• Zalo

Kỳ thi quốc gia 2015: Đề thi phải phù hợp cả học sinh miền núi

Giáo dụcThứ Năm, 21/08/2014 12:18:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các chuyên gia cho rằng, cấu trúc đề thi của kỳ thi quốc gia 2015 phải đảm bảo đánh giá đúng, công bằng, cách ra đề phù hợp với học sinh miền núi

(VTC News) - Các chuyên gia cho rằng, cấu trúc đề thi của kỳ thi quốc gia 2015 phải đảm bảo đánh giá đúng, công bằng, cách ra đề phù hợp với cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa.


Ngày 20/8, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp và thảo luận về hai đề án trong chương trình công tác: Hội nhập quốc tế và đổi mới giáo dục; Xây dựng xã hội học tập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng đã nghe những trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng của các chuyên gia, nhà khoa học từ góc độ nghiên cứu cũng như hoạt động thực tiễn.
kỳ thi quốc gia
Cấu trúc đề thi của kỳ thi quốc gia 2015 cần phải đảm bảo sự phân hóa 
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh tinh thần hội nhập quốc tế phải được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của giáo dục bao gồm cả những vấn đề đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến như hoàn thiện hệ thống giáo dục; đổi mới, chương trình, SGK; đổi mới tổ chức thi THPT.

Không ít đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề nâng cao tính tự chủ cho các trường ĐH công lập để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, song song với tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực.

Liên quan đến Đề án "Xây dựng xã hội học tập", các thành viên Hội đồng tập trung góp ý biện pháp để phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở, có tính liên thông cao. Bên cạnh đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế học tập tại địa phương, trong cộng đồng.

Nhiều thảo luận thẳng thắn, tích cực về các nội dung liên quan đến hoàn thiện hệ thống giáo dục; đổi mới chương trình, SGK; đổi mới tổ chức thi THPT do lãnh đạo Bộ GDĐT trình bày.

Về hệ thống giáo dục, nhiều thành viên Hội đồng cho rằng phải tương thích với khu vực và thế giới, có độ mở, có tính liên thông cao giữa các bậc học (theo chiều dọc, chiều ngang, hướng chéo). Đây là một trong những giải pháp để giảm sức ép thi vào ĐH hiện nay, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Các chuyên gia đã phân tích và thống nhất trong xác định cơ cấu bậc học trong hệ thống đào tạo nghề từ trung cấp đến CĐ, ĐH.

Vấn đề phân luồng trong hai năm cuối bậc học phổ thông cũng được các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học thảo luận sôi nổi, đặt trong mối liên quan với đề án đổi mới chương trình, SGK.

Nhiều nhà khoa học bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tách riêng chương trình và SGK khi thực hiện đổi mới. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.

Các phương án đổi mới SGK cũng nhận được nhiều đóng góp, phân tích sâu sắc, toàn diện. Theo đó, Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu theo tinh thần đổi mới, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu Bộ GD-ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK.

Các đại biểu nhất trí cao với đề xuất của Bộ GD-ĐT trong việc áp dụng bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.

Đáng chú ý, tại phiên họp, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục nhận được rất nhiều góp ý, trao đổi, thảo luận từ các đại biểu.

Trong đó, quan điểm được nhiều ý kiến thống nhất là về lâu dài theo xu thế học sinh học hết THPT thì có một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp. Các trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng trên tinh thần tự chủ.

Song, trong vài năm tới, ngoại trừ một số trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng, còn đa phần các trường muốn có một kỳ thi quốc gia làm căn cứ để tuyển sinh.

Vì vậy, nhiều thành viên Hội đồng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp trên và nhấn mạnh việc tổ chức kỳ thi quốc gia là để lựa chọn được những người xứng đáng vào học ở bậc cao hơn, cũng như tạo động lực học tập cho học sinh.

Kỳ thi phải đảm bảo đánh giá đúng, công bằng trên tinh thần các đề thi, cách ra đề làm sao để phù hợp với cả học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Công tác tổ chức phải đơn giản, rõ ràng, không gây khó khăn, nhiêu khê cho học sinh và phụ huynh.

Về mặt kỹ thuật, Bộ GD-ĐT căn cứ vào thực tế, huy động các chuyên gia, nhà giáo dục xây dựng cấu trúc đề thi có sự phân hóa để một mặt học sinh không băn khoăn khi thi tốt nghiệp THPT, mặt khác để kết quả kỳ thi là căn cứ tin cậy cho các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận các ý kiến tại phiên họp và chỉ đạo Bộ GDĐT tiếp thu đóng góp của công luận và các nhà khoa học, có phương án trình Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo các đề án về hoàn thiện hệ thống giáo dục; đổi mới chương trình, SGK và tổ chức kỳ thi quốc gia.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn