“Xin vào được cơ quan Nhà nước, thực sự thời điểm đó là ước muốn không chỉ của tôi mà của rất nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, những năm tháng cống hiến đã giúp tôi nghiệm ra một điều rằng thực tế và ước mơ là khoảng cách rất xa, không phải màu hồng”, kỹ sư Hồ Sỹ Cần (43 tuổi) kể lại quãng thời gian còn làm việc cho một trung tâm kỹ thuật đường bộ đóng tại Đà Nẵng.
Anh Cần cho biết, 16 năm phấn đấu từ kỹ sư đứng công trình, anh được đề đạt và sau đó giữ chức Trưởng phòng kế hoạch của đơn vị. Công việc chính của người này là tham mưu cho giám đốc điều hành hoạt động sản xuất, đồng thời tiếp xúc, tìm việc cho đến nghiệm thu thanh toán, kết thúc công trình. Việc nhiều khiến anh không có thời gian nghỉ ngơi.
“Trưởng phòng kế hoạch, sáng dậy đi làm quần áo tinh tươm, giày dép lịch sự, có xe đón đưa, ai nhìn vào cũng bảo sướng, nhưng thực tế đó chỉ là sự ngưỡng mộ của người ngoài cuộc. Áp lực rất lớn, đến tháng, quý mà nguồn tiền chưa về là ăn không ngon, ngủ không yên vì lấy gì trả lương cho hơn 120 lao động. Người lao động làm cả tháng, chỉ nhìn vào đồng lương chứ có nguồn nào để trang trải cuộc sống đâu, mình không thể dửng dưng được”, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch chia sẻ.
Lương, thưởng theo quy định không thể có cơ chế đột phá như những tập đoàn bên ngoài. Anh Cần so sánh, với vị trí của mình, lương của những người làm cho tư nhân, tập đoàn bên ngoài có thể 30-40 triệu đồng/tháng, trong khi kỹ sư này chỉ nhận khoảng 10 triệu đồng, không đủ lo cho gia đình.
Anh bấm đầu ngón tay chia ra các khoản chi tiêu trong tháng với đồng lương được trả: “Nhà 4 người sống ở thành phố thì không thể nào kham nổi. Chỉ riêng 2 con đi học, mỗi tháng cũng phải 6-7 triệu đồng, vậy là hết hơn nửa tháng lương. Số còn lại cũng đủ lo mấy đám cưới, thôi nôi, sinh nhật. Nhà có việc là phải chạy vạy vay mượn chứ không có nguồn nào để xoay. Áp lực thời gian, công việc rất căng thẳng nhưng so với những gì mình bỏ ra, đồng lương còm cõi thật sự không tương xứng”.
Nguyên trưởng phòng kế hoạch Hồ Sỹ Cần kể lại cuộc đấu tranh tư tưởng khi quyết dứt bỏ công việc đang làm.
“16 năm, dứt bỏ hay tiếp tục theo đuổi? Gia đình, bạn bè nói mình đang có công việc ổn định, có chức vụ trong cơ quan Nhà nước mà lại xin nghỉ? Điều đó khiến mình phải suy nghĩ, dằn vặt rất nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, anh nói.
Ngày anh nộp đơn xin nghỉ, lãnh đạo cơ quan gặp gỡ, động viên ở lại với những phân tích về tương lai còn nhiều cơ hội, nhưng anh quyết tìm hướng đi mới, dù biết sẽ không dễ dàng.
“Thành công là phúc, thất bại là họa nhưng phải chấp nhận vì đó là lựa chọn của mình. Tôi bắt đầu khởi nghiệp sau quãng thời gian 16 năm làm việc trong cơ quan Nhà nước”, người đàn ông 43 tuổi nói về quyết định khi ấy.
Năm 2019, sau khi nghỉ việc, anh gom góp, vay mượn người thân, bạn bè mở công ty. Rất may, quá trình công tác, anh có nhiều mối quan hệ, đối tác, được bạn bè giúp đỡ nên công ty hoạt động khá tốt. Áp lực công việc giảm, nguồn thu dù chưa nhiều, nhưng anh đã có thời gian hơn cho gia đình, con cái.
Vừa điều hành công ty, kỹ sư Hồ Sỹ Cần đầu tư mở thêm nhà hàng kinh doanh ăn uống ven biển.
“Đến giờ, với tôi, quyết định ra ngoài là đúng. Thậm chí, tôi tiếc mình không đưa ra quyết định sớm hơn. Thu nhập giờ không phải vấn đề lớn nhất, quan trọng là mình đã có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, gia đình”, anh Cần chia sẻ về cuộc sống hiện tại.
Theo người đàn ông này, thực tế không chỉ anh mà nhiều cán bộ, công chức cũng từ bỏ vị trí, công việc để ra ngoài vì áp lực công việc lớn, trách nhiệm cao, nhiều quy định ràng buộc, trong khi thu nhập không xứng đáng.
Theo số liệu được công bố tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 14/7/2022, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022, Đà Nẵng có hơn 380 công chức, viên chức xin nghỉ việc.
Lý giải tình trạng viên chức, công chức nghỉ việc nhiều, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân đầu tiên là lương, thu nhập thấp. Chế độ phụ cấp công chức không đảm bảo cuộc sống gia đình nên họ phải tìm công việc khác, nhiều công chức phải làm thêm mới đảm bảo nhu cầu cuộc sống.
Nguyên nhân thứ 2 là áp lực công việc. Thời gian qua, Đà Nẵng thực hiện tinh giản biên chế nên người làm giảm, trong khi công việc tăng thêm, áp lực càng lớn hơn.
Nguyên nhân nữa là công chức lo rủi ro trong quá trình thực thi công vụ.
Bình luận