Không tìm thấy hồ sơ gốc
Ông Trần Văn Lanh (63 tuổi, ngư dân trú tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có đơn phản ánh đến Báo điện tử VTC News cho rằng UBND xã Hoằng Trường thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của ông không đúng quy định pháp luật.
Theo đơn, năm 1983, ông cùng gia đình khai hoang mảnh đất sát biển thuộc địa phận thôn Giang Sơn để trồng cây lâu năm nhằm cải thiện đời sống.
Năm 1995, ông được UBND huyện Hoằng Hóa cấp GCN đối với mảnh đất nêu trên với diện tích 2,03 ha, mục đích để trồng rừng, thời hạn sử dụng 50 năm (thửa số 03, tờ bản đồ số 01).
Cuối năm 2002, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường và cán bộ địa chính xuống nhà đề nghị ông Lanh cho mượn GCN để đối chiếu, rà soát diện tích đất, nhằm lập phương án cho một công ty thuê nuôi tôm công nghiệp. Sau nhiều lần từ chối, ông đã đồng ý.
Thời gian dài sau đó, ông Lanh nhiều lần lên UBND xã để “đòi” lại GCN nhưng không thành. Đến tháng 1/2019, ông được chính quyền địa phương mời làm việc với nội dung thu hồi mảnh đất 2,03 ha để làm khu du lịch.
Trong buổi làm việc, UBND xã cho biết mảnh đất của ông không có tên trong bản đồ địa chính từ năm 2003-2011 và thuộc quyền sử dụng của xã chứ không phải gia đình ông.
Không đồng tình, ông Lanh làm đơn gửi các cơ quan chức năng, cho rằng mảnh đất 2,03 ha là thuộc sở hữu của gia đình vì đã được cấp GCN hợp pháp.
Đáng chú ý, ông Lanh cung cấp một GCN bản photo cùng rất nhiều phiếu thu lệ phí đất lâm nghiệp hằng năm đối với mảnh đất 2,03 ha. Theo lý giải, vì bản gốc GCN đã nộp cho UBND xã nên ông chỉ còn bản photo này.
Vừa qua, hàng loạt cơ quan như Đoàn ĐBQH, Ban Nội chính, UBND tỉnh Thanh Hóa… đã chuyển đơn, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Lanh.
Trả lời về vụ việc, UBND huyện Hoằng Hóa cho biết mảnh đất mà gia đình ông Lanh canh tác vốn là một phần của thửa đất số 10, tờ số 05 (bản đồ địa chính năm 1996) và tương ứng với thửa số 666, tờ bản đồ số 04 (bản đồ 299/Ttg năm 1988).
Chủ sử dụng của thửa đất này là UBND xã Hoằng Trường. Năm 1993, xã phân chia hơn 2 ha thuộc thửa đất cho ông Lanh để trồng cây lấy củi.
Năm 2003 và 2012, khi triển khai dự án nuôi tôm rồi sau này là khu du lịch, các công ty đã chi trả bồi thường về đất cho UBND xã và bồi thường cây trồng trên đất cho gia đình ông Lanh. Hiện nay, mảnh đất đã được nhà nước cho thuê để thực hiện dự án khu du lịch.
Đối với GCN bản photo mà ông Lanh cung cấp, UBND huyện xác định không có hồ sơ cấp GCN đất rừng trồng đứng tên ông Lanh vào năm 1995; hồ sơ quản lý đất đai tại xã cũng không thể hiện ông Lanh có 2,03 ha đất rừng trồng ở vị trí trên.
Đặc biệt, vị trí đất (thửa số 03, tờ bản đồ số 01) trong GCN photo trên thực địa lại là một thửa đất nằm tại thôn khác, chứ không phải mảnh đất mà gia đình ông canh tác bấy lâu nay.
Hiện tại, mảnh đất có tên trong GCN photo đã được huyện giao đất ở và đất nông nghiệp cho các hộ dân sử dụng ổn định từ nhiều năm.
Về việc xã “mượn” GCN nhưng không trả lại, qua làm việc, cán bộ địa chính của xã phủ nhận. Ông Lanh cũng không cung cấp được giấy tờ thể hiện vị cán bộ kia nhận GCN của mình. Do đó, thông tin phản ánh là chưa có cơ sở.
‘Sổ đỏ’ photo là đúng hay sai?
Một nút thắt lớn trong vụ việc này là GCN bản photo mà ông Lanh đưa ra đúng hay sai, đến nay vẫn chưa thể lý giải, bởi nếu đúng thì gia đình ông sẽ được bồi thường theo diện tích đất đã được cấp trong GCN.
Trả lời PV, ông Lanh cho hay từ khi được cấp GCN, hàng năm ông đều nộp lệ phí, thuế lâm nghiệp quy ra tiền chứ không phải cấp đất trồng cây lấy củi.
Năm 2003, khi thực hiện giao đất cho công ty nuôi tôm, UBND xã Hoằng Trường yêu cầu ông mang trích lục đất lên để nhận tiền đền bù cây trồng trên đất đối với diện tích 2,03 ha. Ông vẫn còn giữ được giấy mời này, nên việc cho rằng không có hồ sơ thể hiện mảnh đất của ông là không hợp lý.
Đặc biệt, thời điểm 1995, ngoài ông Lanh thì một số gia đình liền kề cũng được cấp giấy GCN (cùng ngày, cùng số vào sổ, cùng một người đại diện UBND ký). Đến nay, họ vẫn có GCN bản gốc.
Ông cho rằng ngoài phần đền bù cây cối thì gia đình phải được bồi thường về đất đối với diện tích 2,03 ha nêu trên.
Thông tin thêm, ông Lê Phạm Lai, Bí thư xã Hoằng Trường, xác nhận ông là người ký giấy mời ông Lanh, nhưng là mời để lên làm việc với cơ quan chuyên môn của huyện về việc thu hồi đất cho dự án nuôi tôm, chứ không thu trích lục đất.
Đáng chú ý, theo ông Lai, năm 1995, một số hộ dân tại thôn Giang Sơn được cấp GCN, nhưng vị trí đất trong GCN lại bị cấp sai so với thực địa. Nghĩa là người dân canh tác một nơi và được cấp GCN cho một vị trí đất khác.
Ông Lai thừa nhận gia đình ông Lanh được giao quản lý và canh tác nhiều năm tại diện tích đất hơn 2,03 ha, nhưng cho rằng đất này không thuộc sở hữu của gia đình ông Lanh.
Trong khi đó, đại diện Phòng TN&MT huyện Hoằng Hóa cho biết do không có hồ sơ gốc nên tới nay cơ quan này chưa thể xác định GCN bản photo mà ông Lanh cung cấp là đúng hay sai.
Video: UBND xã ở Hưng Yên thu hồi đất của gia đình liệt sĩ gây bức xúc
Bình luận