Không kể chi phí lobby để “trúng thầu” đăng cai, Euro 2012 đã khiến 2 nước chủ nhà Ba Lan và Ukraine tiêu tốn cỡ 52 tỷ USD và 6 năm ròng cho công tác chuẩn bị. Đây thực sự là một ván cược rất lớn khiến không ít người cảm thấy hồi hộp.
Gần 48 tỷ USD hạ tầng
Chi phí xây dựng các cơ sở hạ tầng thể thao, khách sạn và hạ tầng giao thông (bao gồm đường bộ, đường sắt và sân bay) để phục vụ Euro 2012 tại Ukraine và Ba Lan ước khoảng 38 tỷ EUR (47,8 tỷ USD). Tại Ba Lan, phí tổn của các công trình đường sá phục vụ cho Euro 2012 lên đến 12 tỷ EUR.
Ở Ukraine, chi phí cho các công trình đường sá ít hơn một nửa, vào khoảng 5 tỷ EUR. Những dự án đường sắt lớn nhất ở Ba Lan bao gồm việc hiện đại hóa trục đường sắt chính nối liền các thành phố sẽ diễn ra các trận đấu, công trình đường tàu điện ngầm dưới lòng thủ đô Warsaw cũng như việc xây mới hoặc hiện đại hóa các nhà ga xe lửa và những tuyến đường sắt nối các sân bay và trung tâm thành phố.
Những dự án ở Ukraine bao gồm những đường tàu điện kéo dài hàng trăm km, đường tàu cao tốc nối liền các thành phố lớn, việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở Kiev, Kharkiv và Dnipropetrovsk, cũng như việc xây mới hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên tại Donetsk.
Những dự án sân bay phục vụ Euro 2012 bao gồm 8 sân bay ở Ba Lan (gồm cải tạo 6 sân bay ở các thành phố chính và xây mới 2 sân bay ở Modlin và Gdynia) và 8 sân bay ở Ukraine. Ước tính tổng chi phí cho các dự án sân bay ở 2 nước vào khoảng 2 tỷ EUR.
2,5 tỷ USD xây SVĐ
Ngoài việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho Euro 2012 như đường sá, sân bay, khách sạn... các nước chủ nhà còn phải xây mới 6 sân vận động (SVĐ) và cải tạo 2 SVĐ cũ, với tổng chi phí khoảng 2,5 tỷ USD. Tốn kém nhất trong các SVĐ xây mới là SVĐ Quốc gia Warsaw ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, với chi phí vào khoảng 500 triệu EUR (625 triệu USD), chủ yếu do Chính phủ Ba Lan tài trợ.
SVĐ Warsaw có sức chứa 58.500 chỗ ngồi, được khởi công vào năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11-2011. Sân Warsaw còn được tích hợp các khu thi đấu thể thao trong nhà với sức chứa 20.000 người, hồ bơi chuẩn Olympic sức chứa 4.000 khán giả, ngoài ra còn có công viên thủy sinh, trung tâm hội nghị, khách sạn, khu dịch vụ...
Đây là SVĐ sẽ diễn ra 3 trận vòng bảng của bảng A, trong đó có trận bóng khai mạc cho Euro 2012 vào ngày 8-6, Warsaw cũng là nơi diễn ra 1 trận tứ kết và 1 trận bán kết. Sau giải, đây sẽ là nơi dành cho các trận đấu quốc gia, quốc tế và những sự kiện văn hóa, giải trí, ca nhạc tầm cỡ quốc gia.
Được nâng cấp từ sân cũ, nhưng sân Olympic (Olympic National Sports Complex - sức chứa 60.000 chỗ) ở thủ đô Kiev của Ukraine còn tiêu tốn nhiều tiền hơn, lên đến 550 triệu EUR (688 triệu USD). Sân này được xây dựng từ năm 1923 và trải qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, lần nâng cấp mới nhất hoàn thành vào năm 2011.
