Cầm trong tay tấm bằng giỏi kỹ sư xây dựng, anh Trần Chung (41 tuổi, người Nam Định) nhận việc mức lương trên 2.000 USD cách đây hơn chục năm là ước mơ của nhiều người. Thực hiện nhiều công trình xây dựng cả trong và ngoài nước, công việc đang yên ổn, năm 2016 anh bất ngờ bỏ nghề, quay sang làm nông dân khiến bạn bè biết về anh đặt nhiều dấu hỏi.
Anh chọn công việc mới chỉ với suy nghĩ sẽ làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu người dùng giữa cơn bão thực phẩm không an toàn. Quyết làm, cựu học sinh chuyên Lý của Trường Lê Hồng Phong Nam Định âm thầm tìm hiểu về luật đất đai, khí hậu thổ nhưỡng từng vùng, các quy định, tiêu chuẩn sản xuất nông sản an toàn và nông sản hữu cơ trong nước cũng như các nền nông nghiệp phát triển khác.
"Tôi đã đi lấy mẫu đất, nước tại vài nơi mình mong muốn và có khả năng tiếp cận, tích tụ ruộng đất để làm xét nghiệm đảm bảo điều kiện sản xuất rau củ quả và dược liệu an toàn", anh Chung cho biết.
Anh chọn Giao Thủy, Nam Định, nơi anh sinh ra và lớn lên để bắt đầu công việc nhà nông, vì đó là nơi anh sinh ra và lớn lên. Chỉ sau một năm, gần 10 ha đất bạc màu vùng ven biển Giao Thủy được khử phèn, thau chua rửa mặn. Thay vào hình ảnh đất bạc màu là những luống rau ngắn ngày như su hào, bắp cải, xà lách vươn xanh.
Khu đất đào lên làm vườn, anh tận dụng làm ao thả cá. Gà, vịt, ngan, bò cũng được nuôi để "lấy ngắn nuôi dài" và tận dụng thức ăn quay vòng của trang trại.
Trở thành ông chủ Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân từ đầu năm 2016. Đến đầu năm 2017 những lứa rau củ, cây con đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch. Sản phẩm của trang trại được đón nhận vì biết được nuôi trồng sạch.
Nghe giới thiệu về những loại rau, củ không ai nghĩ anh từng là kỹ sư xây dựng. "Chỉ khoảng hơn một tháng nữa, xà lách Mỹ nhà tôi sẽ đẹp. Xà lách chính vụ ngon hơn xà lách của Đà Lạt. Năm trước trang trại sản xuất không đủ để bán", anh Chung giới thiệu.
Vì sao ngon hơn? Đó là rau không bón phân hóa học mà anh tự khai thác cá tạp trong trang trại, mua men vi sinh của Viện hàn lâm về chế phân bón. "Chất lượng phân hữu cơ vi sinh tương tự các loại phân bón lá của Mỹ nên rau xanh tốt và ngọt đậm, giòn", anh Chung nói.
So với số tiền xấp xỉ 10 tỷ đồng đã đầu tư, tiền bán rau, cá "doanh thu không đáng kể vì ban đầu chỉ làm để cải tạo đất", anh Chung nói và cho biết cái anh theo đuổi dài hơi đó chính là cây dược liệu và măng tây.
"Tiền của tôi nằm hết trong đất và cây"
Năm 2017, KS Chung bắt tay với TS Hà Phương Thư, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, để ứng dụng công nghệ Nano vào nông nghiệp.
KS Chung và TS Hà Phương Thư chọn cây nghệ, gừng, đinh lăng là những dược liệu khá phổ biến và có giá trị, vốn được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian truyền thống Việt Nam để đầu tư.
Toàn bộ cây trồng ở trang trại được sử dụng dưỡng chất nano để chăm bón. Mặc dù trên diện tích đất phèn chưa rửa sạch, cùng gieo hạt, cùng trồng một ngày, nhưng giữa khu vực trồng cây dùng phân bón nano với cây bón phân thông thường có sự khác biệt rõ ràng. Lượng phân nano được sử dụng ít hơn, nhưng hiệu quả cao hơn khi cây phát triển nhanh hơn.
Như với cây nghệ, sau 7 ngày ủ giống ở vùng không sử dụng nano, mầm cây mới nhú 2-4 cm, luống có sử dụng nano, cây ra 2-3 lá dài 15-20cm. Tương tự với đinh lăng, măng tây cũng vậy.
Thực tế các nghiên cứu bước đầu chỉ ra dưỡng chất nano không chỉ nâng cao năng suất, mà nâng cao cả chất lượng cây trồng. Nếu điều chỉnh hợp lý, chỉ cần sử dụng một lần phân bón nano cho cây trồng là đủ. Điều này sẽ giúp giảm lượng phân bón nên sẽ giảm chi phí, đồng thời tiết kiệm thời gian chăm sóc cây trồng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Các nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học vật liệu cho thấy tổ hợp các hạt nano kim loại còn giúp chữa được bệnh do nấm, vi khuẩn gây nên. Các tổ hợp này có thể tiêu diệt vi khuẩn Xanhthomonat, Fusarium - nguyên nhân gây bệnh loét lá, khô lá, thối rễ dẫn đến gây chết cây.
Kết quả bước đầu này mang lại niềm hy vọng cho nhà nông, khi có thể thay đổi cách sử dụng phân bón cho cây trồng, để đạt năng suất cao mà chi phí thấp hơn nhiều so với sử dụng phân hóa học.
KS Chung cho biết, ở trang trại của anh yếu tố khoa học còn được quan tâm cả trong quy hoạch các khu vực trồng trọt, chăn nuôi, hệ thống giao thông, hệ thống điều hoà tưới tiêu nước, kho bãi trên cơ sở hệ thống thuỷ lợi, hạ tầng bên ngoài trang trại. Hướng mặt trời được tính toán để cân bằng ánh sáng cho cây trồng. Anh cũng tính cả hướng gió chủ đạo trong năm, khả năng chia cắt gió để giảm thiểu thiệt hại khi có bão cho cây trồng, vật nuôi.
Thấy mô hình hợp tác xã làm bài bản trên vùng đất ven biển, mới đây Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu VCIC đã có thoả thuận tài trợ để đầu tư thiết bị chế tạo phân bón nano. Chi cục phát triển nông thôn Nam Định cũng đầu tư cho trang trại khu nhà nhỏ để ủ phân chuồng và nuôi giun quế giá trị gần 50 triệu đồng.
Chia sẻ mức thu nhập hiện tại, anh thành thật: "Tiền của tôi đang nằm hết trong đất và những cây trồng đang lớn lên từng ngày. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một quá trình rất dài nên với người mới bắt đầu làm một, hai năm sau khi hoàn thành công tác cải tạo đất như tôi là chưa thể xác định được thu nhập".
Hiện trang trại của anh tạo công việc cho 16 người lao động thường xuyên và một số người lao động thời vụ. Mức thu nhập cho người lao động bình quân hiện tại là 3,8 triệu đồng một tháng. Con số này sẽ nâng lên khi mọi việc đi vào ổn định.
"Sau khi tham khảo ý kiến các kỹ sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với kiến thức tích luỹ cả về chăn nuôi, trồng trọt và ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, tự động hoá vào nông nghiệp tôi tin mình sẽ thành công", anh Chung nói và cho biết đinh lăng cuối 2019 đầu 2020 sẽ cho thu hoạch. Nghệ và măng tây cũng là cây triển vọng hứa hẹn cho thu nhập cao.
Bình luận