• Zalo

Kỳ thi quốc gia 2015: Chỉ để đại học chủ trì, nâng số lượng cụm thi

Giáo dụcThứ Ba, 21/10/2014 07:26:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đa số các chuyên gia đều kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ nên duy trì cụm thi do các trường đại học tổ chức và nâng số lượng cụm thi.

(VTC News) – Đa số các chuyên gia đều kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ nên duy trì cụm thi do các trường đại học tổ chức và nâng số lượng cụm thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng chủ trương lựa chọn 1 kỳ thi quốc gia để đồng thời làm 2 nhiệm vụ là hoàn toàn đúng đắn. Đây là một việc làm tốt và dư luận xã hội cũng rất ủng hộ quyết định này của Bộ GD-ĐT.

Ông Nhĩ cũng khẳng định việc quyết định phương án thi và tổ chức kỳ thi quốc gia 2015 là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Kỳ thi quốc gia 2015
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng chỉ nên duy trì cụm thi do các trường đại học tổ chức và nâng số lượng cụm thi để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh 
Sau đó, rất nhiều chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc tổ chức thi được diễn ra một cách thuận lợi.

TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Vụ phó Giáo dục đại học cho rằng Bộ GD-ĐT không nên tổ chức cụm thi do các địa phương tổ chức để tránh việc phân loại thí sinh thành các hạng khác nhau. Bộ chỉ nên duy trì các cụm thi do các trường đại học đảm nhiệm.

“Việc giao các trường đại học, cao đẳng chủ trì cụm thi tại các địa phương chúng ta cũng đã có kinh nghiệm từ thời chống Mỹ cứu nước. Bộ GD-ĐT có thể giao cho lãnh đạo một trường đại học lớn xuống phụ trách việc tổ chức thi tại một địa phương”, TS Lê Viết Khuyến nói.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tổ chức cụm thi lớn như ở Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM.

“Bộ GD-ĐT phải nhân rộng các mô hình cụm thi này rộng hơn. Nên có không quá 10 cụm thi lớn. Có thể tổ chức 1-2 cụm thi nhỏ ở mỗi tỉnh và giao cho các trường đại học, cao đẳng của tình chủ trì phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức”, TS Lê Viết Khuyến đề xuất.

Vị chuyên gia này cho rằng để triển khai hoạt động tốt ở các cụm thi thì không chỉ huy động giảng viên đại học mà bao gồm cả giáo viên phổ thông coi thi, chấm thi.

Thực tế, hiện nay các trường đại học vẫn sử dụng sinh viên năm cuối coi thi nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm túc. Bộ GD-ĐT chỉ cần chỉ đạo để đảm bảo nguyên tắc giảng viên đại học, cao đẳng là giám thị chính, sinh viên coi thi là giám thị thứ 2.
TS Lê Viết Khuyến đề nghị nâng số lượng các cụm thi do trường đại học tổ chức để đảm bảo thuận lợi cho học sinh 

“Với hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, Bộ GD-ĐT không thiếu lực lượng để đảm bảo cho kỳ thi quốc gia được thực hiện nghiêm túc”, TS Lê Viết Khuyến nhận xét.

Cũng có cùng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng điều đáng lo ngại nhất trong phương án mà Bộ GD-ĐT đã công bố là việc chia thí sinh thành hai loại: chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp và vừa có nhu cầu xét tốt nghiệp vừa muốn xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc phân loại này sẽ khiến thí sinh bị chia thành loại I và loại II. Việc phân chia này cũng không đảm bảo tính đồng đều trong việc phân loại, đánh giá thí sinh.

Thậm chí, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc phân loại 2 cụm thi phải chăng Bộ GD-ĐT công khai xác nhận kỳ thi do các Sở GD-ĐT tổ chức là không đáng tin cậy.

Cũng có quan điểm nâng số lượng cụm thi do trường đại học, cao đẳng chủ trì, PGS –TS Trần Xuân Nhĩ đề xuất Bộ GD-ĐT nên mở rộng tổ chức khoảng 40 cụm thi.

Đối với tỉnh lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… thì Bộ nên tổ chức thành nhiều cụm. Trong khi đó, những tỉnh có diện tích nhỏ có thể gộp 2-3 tỉnh/ cụm.
    
Bộ GD-ĐT nên giao trách nhiệm cho các Sở GD-ĐT và chính quyền địa phương phối hợp cùng các trường đại học tổ chức cho nghiêm túc. Các trường đại học phải có trách nhiệm giám sát thi cho tốt.

Đối với từng cụm thi, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định giao nhiệm vụ cụm trưởng cho lãnh đạo trường đại học hoặc lãnh đạo Sở GD-ĐT tại địa phương.

