Ngày 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo đề xuất của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ sẽ chịu trách nhiệm chung ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh; ra đề thi; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu; xây dựng hệ thống phần mềm chấm thi...
Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn, từ đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi… Riêng các đại học thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh.
Ngày 10/8, hơn 870.000 thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, còn lại gần 27.000 thí sinh tại 3 địa phương thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng và các trường hợp F1, F2 phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp.
Vừa thi, vừa chống dịch
Cô Nguyễn Thị Hồng, cán bộ coi thi tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) từng có 7 năm làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi, là người trực tiếp chứng kiến những thay đổi trong ngần ấy năm của kỳ thi THPT, cho biết, dù dịch bệnh nguy hiểm, nhưng trong 3 ngày kỳ thi, các điểm đều bố trí cán bộ y tế đo thân nhiệt, nhắc nhở thí sinh đeo khẩu trang, rửa tay với nước sát khuẩn; lực lượng an ninh túc trực 24/7 đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi, bài thi.
Kỳ thi năm nay diễn ra nhẹ nhàng, đúng với tinh thần của Bộ GD&ĐT, hạn chế tối đa những lỗ hổng tiêu cực, gian lận.
Với những ai từng chứng kiến mùa thi trước sẽ cảm thấy ở kỳ thi lần này rất lạ, khi trước cổng các điểm thi vắng bóng phụ huynh bởi họ tự ý thức về các nguy cơ của COVID-19, hạn chế tụ tập đông. Họ thực sự trở thành người trợ giúp đắc lực cho mùa thi được an toàn.
Về chất lượng bài thi và thí sinh, cô Lương Hà An, giáo viên trường THPT Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, trước kỳ thi, nhiều ít người lo lắng khi mục tiêu thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học gặp nhiều khó khăn do trước đó học sinh cả nước có hơn 3 tháng nghỉ, chất lượng học khó đảm bảo.
Không ít người dự đoán năm nay, đề thi giảm độ khó sẽ tạo ra “mưa điểm 10”. Tuy nhiên, thực tế, đề năm nay đảm bảo yêu cầu bám sát chương trình tinh giản, đề thi tham khảo, có phần nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn có sự phân hoá nhất định để phân loại thí sinh, giúp các trường đại học yên tâm xét tuyển.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao
Đánh giá về kỳ thi, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, mặc dù kỳ thi được giao cho địa phương chủ trì nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chỉ đạo sát sao, khoa học, bài bản, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 bùng phát, Bộ hướng dẫn tổ chức kỳ thi cụ thể, thuận lợi cho địa phương trong chuẩn bị và triển khai.
Năm nay, Bộ chọn lực lượng thanh tra về địa phương là những người có tâm, tính chuyên nghiệp cao và phối hợp rất chặt chẽ trên quan điểm cùng phối hợp với địa phương để kỳ thi được tổ chức tốt hơn. Vì vậy, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện kỳ thi nghiêm túc, an toàn đúng quy chế.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An vào cuộc quyết liệt, tập trung bảo đảm thực hiện 2 mục tiêu: Kỳ thi diễn ra an toàn nghiêm túc đúng chất lượng và tuyệt đối đảm bảo sức khỏe cho cán bộ coi thi, thí sinh và phụ huynh ở các trường thi.
Trường hợp kỳ thi diễn ra ở tỉnh khác, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường đi cùng với thí sinh, phụ huynh tới điểm thi.
Từ ngày 11/8, Nghệ An bắt đầu chấm thi, toàn tỉnh có 250.000 bài thi. Trong đó, có hơn 30.000 bài thi môn Ngữ văn chấm tự luận, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ quét trên máy tính.
Một điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổ chức đối sánh điểm thi với điểm học bạ của thí sinh. Từ đó so sánh mặt bằng chung chất lượng giáo dục giữa các tỉnh thành với nhau. Đồng thời, so sánh giữa kết quả thi và kết quả học tập thực của thí sinh trên lớp.
Theo ông Thành, việc đối sánh kết quả thi cũng là cơ sở để địa phương đánh giá lại chất lượng dạy và học. Qua đó, có điều chỉnh trong kế hoạch, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm học tới.
Hoàn thành mục tiêu kép
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, kỳ thi nhận được sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, địa phương vào cuộc tích cực. Các tỉnh, thành ban hành chỉ thị về kỳ thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, xây dựng các kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện tổ chức thi rất kỹ càng.
Với 2 nhiệm vụ được Thủ tướng giao là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch, theo Thứ trưởng, nhiệm vụ an toàn trong phòng dịch được nâng lên một bước.
Ngày 4/8, Bộ Y tế ban hành công điện số 1224, đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; yêu cầu bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất và chỉ định các sơ sở y tế tham gia thực hiện công tác chuyên môn trong kỳ thi. Trong đó có nội dung bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để bảo đảm kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở…
Trên thực tế, các điểm thi xử lý tốt các tình huống xảy ra, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi thí sinh. "Có thể nói, với mục tiêu phòng dịch, kỳ thi đạt kết quả tốt", Thứ trưởng nhận định.
Với mục tiêu thứ 2, Thứ trưởng nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan. Quyền lợi của thí sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Số thí sinh vi phạm quy chế thi năm nay giảm. Có tổng số 39 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có em vẫn mang điện thoại di động vào phòng thi, dù đã được quán triệt, nhắc nhở nhiều lần.
"Có thể nói, dù là một năm có nhiều khó khăn, vất vả trong tổ chức thi, nhưng các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức kỳ thi nghiêm túc và tốt nhất", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định.
Bình luận