Tháng 9 năm nay, Chúng tôi là chiến sĩ kỷ niệm tròn 10 năm lên sóng VTV3. PV có cuộc trò chuyện với MC Hoàng Linh - người gắn bó với chương trình truyền hình này từ những ngày đầu để lắng nghe những kỷ niệm vui buồn của chị trong suốt hành trình một thập kỷ đồng hành cùng các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chuyến công tác buồn nhất trong 10 năm làm MC
- Nhiều người nhận xét chị là “MC của người lính” vì có nhiều năm gắn bó với chương trình Chúng tôi là chiến sĩ. Khi SU30MK2 rồi đến CASA212 mất tích chắc hẳn chị có nhiều xúc cảm khó nói?
Tôi cũng như bao người Việt Nam buồn lắm chứ! Xót xa và thương gia đình các anh vô cùng. Khi anh Cường trở về bình an và mọi người đổ dồn để tìm anh Khải, tôi đang quay chương trình ở Trung đoàn không quân 920 - Trường Sỹ quan không quân ở Nha Trang.
Bình thường, mỗi khi chúng tôi đến quay ở đâu, không khí đều vui vẻ. Nhưng hôm đó, khi nghe tin dữ, tâm trạng của mọi người đều rất nặng nề, khác hẳn mọi lần.
Trước khi sự việc diễn ra, đơn vị còn dặn là Hoàng Linh phải ở lại để tổ chức một chương trình văn nghệ, giao lưu cùng anh em trong đơn vị và cũng là liên hoan mừng lứa học viên phi công thả đơn thành công.
Nhưng khi biết tin máy bay đồng đội mất tích, buổi tối hôm đó, tâm trạng của ai cũng lo lắng. Hai tuần sau đó, chúng tôi không thể quay được cảnh bay nào tại đơn vị vì khi một chiếc bay gặp nạn thì đơn vị sẽ không bay 2 tuần liền, như quy định bất thành văn.
- Đó có phải là chuyến công tác buồn nhất với chị kể từ khi vào nghề đến nay?
Đó là chuyến công tác buồn nhất trong suốt 10 năm làm nghề của tôi. Tôi nhớ trong phần Nhật ký chiến sĩ, chúng tôi làm phóng sự về thượng úy phi công Trần Thanh Luân.
Đó là người đạt danh hiệu một trong 10 thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2015 cũng là một trong những phi công trẻ nhất của quân đội ta được điều khiển máy bay Su-30.
Luân tâm sự với tôi ngay trong buổi chiều biết tin Casa 212 mất tích: “Em buồn quá chị ạ. Dù vẫn biết rằng, với chúng em, khi cánh cửa máy bay đóng lại thì cũng là lúc mình bước vào hành trình một còn một mất. Là phi công, chúng em luôn sẵn sàng với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời và dù ra đi cũng là ra đi trên bầu trời Tổ quốc.
Nhưng hậu phương của chúng em, tức là gia đình thì không thể xác định được điều ấy, đúng hơn không chịu đựng được những hiểm nguy hoặc những tai nạn đáng tiếc mà chúng em có thể gặp phải”.
"Dẫn cho chiến sĩ không thể quần là áo lượt"
- Một kỷ niệm buồn không chỉ với chị mà có lẽ còn với nhiều khán giả xem chương trình. Nhưng trong suốt chặng đường 10 năm gắn bó với Chúng tôi là chiến sĩ, chắc hẳn chị cũng có nhiều kỷ niệm vui không thể quên?
Nhiều lắm chứ, nhiều không kể hết được. Mỗi năm chúng tôi làm 53 chương trình mà chương trình nào cũng có những câu chuyện riêng.
Nếu phải trả lời ngay, có lẽ đó là những chương trình đầu tiên cách đây 10 năm khi quay hình dưới cái nắng khủng khiếp tại Kiến An – Hải Phòng, nắng đến mức nhạc sĩ Lưu Hà An – tác giả của ca khúc Ước mơ chiến sĩ cứ đùa, anh em mình nhuộm toàn da chỉ có răng là chưa đen.
