Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển, cùng nhiều quan chức ngành giáo dục, truyền thông, khoa học công nghệ trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo này.
Việc tìm ra định hướng cho nền giáo dục nước nhà luôn là vấn đề hết sức quan trọng, bức thiết. Hội thảo đã đưa ra vấn đề hợp tác công – tư trong phát triển giáo dục và tranh luận về xu thế này trong việc áp dụng vào hiện tại, cũng như tương lai.
Do tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp học mới này vào hệ thống giảng dạy, Eduspec Holdings Berhad (EHB), một công ty giáo dục hàng đầu của Singapore và Malaysia đã cùng Công ty Công nghệ DTT (Việt Nam) hỗ trợ thành lập Hội đồng tư vấn giáo dục với thành phần là các chuyên gia đến từ khắp các nước Đông Nam Á, bao gồm một số thành viên như: Ông Pang Chong Leong – Chủ tịch Hội liên hiệp Hiệu trưởng các trường tại Malaysia; ông Mike Thiruman – Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Singapore; Tiến sỹ Margani, nguyên phó chủ tịch phụ trách giáo dục Jakarta, Indonesia, bà Ferrer, tổng thư kí hiệp hội trường công giáo, Philipines, Tiến sỹ Mai Anh và tiến sỹ Nguyễn Tuấn Hoa, Việt Nam…
Mục tiêu là: trao đổi, đưa ra các tư vấn thực tiễn để áp dụng vào môi trường học tập tại Đông Nam Á, đi đầu là Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines.
Hội thảo kỹ năng học tập thế kỷ 21 tại khu vực Đông Nam Á |
Hội đồng đã chính thức thành lập vào sáng 27/10/2012 tại Hà Nội, bầu ra chủ tịch là ông Mike Thiruman và thông qua các điều lệ hoạt động. Ông Nguyễn Thế Trung được chọn là tổng thư kí cho nhiệm kỳ đầu tiên này. Hội đồng đặt cho mình nhiệm vụ tư vấn để thúc đẩy việc triển khai thành công mô hình giáo dục dựa trên CNTT hướng tới kỹ năng thế kỷ 21, thông qua các hoạt động thường xuyên tại các nước Đông Nam Á.
Ngay sau khi thành lập, Hội đồng tư vấn tham gia chủ trì hội thảo “Kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 khu vực Đông Nam Á” với thành phần tham gia từ các Bộ ngành như: Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở GD&ĐT các tỉnh thành; Hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học, các chuyên gia giảng dạy và giáo viên trong chương trình đào tạo của dự án DTT - Eduspec…
Tại buổi hội thảo, các thành viên tham dự đã tranh luận sôi nổi về phương hướng cho nền giáo dục nước nhà, đề cao đặc biệt việc hợp tác công – tư (PPP), để đạt hiệu quả cao nhất. Mục đích của hội thảo là đưa ra các giải pháp thực tiễn để hiện thực hóa việc đưa ra phương pháp và các chương trình đào tạo tiểu học.
VTC News ghi lại một số quan điểm của các thành viên tham gia hội thảo.
Rất nhiều lãnh đạo cao cấp đã tham dự hội thảo |
Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc DTT: Bước sang thế kỷ 21, thế giới ngày càng thay đổi và phát triển nhanh chóng. Mỗi năm số lượng dữ liệu trên toàn thế giới tăng gấp đôi và hiện có khoảng 15 tỷ thiết bị được kết nối Internet.
Trong môi trường như vậy, học sinh cần một phương pháp học mới, một phương pháp học tập chủ động, một tư duy giải quyết vấn đề kết hợp giữa tư duy phản biện và các giải pháp công nghệ. “21st century learning skills - Kỹ năng học tập thế kỷ 21” là một phương pháp ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới để đáp ứng những nhu cầu này.
Ông Nguyễn Thế Trung phát biểu tại hội thảo |
Liên doanh DTT - Eduspec trong 15 năm vừa qua đã triển khai nhiều mô hình giảng dạy các môn học như Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Robotics… trên nền tảng công nghệ thông tin tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, chương trình được triển khai từ năm 2011 đã thu hút hàng ngàn học sinh tham dự tại một số trường như: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, Trường THCS Thăng Long, Trường Tiểu học Vietkid, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm - TP Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo - TP Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học Ban Mai…
Liên doanh DTT - Eduspec có kế hoạch mở rộng chương trình cả về số lượng và chất lượng trong tương lai. Hội đồng tư vấn giáo dục Kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 sẽ cung cấp những kiến thức quý báu về mặt học thuật và kinh nghiệm về việc triển khai chương trình đào tạo này.
TS. Phạm Phương Luyện (Nguyên Chủ nhiệm Khoa ngôn ngữ và văn hóa Anh - Mỹ, ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQG, Hà Nội, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng bộ môn Tiếng Anh, Bộ GD-ĐT): Thế giới đang thay đổi từng ngày và cả thế giới đang đứng trước thách thức của sự thay đổi. Thế nhưng, có một lĩnh vực mà gần như chưa có nhiều thay đổi lắm, đó là phương thức chúng ta giáo dục thế hệ trẻ.
Giáo dục của chúng ta vẫn gần như những gì đã xảy ra cách nay 1 thế kỷ và những người làm công tác giáo dục vẫn đang chủ trương vận hành giáo dục theo cách thức mà chính họ đã được giáo dục thế kỷ 20.
Hậu quả đang hiển hiện ở khắp nơi. Chủ sử dụng lao động kêu ca học sinh tốt nghiệp chưa có đủ khả năng làm việc. Đa phần phải đào tạo lại, vì thiếu kỹ năng.
Ngay tại Mỹ, tổng thống cũng đã phải thốt lên: “Tôi kêu gọi nước Mỹ chúng ta… hãy chuẩn hóa giáo dục và sử dụng hệ thống kiểm tra đánh giá thế nào để yêu cầu không chỉ học sinh điền đúng thông tin, hay chọn câu trả lời đúng, mà còn phải dạy cho họ các kỹ năng của thế kỷ 21, như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng tư duy và sáng tạo”.
TS. Phạm Phương Luyện |
Việt Nam cần phải thay đổi cách thức giáo dục theo hướng dạy kỹ năng thế kỷ 21, là vì chương trình giáo dục hiện hành vẫn là kiểu chương trình của thế kỷ 20, nặng về kiến thức, trong khi đòi hỏi của thị trường lao động hoàn toàn khác.
Các trường muốn thực hiện được chức năng đào tạo, giáo dục của mình thì nhất thiết phải cung cấp cho người học những chương trình, khóa học để đào tạo học sinh thành người lao động đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện nay, với một tập hợp các kỹ năng phức tạp, chuyên môn sâu, sáng tạo và cả những công việc sẽ xuất hiện trong tương lai.
Cốt lõi nhất vẫn là khả năng nắm bắt được kiến thức một cách nhanh nhất để rồi vận dụng ngay kiến thức đó trong công việc, và kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng sử dụng công nghệ và kỹ năng sáng tạo. Đây chính là tập hợp kỹ năng thế kỷ 21.
Lớp kỹ năng bao gồm 3 loại: Thứ nhất là biết phương pháp học tập, biết học tập sáng tạo thông qua rèn luyện tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, đổi mới, sáng tạo, biết giao tiếp và làm việc theo nhóm tổ.
Thứ hai, là biết sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông. Đây là công cụ cần thiết để thực hiện công việc cũng như cuộc sống.
Loại kỹ năng thứ ba là văn hóa ứng xử, văn hóa làm người. Con người lao động trong thế kỷ 21 phải vừa năng động sáng tạo vừa có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng xã hội.
Ở Malaysia, Eduspec là một trong những doanh nghiệp tiên phong theo mô hình PPP – công tư kết hợp do Bill Gate đề xướng. Eduspec đã tổ chức một mạng lưới các trường kỹ thuật số với 5 giai đoạn, mà mục tiêu là chia sẻ thông tin, dạy và học sáng tạo, tăng cường hợp tác và quản lý tốt.
Giai đoạn 1 tập trung vào việc đưa các chương trình ICT sáng tạo vào các trường học, trong đó có công nghệ xanh ICT, Robotics, Phòng thực hành tiếng Anh đa phương tiện, và một con chuột cho nhiều máy tính.
Giai đoạn 2 là hệ thống quản lý thông minh giúp thầy giáo và nhà trường trong các khâu đào tạo theo kỹ năng thế kỷ 21.
Giai đoạn 3 là hình thành hệ thống các trường kỹ thuật số.
Giai đoạn 4 là lập cộng đồng mạng, nơi học sinh có thể chia sẻ, giao tiếp và thực hiện các dự án của mình.
Giai đoạn 5 là kết nối tất cả các trường kỹ thuật số.
