Những ngày này, khi cả nước hân hoan chào đón lễ kỷ niệm thống nhất đất nước, ở góc con phố nhỏ thuộc TP. Thanh Hóa, một người cựu binh lại dấy lên những cảm giác bồi hồi, xốn xang khó tả.
Ông tên Đào Ngọc Vân (68 tuổi, phường Ngọc Trạo, Thanh Hóa). 42 năm trước, ông là một trong những người chứng kiến thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc: Thống nhất đất nước, kết thúc chiến tranh.
Chiếc xe Jeep mang biển số 15770
“Không ngờ được, việc biết lái xe lại là cái duyên số, khiến tôi trở thành nhân chứng lịch sử. Chiếc xe Jeep biển số 15770 mà quân ta thu được khi giải phóng Đà Nẵng chính là chiếc đã chở tổng thống chế độ cũ Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 42 năm về trước”, ông Đào Ngọc Vân chậm rãi kể lại trong một quán ăn sáng nhỏ ở con phố Ngô Văn Sở.
Trước khi nhập ngũ, ông Vân tham gia đội xe giải phóng giao thông cầu Hàm Rồng. Người thanh niên Đào Ngọc Vân chỉ với cân nặng 35kg, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng rất hoạt bát, nhanh nhẹn, được điều động vào làm lái xe của Đại đội 14, Trung đoàn E66, Sư đoàn 304. Trong những trận đánh ác liệt ở miền Trung, Trung đoàn E66 thu được nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có chiếc xe Jeep mang biển số 15770, biển số của Sư đoàn dù chế độ cũ.
Ông Vân được giao lái chiếc xe đó, chở các sỹ quan cấp cao của quân Giải phóng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trung đoàn của ông được giao lệnh tấn công thẳng vào Dinh Độc lập.
“Rạng sáng 30/4/1975, từ căn cứ Nước Trong mới chiếm được của địch, Trung đoàn 66 được lệnh tiến thẳng vào Sài Gòn theo hướng xa lộ Biên Hòa. Khi đến cầu Sài Gòn, lính VNCH dùng mấy xe tăng dàn hàng ngang bắn thẳng vào đoàn xe tăng. Dưới sông địch cũng dùng tàu chiến bắn pháo hỗ trợ. Nhưng trước sức tấn công của quân Giải phóng, nút chặn nhanh chóng được giải tỏa. Thừa thắng, quân ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, tôi nhớ lúc đó là tầm khoảng 9 rưỡi sáng”, cựu binh Đào Ngọc Vân cho biết.
Chiếc xe Jeep chở theo mấy chiến sỹ quân Giải phóng nhanh chóng theo đoàn xe tăng, và cũng chỉ 15 phút sau thì lực lượng của mình cũng tràn ngập kín mặt sân trước dinh Độc Lập. Tôi được ông Phạm Xuân Thệ giao nhiệm vụ cùng đồng đội chạy lên sảnh tầng 2 phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm giữ được dinh. Hạnh phúc lắm, từ trên cao nhìn xuống, tiếng hoan hô của bà con nhân dân, tiếng súng AK của bộ đội nổ vang chào mừng chiến thắng”, cựu binh Đào Ngọc Vân chia sẻ.
Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện
Theo cựu binh Đào Ngọc Vân, lúc chạy xuống tầng 1, thì đã thấy các chiến sỹ đưa hai người đàn ông lạ mặt, một người cao, một người thấp ra tới sảnh. Mãi sau này, ông Vân mới hay rằng, người cao, da ngăm đen, đeo kính trắng chính là Tổng thống Dương Văn Minh, nhân vật còn lại là Thủ tướng chính quyền miền Nam Vũ Văn Mẫu lúc bấy giờ. Dương Văn Minh giơ tay về phía chiếc xe sang trọng đỗ gần đó và mời mọi người lên để đi đến đài phát thanh, nhưng ông Phạm Xuân Thệ nghiêm nghị chỉ vào chiếc Jeep bám đầy bụi đất và nói: Chúng tôi có xe để đưa các ông đi.
