• Zalo

'Ký ức Hội An' - 'thực đơn tinh thần mới' không thể thiếu khi đến xứ Quảng

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 03/05/2018 16:40:00 +07:00Google News

Nhắc tới Hội An, điều đầu tiên khiến mọi người nhớ tới chính là phố cổ Hội An với những di sản kiến trúc đã có từ hàng trăm năm trước, được công nhận là di sản văn hóa của UNESCO từ năm 1999.

Ngoài ra Hội An còn thu hút bởi làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, bảo tàng Sa Huỳnh... Các món ăn truyền thống nổi tiếng của Hội An như: Cao lầu, mì Quảng, bánh xèo chiên giòn, bánh mỳ, cơm gà, chè bắp, bánh đập... đều làm mê hoặc du khách..

Nhằm làm phong phú thêm các giá trị của phố Hội, một chương trình thực cảnh khắc họa cuộc sống của người Hội An cổ đã được thực hiện sau 2 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, đó là "Ký ức Hội An". Show diễn ngoài trời trên phạm vi khoảng 2,5ha.

Trong đó bao gồm những công trình kiến trúc đặc trưng phố Hội; thuyền bè, sông nước và hệ thống âm thanh, hiệu ứng ánh sáng tối tân phục vụ cho biểu diễn. Với thông điệp “Một ngày Hội An – Trăm năm hoài cổ”, chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” là con thuyền lớn đưa khán giả cập bế thương cảng Hội An thế kỷ 16- 17 để chứng kiến những thăng trầm của phố Hội trải suốt dòng thời gian 400 năm lịch sử, nơi giao thoa văn hoá, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại.

Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể bởi nghệ thuật biểu diễn của gần 500 diễn viên. Tại đó, hơn 100 cô gái mặc áo dài bước đi trên sân khấu sẽ là ngôn ngữ kể chuyện chính, là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho dòng thời gian biến chuyển.

Với 5 phần là: Cuộc sống; Đám cưới; Đèn và biển; Bến Bờ; Áo dài, khán giả được trải nghiệm, bằng tất cả các giác quan. Từ phần âm nhạc được kết hợp hài hoà giữa nhạc dân tộc và giao hưởng, phần múa được pha trộn khéo léo giữa nhiều ngôn ngữ hình thể khác nhau, phần ánh sáng với những màn biểu diễn 3D mapping hợp lý cho đến toàn bộ bối cảnh sân khấu được thiết kế, phục dựng rất thật.

Những hình ảnh mãn nhãn của chương trình biểu diễn:

1

 

Một phân khúc tái hiện sự tráng lệ của Hội An xưa - như trung tâm thương mại lớn với sự tấp nập.

2

 

Xuyên suốt vở diễn, dòng thời gian biến chuyển được ước lệ qua hình ảnh của 100 cô gái mặc áo dài xuất hiện với nhịp điệu lúc nhanh, lúc chậm trên sân khấu. Trong khi đó, tiếng khung cửi kẽo kẹt, vốn gắn bó với nghệ dệt lâu năm ở Hội An nay lại được sử dụng để giữ nhịp cho cả chương trình.

3 3

 

4 4

 

Màn trình diễn ấn tượng về Hội An thời kỳ hội nhập với sự giao thương buôn bán với thương nhân các nước đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Phương Tây, trong khung cảnh nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền tấp nập, miêu tả quá trình Hội An hội nhập với thế giới và các nền văn minh trên thế giới, lấy văn hóa Việt làm trung gian dung hòa, phát triển ở Hội An.

Những người đến từ nhiều nước đến Hội An trình diễn trang phục và âm nhạc độc đáo của nước mình. Loại hình nào cũng hấp dẫn và được hoan nghênh nhưng cùng một lúc biểu diễn sẽ nảy sinh mâu thuẫn, tiếng đàn bầu của Việt Nam giúp điều tiết mâu thuẫn và đưa Hội An phát triển.

5 5

 Tiếng đàn bầu Việt Nam giúp điều tiết mâu thuẫn và đưa Hội an phát triển

Du khách nước ngoài dù không hiểu tiếng Việt nhưng những hoạt cảnh ở sân khấu và âm nhạc đã giúp họ nhận được giá trị của đoạn diễn. Âm thanh, ánh sáng và khả năng trình diễn đầy cảm xúc của diễn viên, đã khiến hàng ngàn du khách nước ngoài rất xúc động.

Chính thức khai màn vào tháng 3/2018, Ký ức Hội An đã trở thành chiếc cầu nối du khách với mạch nguồn văn hóa truyền thống phố Hội, là trải nghiệm không thể bỏ qua của du khách khi đặt chân đến vùng đất di sản của thế giới tại Việt Nam trong những năm tới.

Ở góc độ phát triển du lịch, sự bổ sung của “Ký ức Hội An” vào “thực đơn du lịch” tỉnh Quảng Nam hứa hẹn sẽ giúp phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành kinh tế dịch vụ nơi đây

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn