• Zalo

Kỳ thi quốc gia 2015: Phương án nào tiến bộ?

Giáo dụcThứ Tư, 06/08/2014 07:56:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các chuyên gia đã đưa ra nhiều góp ý sâu sắc cho Bộ GD-ĐT trong việc lựa chọn phương án cho kỳ thi quốc gia 2015.

(VTC News) -  Các chuyên gia đã đưa ra nhiều góp ý sâu sắc cho Bộ GD-ĐT trong việc lựa chọn phương án cho kỳ thi quốc gia 2015.

Xung quanh việc góp ý cho các phương án của kỳ thi quốc gia chung 2015, PV VTC News đã phỏng vấn GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, một chuyên gia hàng đầu về tổ chức thi ở Việt Nam hiện nay.

- Bộ GD-ĐT vừa công bố 3 phương án cho kỳ thi quốc gia chung 2015, là một chuyên gia về tổ chức thi, ông lựa chọn phương án nào?

GS Lâm Quang Thiệp
GS-TS Lâm Quang Thiệp 
Tôi chọn phương án 2 vì đó là phương án khoa học và tiến bộ, cần lựa chọn và tích cực chuẩn bị thực hiện. Cũng có thể điều chỉnh phương án 2 chút ít: mọi thí sinh bắt buộc phải thi Toán và Ngữ văn, còn 3 môn sau cho phép họ chọn 2 hoặc thi cả 3 (đối với các thí sinh có năng lực toàn diện và muốn có nhiều phương án chọn vào đại học).

Phương án 1 là phương án “bảo thủ”, không khoa học, vì vẫn dựa quá nhiều vào tính ngẫu nhiên ngay từ việc lựa chọn môn thi, và không bao quát được chương trình học.

Phương án 3 không ổn, vì môn Ngữ văn, đặc biệt phần tiếng Việt, là rất quan trọng đối với mọi thí sinh, phải để riêng, không nên gộp chung vào đề tổng hợp về khoa học xã hội.

- Có nhiều ý kiến lựa chọn phương án 1 cho năm 2015 với lý do để học sinh đỡ sốc và sau đó sẽ lựa chọn phương án 2 cho các năm tiếp theo. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phương án 1 là phương án "dậm chân tại chỗ", không có gì thay đổi, không chuẩn bị được gì cho phương án 2.

Thí sinh đã quen thi trắc nghiệm 4 môn trong kỳ thi “3 chung” nay thi trắc nghiệm thêm mấy môn nữa cũng chẳng có gì khó. Vấn đề là chuẩn bị làm đề cho tốt, hỏi những kiến thức cơ bản, không buộc thí sinh phải nhớ quá nhiều những điều không đáng nhớ.

Bạn lựa chọn phương án nào cho kỳ thi quốc gia chung 2015?

  • Phương án 1: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; Thí sinh phải đăng ký bắt buộc 4 môn
  • Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi
  • Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

- Có ý kiến phụ huynh lo lắng không biết thi tổng hợp sẽ như thế nào, thưa ông?

Trong giai đoạn đầu đề thi tổng hợp chỉ là kết hợp các đề thi đơn môn, ví dụ đề thi tổng hợp 3 môn 60 câu trắc nghiệm, mỗi môn 20 câu chỉ liên quan đến nội dung một môn không có các câu tích hợp kiến thức 2 hoặc 3 môn, đo đó không có khó khăn gì đối với thí sinh.

Sau này khi thay đổi chương trình theo hướng tích hợp các môn thì mới ra các câu hỏi tích hợp kiến thức nhiều môn. Cái lợi của các đề thi tổng hợp nhờ phương pháp trắc nghiệm là rút ngắn thời gian thi rất nhiều, không phải thi kéo dài, tốn kém và mệt mỏi.

- Với hình thức trắc nghiệm liệu có tránh được cách học tủ, học vẹt, và thực sự phân loại được người giỏi và người kém không thưa ông?


Thi bằng hình thức trắc nghiệm sẽ chống việc học tủ, vì đề thi gồm nhiều câu bao phủ được nhiều phần của môn học. Đề thi tốt sẽ phân biệt được người giỏi, người kém.

 Tháng 2/2014, Báo điện tử VTC News tổ chức diễn đàn: Hướng tới 1 kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015.

Tháng 7/2014, Báo điện tử VTC News tổ chức diễn đàn: Tổ chức kỳ thi quốc gia chung 2015 thế nào?

Độc giả góp ý về kỳ thi quốc gia chung 2015 xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng!

Khi xét từng khía cạnh, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng về tổng thể có thể nói: chất lượng của kỳ thi bằng đề trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, còn chất lượng của kỳ thi bằng đề tự luận phụ thuộc chủ yếu vào năng lực người chấm.

Đối với đề thi trắc nghiệm, chúng ta có thể tăng chất lượng nhờ quy trình lâu dài hằng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm.

Trong khi đó tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận dài trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.

Với các môn rất cần đánh giá khả năng diễn đạt hoặc giải quyết vấn đề như ngữ văn và toán chúng ta có thể thêm một đề tự luận ngắn, giới hạn thí sinh làm trong khoảng 30 phút, trình bày không quá một trang A4.

Chúng ta cần tập huấn cẩn thận giáo viên ra đề và xây dựng ngân hàng câu hỏi đúng quy trình sẽ đảm bảo được đề tốt.

- Vấn đề coi thi, chấm thi thế nào cũng là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm. Ông có đề xuất gì liên quan đến những vấn đề này?

Chấm thi trắc nghiệm bằng máy thì không có vấn đề gì, ta đã có kinh nghiệm. Còn đối với các đề tự luận ngắn (phần Ngữ văn và Toán) thì việc chấm sẽ nhanh hơn vì đòi hỏi ít công chấm hơn các đề tự luận dài trước đây.

- Để làm tốt việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung, theo ông Bộ GD-ĐT phải thực hiện những bước đi như thế nào?

Bước đầu tiên là Bộ GD-ĐT cần quyết định sớm phương án và sau đó quyết tâm khẩn trương thực hiện thì mới kịp. Nếu quyết định chậm sẽ gặp khó khăn về quỹ thời gian.

Xin cảm ơn ông!
TS Lê Viết Khuyến: Lựa chọn phương án 2 nhưng có điều chỉnh

Nhận định về các phương án thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra xin ý kiến công luận, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng phương án 1 được lòng thí sinh nhất, bởi đây là phương án dễ, nhưng ý nghĩa lại thấp và dẫn tới tình trạng thí sinh học lệch. Thực chất phương án này cũng  giống như phương án thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua.

Nếu xét về lợi ích quốc gia, về ý nghĩa thực sự của một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, về mục tiêu phấn đấu lâu dài cho một nền giáo dục tốt là thí sinh không được học lệch. Vì vậy, phương án 1 không nên thực hiện.

Đối với phương án 2, đây là phương án tương đối tốt. Nhưng muốn áp dụng trong năm tới phải chỉnh lại hai điều: Thứ nhất, để khắc phục tình trạng học lệch thì phải thi cả 5 môn (trong đó 3 môn đơn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tổng hợp là môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội).

Đánh giá về phương án 3, TS. Khuyến nhận định đây là phương án này tương lai rất lâu dài mới áp dụng được đề kiểu này. Bởi đề thi phải có cả môn đơn và môn tích hợp chứ không thể môn nào cũng tích hợp được.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, điều quan trọng nhất của một kỳ thi quốc gia đó là tính nghiêm túc, trung thực.




Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn