Xung quanh việc tổ chức kỳ thi quốc gia 2015, nhiều chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị để đảm bảo tính trung thực, khách quan và làm căn cứ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
TS Lê Trường Tùng cho rằng 1 năm là đủ thời gian để thực hiện chuẩn bị cho 1 kỳ thi quốc gia chung |
Chủ trương tổ chức một kỳ thi quốc gia chung đã được ghi trong Nghị quyết 29/NQ-TW Hội nghị Trung ương 8 cuối năm 2013: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ tháng 6/2014 về chương trình hành động thực hiện đổi mới giáo dục đào tạo cũng đã nêu rõ: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học”.
Bởi thế vấn đề không phải là đồng ý, đồng thuận với chủ trương tổ chức một kỳ thi chung hay không, mà chỉ là thực hiện công việc này như thế nào.
Theo tôi nghĩ một năm chuẩn bị là quá đủ vì có kéo dài thời gian chuẩn bị cho kỳ thi chung này cũng không mang lại thêm giá trị gia tăng gì hơn.
Thực tế, việc thay đổi thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 vừa qua (từ 6 môn bắt buộc thành 4 môn tự chọn) cho thấy để thực hiện thay đổi thi cử không nhất thiết cần thời gian chuẩn bị dài.
Mặt khác ý tưởng về thi chung không phải mới xuất hiện trong nghị quyết Hội nghị TW 8, mà đã bàn cả 5 năm nay rồi.
Bạn lựa chọn phương án nào cho kỳ thi quốc gia chung 2015?
|
Trong bối cảnh xã hội Việt nam hiện nay, tổ chức một kỳ thi nghiêm túc tại các địa phương đúng là một việc rất khó, khi căn bệnh thành tích của các trường, các địa phương còn nặng, khi việc không trung thực trong thi cử được bình thường hóa, và đặc biệt là tâm lý nếu nghiêm túc thì sẽ bị thiệt thòi cho cả thí sinh và địa phương - dẫn đến có môi trường cho cái xấu tồn tại và phát triển.
|
Không hoàn toàn chỉ dựa vào kết quả kỳ thi chung để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cao đẳng – mà xét tốt nghiệp dựa vào cả kết quả học tập các năm phổ thông trung học, còn vào đại học có thi bổ sung của các trường.
Xử lý nghiêm khắc các hành vi tiêu cực, trong đó có việc truất quyền học sau phổ thông vài năm với thí sinh vi phạm, xử lý hình sự và loại khỏi ngành giáo dục các cán bộ trông thi chấm thi vi phạm.
Không bổ nhiệm lại, không tăng lương, hoặc nặng hơn là cách chức lãnh đạo các tỉnh, hiệu trưởng các trường phổ thông khi để xảy ra vi phạm thi cử.
Ngoài ra, cũng cần lắp camera trong các phòng thi và khu vực thi.
Sẽ kỷ luật nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm trong coi thi |
Bớt đi 1 kỳ thi, giảm việc đi lại, ăn ở cho hàng triệu thí sinh và phụ huynh, không còn tình trạng tắc đường trong các ngày thi tại các đô thị lớn, điều này mang lại lơi ích không nhỏ.
Chỉ tính sơ bộ mỗi thí sinh sẽ chi khoảng 2 triệu đồng cho đi lại, ăn ở, nhân với 1 triệu thí sinh – khi đó đã tiết kiệm được 2.000 tỷ mỗi năm.
Đây là cơ hội hiếm có để các lãnh đạo của Bộ GD-ĐT trong nhiệm kỳ của mình làm được một việc thay đổi lớn mang tính lịch sử - có ích cho ngành, cho phát triển đất nước và cho hội nhập quốc tế.
Theo tôi nghĩ là cần thực hiện càng sớm càng tốt, không thể cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp.
Việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội là cần thiết, nhưng Bộ có trách nhiệm cuối cùng trong quyết định làm theo phương án nào để thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương đảng và Chính phủ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội: Lắp Camera thay cho thanh tra
TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất lắp camera thay thanh tra |
Hội đồng thi, địa điểm thi nên để nguyên tại các trường THPT (trừ các trường quá nhỏ mới phải ghép) như Bộ đã chỉ đạo năm 2013.
Có như vậy các trường mới rõ trách nhiệm, nên hội đồng nào để học sinh có nhiều tiêu cực, vi phạm quy chế thi thì Hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm vì không giáo dục tốt học sinh trong năm.
Còn giám thị coi thi phải đổi 100% không cần củ nhiều Thanh tra như Bộ dự kiến mà nên yêu cầu các trường lắp camera để giám sát.
Chỉ đưa yếu tố kỹ thuật, khách quan này chúng ta mới lấy lại được độ tin cậy của xã hội. Sau mỗi buổi thi, nộp bài thi là nộp băng hình của phòng thi luôn. Có tốn tiền trang bị, kỹ thuật, chúng ta mới có điều kiện giám sát khách quan 100% thời gian thi.
|
Điểm thi của mỗi học sinh có kết quả thế nào để nguyên dạng: không cộng điểm, không có điểm liệt, chỉ phân loại học sinh đạt năng lực xuất sắc, năng lực khá, năng lực trung bình và năng lực đạt loại thường.
Chúng ta phải cá nhân hóa kết quả thi để mỗi học sinh tự chịu trách nhiệm về kết quả thi như các kỳ thi Đại học Cao đẳng lâu nay ta vẫn làm, thì việc coi thi mới khách quan, trung thực. Bộ không nên thống kê điểm (hoặc có thống kê chỉ để Bộ nắm và phân tích để rút kinh nghiệm đề thi và tổ chức thi) còn không được xếp loại các trường, các Sở để chúng ta chống đến cùng bệnh thành tích.
Bộ cũng nên công bố quy chế coi thi trong đó phải xử lý thật nghiêm những vi phạm của học sinh và giám thị. Mọi hình thức kỷ luật thi phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của từng người vi phạm, có vậy các hình thức kỷ luật mới nhanh chóng được thực hiện, mới khách quan.
Tóm lại phương án thi quốc gia của chúng tôi nêu nhằm tách 2 phần xét tốt nghiệp của các trường THPT và thi để đánh giá năng lực thật của mỗi học sinh.
Thi ít môn ít ngày sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn bảo đảm các mục tiêu đã đề ra, bớt được một phần kinh phí nhằm tập trung kinh phí để lắp camera theo dõi, tăng yếu tố khách quan để đảm bảo kỳ thi trung thực, đáng tin cậy, lại không sợ những vấn đề đột biến gây ảnh hưởng dư luận xã hội; chỉ có làm quyết liệt, khách quan chúng ta mới thật sự đổi mới thi cử, giúp cho giáo dục phổ thông đi dần vào quỹ đạo chất lượng thật.
Phạm Thịnh
Bình luận