhiều nhưng tôi thấy thằng bé khá ngoan, lại hiểu chuyện. Bé ở với ông bà nội chứ không ở với bố. Do vậy, tôi nghĩ nếu kết hôn sẽ không gặp vấn đề mẹ ghẻ con chồng như người ta thường cảnh báo.

Mặt khác, tôi cũng tự tin rằng, ở cái tuổi ngoài 30, mình đủ chín chắn, bình tĩnh để đối diện với những trở ngại trong cuộc sống. Nếu mình yêu thương con riêng của chồng hoặc ít nhất cũng là tôn trọng bé, mọi việc sẽ không quá khó khăn.

Thế nhưng thực tế không đơn giản như vậy, và những khó khăn lại bắt nguồn từ bố chồng. Bố chồng tôi xưa kia cũng có chút chức tước, lúc mới tiếp xúc tôi thấy trông điềm đạm, ít nói. Tôi cưới nhau được gần một tháng, ông bất ngờ đưa cháu tới, bảo vợ chồng tôi từ nay về sau phải nuôi con, trước đó không hề bàn bạc hay thông báo trước.

Tôi hơi bực mình vì có cảm thấy không được tôn trọng. Ít ra ông cũng nên nói trước một tiếng. Tôi cũng muốn sống kiểu vợ chồng son một thời gian trước khi làm mẹ. Tuy nhiên, khi nhìn sang con, tôi mềm lòng, nghĩ bé sống với ông bà nội sẽ rất thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Chồng tôi lúc trước vì độc thân, công việc hay đi sớm về muộn nên không thể chăm con. Giờ tôi cũng nên cùng anh san sẻ việc nuôi dạy bé.

Nghĩ vậy nên tôi vui vẻ đồng ý. Thái độ của tôi khiến thằng bé rất vui. Ánh mắt rạng rỡ, nó chạy lại ôm tôi. Những ngày sau đó, ngoài thời gian đi làm, vợ chồng tôi thường ở bên con. Tôi cư xử với con như một người bạn nhỏ, không yêu cầu gọi là mẹ mà trước tiên cứ gọi cô. Tôi nghĩ mọi chuyện nên để tự nhiên, hai bên cần có thời gian vun vén tình cảm, khi nào con thích thì sẽ tự gọi. 

Ấy thế mà khi biết chuyện, bố chồng gọi điện ngay cho tôi. Không cần biết tôi đang ở chỗ làm, ông thốt ra một tràng những lời khó nghe, bảo tôi ích kỷ, không muốn nuôi con. Ông trách tôi giữ khoảng cách, làm thằng bé tủi thân... và xả một tràng những thứ mà chỉ ông mới nghĩ ra. Mắng xong, bố chồng không cho tôi cơ hội giải thích mà cúp máy luôn.

Bố chồng luôn tìm cách gây chia sẻ tình cảm của tôi và con riêng của chồng. (Ảnh minh họa: VTV).

Bố chồng luôn tìm cách gây chia sẻ tình cảm của tôi và con riêng của chồng. (Ảnh minh họa: VTV).

Những ngày sau đó, ông liên tục gọi điện cho thằng bé và xúi nó chống lại tôi. Tôi yêu cầu con mỗi ngày chỉ được xem tivi 1 tiếng, không xem điện thoại khi chưa có sự cho phép của người lớn, muốn xuống sân dưới tòa nhà chơi thì phải được sự đồng ý của bố mẹ... Tôi nghĩ, những quy định đó chỉ có tốt cho con chứ không gây hại gì cả.

Ban đầu, thằng bé rất vui vẻ chấp nhận. Nhưng từ khi bố chồng can thiệp, con tỏ ý chống đối. Có lần tôi yêu cầu con tắt tivi đi ngủ, nó buột miệng: "Ông nội bảo con không cần nghe lời cô, chỉ cần nghe lời bố là đủ".

Tôi vừa tức vừa ấm ức nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, vào phòng đóng cửa lại và tự nhủ: Việc gì khó quá để mai giải quyết.

Tối hôm sau, trong bữa ăn, thằng bé lại nằng nặc đòi sử dụng điện thoại, bảo nếu không có điện thoại thì sẽ không ăn bất cứ thứ gì. Nếu chồng ở nhà, tôi sẽ để anh xử lý, nhưng lần này anh lại đi vắng. Bực quá, tôi yêu cầu con không cần ăn, đứng úp mặt vào tường. Tôi không giữ được bình tĩnh nên giọng nói có phần hơi gay gắt. Thằng nhỏ rất bất ngờ, có lẽ đây là lần đầu tiên nó thấy tôi to tiếng. Nó vừa tức vừa tủi thân, nước mắt rưng rưng nhưng vẫn ngoan ngoãn đứng úp mặt vào tường.

Thấy con như thế, tôi cũng thấy thương, chỉ định để nó đứng vài phút thôi. Ai ngờ, đúng lúc đó bố chồng tôi xuất hiện. Phải nói là từ ngày con đến ở với chúng tôi, bố chồng tôi rất hay đến thăm một cách bất ngờ. Ông không bao giờ bấm chuông cửa mà tự động dùng chìa khóa đã có trước đó, bất thình lình có mặt trong nhà tôi.

Lần này chứng kiến cháu bị phạt, ông trợn mắt lên nhìn tôi. Tôi chưa kịp giải thích đã lãnh trọn cái tát như trời giáng vào mặt. Sau đó, ông dắt tay thằng bé ra khỏi nhà.

Hành động của ông đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của tôi. Tôi vào phòng khóc như một kẻ điên. Tôi tự trách bản thân tại sao lại lấy anh, tại sao lại tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn, tại sao không tìm hiểu kỹ mà đã vội vàng bước chân vào cuộc hôn nhân này.

Tôi cũng tự hỏi, nếu đã giao con cho tôi chăm sóc, sao lại không cho tôi quyền dạy dỗ con? Phải chăng là mẹ kế thì tôi chỉ có nghĩa vụ tận tâm tận lực chăm sóc, nuôi dưỡng chứ không có quyền dạy con nên người? Như vậy là coi tôi như người hầu như đâu phải mẹ?

Khóc xong, tôi cứ nằm trong phòng, đờ đẫn như một kẻ mất trí. Lúc này chồng tôi về. Anh vẫn chưa biết chuyện gì nên tưởng tôi ốm, hỏi han rất ân cần. Tôi chưa kịp kể lại mọi chuyện thì anh nhận được cuộc điện thoại của bố, yêu cầu sang nhà gặp mặt ngay lập tức. Chả cần nghĩ tôi cũng biết mục đích của cuộc gặp này là gì.

Chỉ có điều tôi mệt quá rồi, không muốn cố gắng nữa. Tôi mặc kệ bố chồng tôi muốn nói gì thì nói, còn anh cư xử thế nào cũng được. Tôi không muốn giải thích, cũng không muốn nói bất cứ điều gì cả. Giờ chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, kể cả ly hôn.

Độc giả có ý kiến chia sẻ, tư vấn, xin gửi vào box bình luận bên dưới.

Nếu bạn có những khúc mắc trong cuộc sống, xin đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi để nhận được sự sẻ chia chân thành và lời khuyên nghiêm túc của độc giả. Ý kiến xin gửi đến [email protected].

Minh Hương
Bình luận
vtcnews.vn