Cuộc thi Robotics Quốc tế năm nay tại Hà Nội là hoạt động thường niên của những nỗ lực giảng dạy kỹ năng thế kỷ 21 mà Eduspec cung cấp cho học sinh Malaysia từ cấp tiểu học trở lên. Kết quả như ta đã thấy, đó là tất cả các giải vô địch, nhì, ba, các đội tuyển robotics của Malaysia đã giành hết. Các nước còn lại chỉ đoạt giải phụ. Tuy nhiên, rất mừng là Việt Nam đã có DTT đi tiên phong, mang trào lưu giáo dục kỹ năng tới các nhà trường ở Việt Nam.
Ông Pang Chong Leong, Chủ tịch hiệp hội hiệu trưởng Malaysia: Ở Malaysia, chúng tôi đã áp dụng các mô hình học tập dựa trên công nghệ từ cuối những năm 80của thế kỷ trước, khi tôi còn là giáo viên. Đối tác của chúng tôi là Công ty Eduspec. Chúng tôi rất mừng là công ty đã vươn ra khu vực sau hơn 20 năm hoạt động.
Ông Pang Chong Leong |
Về kinh nghiệm, nhân có Thứ trưởng Hiển ở đây tôi xin chia sẻ về một điểm đột phá quan trọng về mặt chính sách tại Malaysia đó chính là việc chính phủ cho phép các trường tự chủ về một số môn học với điều kiện phải thông qua hội phụ huynh của trường.
Chính sách này đã mở ra cơ hội cho chúng tôi triển khai các phòng Lab công nghệ thông tin trong những năm 90 một cách thành công tại các trường của cộng đồng nói tiếng Hoa. Giờ đây, chính phủ đang mở rộng áp dụng mô hình phòng Lab công nghệ thông tin với dự án 100 triệu USD dành cho truy cập 4G tại tất cả các trường.
Chính sách này cho phép sự phát triển thực chất mô hình đào tạo dựa trên công nghệ thông tin thay vì chỉ là mua sắm máy móc. Mô hình này cũng cho các trường nhiều lựa chọn. Ví dụ, trong môn học Robotics chúng tôi đã thử 3 mô hình trước khi triển khai mô hình dựa trên robot lego như hiện nay. Điểm đột phá về chính sách này, mà nay chúng ta gọi là PPP là mấu chốt trong kinh nghiệm của chúng tôi.
Ông Lim Een Hong, Giám đốc điều hành Công ty Eduspec Holdings Berhad (Malaysia): Tôi khẳng định rằng mô hình giáo dục công là rất quan trọng. Nhưng mô hình giáo dục công – tư, tức PPP còn quan trọng hơn. Chính phủ Mỹ và Anh đều coi trọng mô hình PPP. Khối tư cung cấp tài chính cho khối công hoạt động. Ấn Độ cung đã áp dụng PPP và thành công ngoài sức tưởng tượng. Hiện ở Ấn Độ, 40% là trường tư. Áp dụng PPP, đưa công nghệ thông tin vào trường học, Ấn Độ đã nhanh chóng biến thành nước lớn nhất thế giới về sản xuất phần mềm. Học sinh Ấn Độ rất giỏi về phần mềm. Người nghèo Ấn Độ còn nhiều, nhưng học sinh của họ thì đã phổ cập công nghệ thông tin, phổ cập kỹ năng máy tính.
Ông Lim Een Hong |
15 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện liên kết công – tư trong giáo dục. Lúc đầu khó khăn lắm, phải giải quyết rất nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi làm từng bước. Chúng tôi học kinh nghiệm từ Singapore và áp dụng theo tiến trình cụ thể.
Ngày chúng tôi đưa máy tính vào trường tiểu học, thấy các em mê lắm, đặc biệt là chơi game. Các em thích vừa học vừa chơi trên nền tảng công nghệ thông tin. Do đó, thầy giáo dạy học trên máy tính, mạng, các em rất phấn khích, ham học.
Về kỹ năng giáo dục thế kỷ 21, chúng ta phải hướng học sinh sử dụng công nghệ thông tin một cách hữu ích. Giáo viên phải được đào tạo.
Để thực hiện được kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 thì phải đầu tư lớn, do đó, phải có sự kết hợp công – tư. Giáo viên học xong cũng phải dạy học ngay, dạy liên tục, nếu không sẽ quên nhanh, hoặc tiến bộ chậm. Kết quả là chúng tôi đã đào tạo được các học sinh giỏi về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, đặc biệt là môn robotics. Điều đó đã thể hiện trong cuộc thi hôm nay, học sinh chúng tôi đã giành hết giải cao.
Ngay từ bậc tiểu học, các cháu đã được đào tạo trong môi trường công nghệ thông tin, học robotics, nên từ lớp 7 đến lớp 12, các cháu đã là những lập trình viên, có kỹ năng phần mềm rất tốt.
Cho đến giờ đây, nhờ có hợp tác công – tư mà đào tạo học sinh trên nền tảng công nghệ thông tin ở nước chúng tôi đã phổ cập, với 10.000 trường áp dụng. Giá học phí cũng rất rẻ, chỉ có 10 USD/tháng cho một học sinh để được đào tạo trong môi trường hiện đại này.
Từ thành công ở Malaysia, chúng tôi mở rộng kỹ năng giáo dục thế kỷ 21 ra các nước khác, mà Việt Nam là một điểm chúng tôi nhắm đến.
Mặc dù mới triển khai được ở vài trường tiểu học, song chúng tôi thấy học sinh Việt Nam đều rất thích môn học robotics cũng như các phòng lab CNTT. Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục và họ rất ủng hộ, bước đầu phê chuẩn như là môn học ngoại khóa.
Với liên doanh DTT – Eduspec, hy vọng rằng Việt Nam có một mô hình triển khai thực tế nền giáo dục của thế kỷ 21.
Ông Nguyễn Thế Trung: Mô hình hợp tác công – tư, tức PPP, cho phép nhà trường, phụ huynh tự chủ môn học, đó là sự đột phá trong giáo dục, mà chúng ta cần tham khảo.
Ở Việt Nam đã áp dụng mô hình hợp tác công tư trong một số lĩnh vực và thành công ở lĩnh vực xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, áp dụng sang ngành giáo dục thì rất khó, bởi rào cản tâm lý rất lớn. Tuy nhiên, PPP là sự tất yếu của tương lai.
Nói riêng về môn học robotics. Năm ngoái, Việt Nam và Philippines cùng đưa môn học robotics vào thí điểm. Đến nay, dù cố gắng hết sức, song chúng tôi mới áp dụng được ở vài trường tiểu học với vài trăm học sinh theo học, trong khi ở Philippines đã có hàng ngìn học sinh học robotics. Trong thời gian ngắn nữa, họ sẽ có 1.300 trường học môn này. Vì sao họ làm được điều đó một cách tự tin? Có lẽ chúng ta cũng tự biết được câu trả lời.
Tôi lấy một ví dụ nhỏ. Khi chúng tôi triển khai phòng Lab, học tập trên nền tảng công nghệ thông tin ở Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, chỉ vài ngày sau, các em học sinh đã bẻ gãy hết tai nghe. Nếu là nhà nước đầu tư, thì có khi vài tháng chưa thay được, bởi rất nhiều thủ tục cần hoàn tất.
Thế nhưng, do phòng Lab là DTT đầu tư, nên chỉ 2 ngày sau chúng tôi đã thay toàn bộ hệ thống tai nghe với giá 35 triệu đồng, mà không ảnh hưởng tới hoạt động của nhà trường. Điểm khác biệt chính là mô hình PPP – hợp tác công tư sẽ bắt các nhà cung cấp và nhà trường hướng đến chất lượng của kết quả cuối của học sinh, thay vì chỉ trang bị đầu vào là thiết bị.
Trong xã hội thay đổi từng ngày như thế này, phương pháp tư duy cũng liên tục thay đổi. Trước đây, có 2 loại tư duy, là tư duy logic và tư duy xã hội. Giờ phải là tư duy phản biện, tư duy phê phán kết hợp với công cụ giải quyết vấn đề là công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Giờ chúng ta đã giải quyết nhiều vấn đề ngày thường bằng cách đặt các câu hỏi sử dụng google để trả lời, sau này con cháu chúng ta sẽ sử dụng robot. Chúng ta cần đầu tư để thế hệ tương lai sẵn sàng cho việc này, đây là phương pháp tư duy sử dụng công nghệ thông tin (computational thinking) mà Viện Hàn lâm khoa học Mỹ mới đây đã khuyến nghị, nó cũng là một phần qua trọng trọng của Kỹ năng học tập thế kỷ 21 mà chúng tôi đang nỗ lực triển khai.
Ông Đào Việt Dũng, cán bộ cao cấp quản lý khu vực công của ADB: Nước ta đầu tư công cho giáo dục với một lượng dân số tương đối lớn, do đó dù có dành ưu tiên ngân sách cũng không thể đầu tư hết được, vì lượng đầu tư cho giáo dục vô cùng lớn và yêu cầu cho công dân toàn cầu trong tương lai liên tục đa dạng hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý với mô hình PPP, tức giáo dục công – tư kết hợp đặc biệt để đầu tư cho giáo dục trên nền tảng công nghệ và công nghệ thông tin. Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Ngày 25-10 vừa rồi, ADB đã chuẩn bị cho khoản vay để khuyến khích PPP trong giáo dục, y tế. Tôi muốn khẳng định rằng, PPP trong giáo dục là con đường tất yếu.
TS. Phạm Phương Luyện: Các đại biểu trong hội thảo đều thắc mắc việc đào tạo giáo viên. Theo tôi, trước mắt cần tuyển giáo viên từ các trường. Liên doanh DTT – Eduspec dạy thêm về chuyên môn. Làm cách đó ở mức độ nhỏ thì đạt được.
Nhưng mô hình này nhân lên thì phải có sự hỗ trợ lớn về tiền, cơ sở vật chất và đặc biệt khó là đào tạo giáo viên. Chúng ta rất cần những doanh nghiệp có Tầm – Tâm - Tiền. Chỉ có họ mới làm được. Trước mắt là phải làm thí điểm, sau có điều kiện thì mới nhân rộng theo kiểu vết dầu loang, chứ phổ cập ngay là điều không thể.
Bà Ferrer, Hiệu trưởng trường San Beda, Tổng thư ký hiệp hội các trường công giáo (Philippines): Rất nhiều người hỏi chúng tôi rằng, vì sao chỉ trong 1 năm, mà chúng tôi phát triển mô hình đào tạo robotics được tới hàng ngàn học sinh và sắp tới là 1.300 trường. Chúng tôi xin trả lời rằng, vì chúng tôi tin ở mô hình này và tiến hành quảng bá rất mạnh mẽ.
Bà Ferrer |
Chúng tôi không chỉ giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà giới thiệu đến từng trường học, đến các hiệu trưởng về kỹ năng học tập thế kỷ 21. Chính phủ Philippines cũng nhận thấy sự quan trọng của môn học này nên khuyến khích các trường sử dụng PPP để đưa môn học này vào đào tạo. Ở nước chúng tôi, học sinh được học robotics từ tiểu học đến phổ thông trung học.
TS. Margani, nguyên phó chủ tịch TP. Jakarta, Indonesia, phụ trách giáo dục thành phố: PPP có mang lại lợi nhuận không? Tư nhân phải có lợi nhuận mới làm. Nhưng đầu tư giáo dục phải có kết quả thì mới có lợi nhuận. Đầu tư để kiếm lợi nhuận, dù là giáo dục cũng không có gì xấu hổ. Họ có lợi nhuận thì họ có đóng góp cho xã hội. Mô hình PPP đạt lợi nhuận một cách tự hào, chứ không phải xấu hổ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm: Cho đến giờ này, Trường Đoàn Thị Điểm đã triển khai cả 3 mô hình học tập trên nền công nghệ thông tin, đó là môn tiếng Anh, công nghệ thông tin và robotics.
Chúng tôi đề cao vai trò của DTT. DTT đã đưa ra giải pháp để chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cũng là trường đầu tiên ở Việt Nam có phòng Lab dạy tiếng Anh và dạy công nghệ thông tin bằng tiếng Anh.
Bà Nguyễn Thị Hiền |
Đấy là ở trường tư, còn đưa mô hình kỹ năng học tập thế kỷ 21 vào các trường công ở Việt Nam là vô cùng khó. Tôi đánh giá cao cô Hằng, hiệu trưởng trường Xuân Đỉnh, một trường công, đã đưa được mô hình này vào đào tạo. Đó là sự dũng cảm.
Ở Trung Quốc, hợp tác công – tư trong giáo dục rất cao. Họ lấy lợi nhuận của các công ty, tập đoàn để tăng cường cho giáo dục. Nước ta cần phải áp dụng mạnh hơn nữa vì đất nước ta còn nghèo. Kỹ năng học tập của thế kỷ 21 là vô cùng cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, Hà Nội: Về phía Đảng và Nhà nước thì rất quan tâm đến mô mình này. Nhưng đúng như cô Hiền nhận xét, chúng tôi thực hiện vô cùng khó. Nhận thức của phụ huynh còn chưa tới, truyền thông cho xã hội hiểu cũng chưa có gì.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng |
Chúng tôi là trường ngoại thành, vẫn là nông thôn, dân trí chưa cao, nên áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy lại càng khó hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết tâm áp dụng với mong muốn khẳng định cho xã hội hiểu kỹ năng giáo dục hiện đại là quan trọng như thế nào. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến ông Nguyễn Thế Trung, bởi không có DTT chúng tôi không thể thực hiện được.
PV
Bình luận