Đây là nơi sẽ diễn ra trận bóng hấp dẫn nhất Euro 2012, trận chung kết vào ngày 1-7. Sân Olympic là công trình thể thao lớn nhất ở Ukraine và cũng là một trong những sân thể thao lớn nhất thế giới (lớn thứ 2 Đông Âu, sau sân Muscovite Luzhniki).
Tàu điện sơn cờ Ý tại Ukraine
Sân Donbass (Donbass Arena) nằm ở trung tâm thành phố Donetsk, Ukraine là sân tốn kém thứ 3 cho giải đấu Euro 2012. Với sức chứa 52.518 chỗ ngồi, sân được xây dựng từ năm 2005-2009, với chi phí 400 triệu USD, được sự tài trợ của nhà doanh nghiệp nổi tiếng Ucraine Rinat Achmetow.
Đây là sân nhà của CLB Shakhtar Donetsk và cũng là một điểm giải trí về đêm nổi tiếng của thành phố Donetsk. Sân Donbass có chi phí xây dựng gần bằng chi phí xây dựng và cải tạo 2 sân Gdansk (PGE Arena Gdansk) và Wroclaw (Municipal Stadium) ở Ba Lan.
Sân Gdansk có sức chứa 43.615 người, được khởi công năm 2008 và hoàn thành vào giữa năm 2011, với chi phí 222,6 triệu USD. Tháng 12-2009, tên của SVĐ này được bán cho Tập đoàn Năng lượng Polish Energy Group (PGE) với giá 8,5 triệu EUR (10,6 triệu USD) trong thời hạn 5 năm.
Chính quyền thành phố Gdansk bán quyền đặt tên nhằm thu hồi một phần phí tổn xây dựng. Sân Wroclaw (Municipal Stadium) ở phía Bắc thành phố Wroclaw được khởi công vào tháng 4-2009 và hoàn thành vào tháng 9-2011, với chi phí 209,3 triệu USD.
3 sân còn lại gồm sân Metalist (Oblast Sports Complex "Metalist") ở Kharkiv, Ukraine; sân Poznan (Municipal Stadium) ở thành phố Poznan, Ba Lan và sân Lviv (Arena Lviv) ở Lviv, Ukraine. Sân Poznan được xây từ năm 1968-1980 và nâng cấp từ năm 2003-2010 với chi phí 225,3 triệu USD.
Sân Lviv được xây từ năm 2008-2011 với chi phí 106 triệu USD, có sức chứa 34.915 chỗ ngồi. Sân Matalist được xây dựng từ năm 1925 và đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, lần nâng cấp mới nhất diễn ra từ năm 2007-2009 để phục vụ Euro 2012.
Hoang phí
Ngoài ra, phải kể đến những thiệt hại do tham nhũng gây ra khi triển khai công tác chuẩn bị Euro 2012, đặc biệt tại Ukraine. Theo Nghị sĩ Ukraine Ostap Sermerak, chi phí “lót tay” cho các dự án hạ tầng Euro 2012 tương đương khoảng 40-60% chi phí xây dựng.
Euro 2012 có nguy cơ thiếu toilet (Ảnh minh họa)
Tính đến ngày 27-3, nhà chức trách phát hiện 120 vụ tiêu cực trong hoạt động chuẩn bị Euro 2012. Giới truyền thông cũng phát hiện các dự án chi tiền hết sức vô lý, chẳng hạn 10 băng ghế gỗ ở các nhà chờ tàu điện ngầm tiêu tốn tới 80.000USD (1,7 tỷ VNĐ); 1 cái toilet ở SVĐ Donbass tiêu tốn 50.000 USD (1,04 tỷ VNĐ)!
Trong khi sân này có tới 10 toilet như vậy. Nhìn từ góc độ này, có thể hiểu vì sao việc nâng cấp sân Olympic ở Ukraine lại tốn kém hơn việc xây mới xây Warsaw ở Ba Lan tới 43 triệu USD.
Tổng hợp
Bình luận