Bên cạnh đó, tôi không thể quên được kỷ niệm về số quay đơn vị đặc công ở Đồng Nai. Để thực hiện nhiệm vụ “ngụy trang” đúng chất lính đặc công, tôi nhớ là mình phải cải trang, nấp trên một cây xoài, khi nào quay phim hô “3, 2, 1 máy chạy” mới được nhảy xuống để dẫn. Nhưng quay phim mới đếm đến 2 tôi đã nhảy xuống đất, mọi người thắc mắc, tôi bảo “Kiến đốt em đau quá''.
Một lần khác, quay ở Sóc Sơn, cũng liên quan đến côn trùng. Tôi quay ở chỗ cây nhãn, toàn bọ xít, bị đốt đến bây giờ vẫn còn vài vết sẹo.
- Trải qua những tình huống như thế, chị nghiệm ra điều gì?
Trải qua nhiều kỷ niệm, tôi nghiệm ra làm MC của Chúng tôi là chiến sĩ thì không thể quần là áo lượt, trang điểm quá lộng lẫy, như vậy sẽ rất xa cách. Mình phải nghĩ mình cũng là chiến sĩ, là đồng đội của những người lính, không ngại mưa nắng và thử thách.
Tôi tự hào là sau nhiều năm, sức khỏe của mình vẫn rất tốt và vẫn luôn hào hứng với công việc. Trộm vía, trèo cây, leo núi, chui hào, lội sông lội nước, với tôi, không thành vấn đề.
Gần đây nhất là chuyến công tác Trường Sa. Chúng tôi quay hình ở Cam Ranh với Lữ đoàn tàu ngầm 189. Tôi và BTV Vũ Trang được chia thành 2 đội chơi với các thủy thủ tầu ngầm. Thử thách cho mỗi đội là phải lặn xuống bể sâu tới hơn chục mét để tìm ngọc. Các chiến sĩ được đeo ống thở tham gia trò chơi, còn riêng chúng tôi được phân công ở trên bờ hỗ trợ các thành viên trong đội.
Nhưng đến phần kết, sau khi chúc sức khỏe các chiến sĩ, chúng tôi nói là tính đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa có nữ thủy thủ tàu ngầm, nhưng hy vọng trong tương lai sẽ có.
Vừa nói xong, tôi và Vũ Trang chui qua lan can nhảy xuống bể, cách mặt nước đến 6-7m. Tất cả chiến sĩ đều trố mắt ngạc nhiên, reo hò cổ vũ vì chỉ các quay phim là biết chủ đích của chúng tôi.
Bộ đội nhát lắm, không tán gái giỏi đâu!
- Các anh bộ đội thường tán gái rất giỏi, chị đã bao giờ vướng vào tình huống khó xử chưa?
Ai cũng bảo bộ đội tán gái giỏi nhưng tôi thấy ở khía cạnh nào đó, họ nhút nhát lắm. Lúc mới quen, các chiến sĩ còn lạnh lùng và rất kỷ luật. Thú thực, tin nhắn từ bộ đội, tôi nhận được nhiều nhưng toàn là hỏi thăm, góp ý chương trình chứ tán tỉnh thì chưa có bao giờ.
Một lần duy nhất tôi được chiến sĩ hôn trên sân khấu nhưng đó lại là chiến sĩ nữ. Còn anh Lại Văn Sâm thì được chiến sĩ nam hôn (cười).
- 10 năm gắn bó với công việc MC, chị thấy mình được – mất những gì?
Tôi thấy mình được chứ không mất gì. Trước hết là được thỏa lòng đam mê với công việc. Sau nữa là được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Nghề cho tôi những trải nghiệm khó quên và ý nghĩa mà khi còn trẻ, thật may mắn nếu chúng ta được trải qua.
Nếu không làm báo, tôi đâu được hiểu về cuộc đời của những người lính để thêm cảm phục, biết ơn họ. Nếu không làm báo, tôi đâu được ra tới tận Trường Sa để trân trọng hơn cuộc sống bình an mà mình và người thân đang được sống từng ngày.
Bình luận