Dương Văn Minh và thủ tướng chế độ cũ Vũ Văn Mẫu cúi mặt lên xe và im lặng không dám nói bất cứ một câu gì khác, như một người lính thất trận. Đến nơi thì Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn Bộ binh 66 đã tiếp quản.
Nhân viên đài hoảng sợ đã bỏ chạy hết chỉ còn một người bảo vệ, máy móc còn nguyên nhưng điện bị cắt. Lúc đó, có nhà báo nước ngoài đã đưa máy ghi âm cho quân giải phóng mượn để ghi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh và lời chấp nhận của quân giải phóng miền Nam đối với lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Đồng thời lúc đó nhân viên nhà đài được gọi quay trở lại cũng thông báo hệ thống máy móc của đài phát đã vận hành tốt.
“Tôi nhớ mãi khoảnh khắc lịch sử ấy, lúc đấy xem đồng hồ là 11h30 ngày 30/4/1975”, ông Vân cho biết.
“Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam", tiếng Dương Văn Minh cất lên trong loa phát thanh.
Dương Văn Minh vừa dứt lời tuyên bố đầu hàng, Chính ủy Bùi Văn Tùng của Lữ đoàn 203 thay mặt các đơn vị quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, dõng dạc đọc lời tuyên bố: “Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm Dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
“Tiếng ông Minh trên đài phát thanh nghe nhè nhẹ và chậm rãi. Còn lời chấp nhận đầu hàng của Chính ủy Bùi Văn Tùng vang lên khá dõng dạc.
Chúng tôi chỉ thấy sau thời khắc đó, tiếng hò reo vang dậy cả Sài Gòn, mọi người biết chiến tranh đã kết thúc, đất nước thống nhất. Người dân ùa ra đường, rồi suốt đêm đó không ai ngủ được. Họ cứ ra bắt tay các chiến sỹ, hỏi thăm quê quán, đơn vị. Thậm chí, có người còn dòm kỹ tóc tai, quân trang quân phục… để xem ‘lính Việt Cộng’ có đúng như chế độ cũ đã tuyên truyền hay không? Rồi họ khen anh nào cũng to khỏe, đẹp trai phong trần, không như ngụy quyền Sài Gòn suốt ngày ra rả trên loa phát thanh, rồi hỏi những dự định sau giải phóng của các chiến sỹ”, cựu binh Đào Ngọc Vân tâm sự.
14h, đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu từ Đài phát thanh trở về dinh Độc Lập bàn giao cho Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Ông Vân cùng đồng đội trở về đơn vị sống trong không khí ăn mừng với nhân dân Sài Gòn suốt một tuần lễ. Năm 1977, ông phục viên trở về đơn vị cũ, công tác thầm lặng tại địa phương.
Chiếc xe Zeep đã được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp nhận, đó là vật chứng cho một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc. Câu chuyện về người lính lái chiếc xe lịch sử đó mãi đến năm 2006 mới được kể lại, khi đồng đội đi tìm và gặp lại được cựu binh Đào Ngọc Vân ở Thanh Hóa.
Ông Vân sống khá lặng lẽ. Giờ đây, người dân khu phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo đã quá quen thuộc với hình ảnh người cựu binh ngày ngày phụ giúp vợ bán đồ ăn sáng... Nhưng trong ký ức của người lính lái chiếc xe zeep chở Dương Văn Minh đi đầu hàng quân Giải phóng trong thời khắc lịch sử 11h30 ngày 30/4/1975 ấy, luôn là những kỷ niệm ngọt ngào, không thể nào quên trong suốt cuộc đời.
Gần đến ngày kỷ niệm giải phóng Miền Nam 30/4, căn nhà nhỏ của gia đình ông Vân luôn vang tiếng cười nói, bởi bạn bè, đồng đội đến thăm và ôn lại kỷ niệm ngày giải phóng.
Video: Hé lộ vũ khí đáng gờm Liên Xô viện trợ cho công cuộc giải phòng miền Nam
Bình luận