Hội đồng tổ chức kỳ thi quốc gia phải có đầy đủ đại diện các thành phần để giám sát lẫn nhau.Nếu Bộ GD-ĐT chỉ giao nhiệm vụ cho trường đại học thì nhiều Sở GD-ĐT sẽ không thấy trách nhiệm của mình trong đó.

Hiện tại, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng nên dễ dàng phân bố người để giám sát kỳ thi.

Việc phân chia thành nhiều cụm thi sẽ giúp các thí sinh đi lại thuận tiện hơn và tránh việc phải di chuyển quá nhiều. Thực tế, lâu nay học sinh nơi khó khăn vẫn có thể tham gia dự thi tại các trường đại học một cách bình thường vì có nhiều tổ chức xã hội giúp đỡ. Bây giờ nhiều cụm hơn thì học sinh càng thuận lợi hơn.
GS Đào Trọng Thi cho rằng không nên tổ chức 2 loại cụm thi
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc tổ chức 2 loại cụm thi sẽ xuất hiện sự bất cập đó là tính nghiêm túc là không đồng đều, kỳ thi cụm địa phương và đại học chắc chắn là khác nhau.

GS Đào Trọng Thi nói: “Nếu Bộ GD-ĐT không tạo mặt bằng chung về kết quả thì thí sinh thi ở cụm đại học sẽ kém hơn ở cụm địa phương.Nếu 2 loại thí sinh này cùng sử dụng kết quả xét tốt nghiệp thì rõ ràng không công bằng giữa các thí sinh".

GS Đào Trọng Thi cũng gợi ý cụm thi địa phương chỉ áp dụng cho đối tượng vùng miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, chứ không thể mở rộng cả nước. Mặt khác, những thí sinh này thì cũng thi luôn tại trường, không cần thiết phải lập cụm thi địa phương.

Bộ GD-ĐT tăng cường thanh tra

Ngày 23/9, giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, Bộ định hướng tổ chức thi đảm bảo công bằng bằng cách thanh tra Bộ trực tiếp kiểm tra tổ chức thi ở cả cụm thi trường đại học và ở Sở GD-ĐT.

Cơ hội của thí sinh thi ở cụm địa phương sẽ không đóng lại vì có một số trường đã được phê duyệt đề án tuyển sinh riêng được xét tuyển dựa trên kết quả THPT.

Ông Luận cho rằng, việc tổ chức cụm thi ở từng tỉnh chưa thể thực hiện vì dư luận chưa tin kỳ thi do địa phương chủ trì.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình phương án thi trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội ngày 23/9 
Phương án mà Bộ GD-ĐT hướng đến là tổ chức theo cụm thi. Theo đó, thí sinh sẽ dự thi tại khoảng 20 cụm trên cả nước. Riêng những học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp, Bộ sẽ tạo điều kiện để thi tại cụm thi ở tỉnh, tránh việc đi lại tốn kém.

Những năm qua, Bộ đã tổ chức 4 cụm thi đại học ở Tây Nguyên, Cần Thơ, Vinh, Hải Phòng. Sau khi thi tốt nghiệp, học sinh phải đến các cụm để dự thi vào đại học.

Nhưng từ năm 2015, các em chỉ phải đi một lần đến cụm thi. Với những học sinh ở miền núi, do địa bàn đi lại khó khăn thì sẽ được thi ở cụm địa phương.

Cũng đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT, Thạc sỹ Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT phân thành 2 cụm thi tại địa phương và cụm thi do các trường đại học chủ trì.

Ông Trung cho rằng tự các em học sinh cần tạo được định hướng cho bản thân có học được đại học hay không. Các em có thể lựa chọn kỳ thi lựa chọn tại địa phương để đỡ vất vả.

Những thí sinh thi tại địa phương cũng có thể tham gia xét tuyển vào những trường có đề án tuyển sinh riêng được phê duyệt. Thậm chí, các em có thể học nghề và học liên thông lên các cấp học cao hơn.

Đa số các thí sinh chọn dự thi tại cụm địa phương có học lực trung bình yếu và không có nhu cầu thi đại học.
Với phương án này, Bộ GD-ĐT chỉ cần cử các đoàn kiểm tra lưu động, giao trách nhiệm và gắn với xử lý nghiêm minh.

“Phải quy trách nhiệm rõ ràng, quy trách nhiệm của các bộ phận liên đới. Khi đã quy được trách nhiệm rõ ràng thì ban tổ chức kỳ thi tại địa phương cũng phải nỗ lực để thực hiện hết trách nhiệm”, Thạc sỹ Lê Xuân Trung nêu quan điểm.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn