"Đến hẹn lại lên", cứ tới Tết, các quán hàng rong thoải mái "chặt chém". Một bát bún riêu được hét giá từ 50.000 tới 100.000 đồng. Nhưng đáng kể nhất lại chính là việc người dân Hà thành vui vẻ "ăn Tết" bên cạnh núi rác.
Bún riêu 100.000 đồng
Vào những ngày Tết, đa số các cửa hàng, hàng quán đều đã nghỉ ngơi sau 1 năm trời kinh doanh. Nhưng để đáp ứng nhu cầu ăn uống mua sắm ngày càng tăng trong dịp Tết, một số hàng quán vẫn bán xuyên Tết không nghỉ. Thậm chí, có một số quán kinh doanh theo kiều “mỳ ăn liền”, tức là chỉ kinh doanh vào 7 ngày Tết, kéo dài từ sáng 30 cho đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng, Âm lịch.
Trong tất cả các dịch vụ kinh doanh xuyên Tết, đông nhất chắc có lẽ là các gánh hàng bún riêu vỉa hè. Sở dĩ, ngày Tết có rất nhiều quán bún riêu vỉa hè xuất hiện là do người dân đã quá ngấy với bữa cơm quá nhiều thịt cá, bánh chưng,…. nên họ rất thèm vị chua chua của dấm gạo để tái tạo lại hương vị, tạo cảm giác thèm ăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo điện tử VTC News, một bát bún riêu ốc có giá rẻ nhất trong thời điểm này không dưới 50.000 đồng. Còn đối với bát bún riêu thập cẩm với đầy đủ giò, thịt, đậu, giá 1 bát lên tới 100.000 đồng.
Để nếm trải cảnh “chặt chém” ngày Tết, phóng viên đã thử đánh liều gọi một bát bún riêu - ốc ở ngay đầu phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Bên trong bát bún riêu chỉ lèo tèo vài cọng bún, với vài con ốc cùng vài lát cua đang vữa ra. Khi thanh toán, chúng tôi đã phải bàng hoàng khi được thông báo giá 70.000 đồng cho một bán bún riêu ngày Tết.
Đem câu hỏi tại sao một bát bún riêu bình thường như vậy lại có giá “khủng” như vậy, cô Thanh, một chủ quán bún riêu cho biết: “Ngày Tết cái gì nó chẳng đắt”. Thậm chí, người phụ nữ này còn nạt nộ: “Chê đắt thì đi chỗ khác mà ăn, ở đâu cũng có giá thế thôi”.
Cửa hàng của cô Thanh được mở cửa từ 29 Tết Âm lịch. Mỗi ngày cô Thanh có thể bán được 100 bát với giá trung bình từ 50.000 – 100.000 đồng. Vị chi một ngày tại cửa hàng này, cô Thanh có thể kiếm được khoảng 5 triệu tới 10 triệu đồng. Sau một tuần kinh doanh, cô Thanh có thể kiếm được ít nhất là 50 triệu đồng.
Ngoài ra, cô Thanh còn chia sẻ, hầu hết những người bán bún riêu rong trên phố Khâm Thiên chỉ là bán thời vụ, tranh thủ những ngày Tết để kiếm thêm thu nhập. Hết Tết họ trở lại với công việc cũ, người là công nhân về hưu, ở nhà làm nội trợ, người bán nước, người buôn hoa,….Tất cả đồ dùng, bát đĩa, các hộ kinh doanh bún riêu “mỳ ăn liên” mượn lại từ người quen theo diện cho mượn hoặc đi thuê có tính phí.
Nhiều khách hàng biết khi ăn uống vỉa hè trong những ngày này đồng nghĩa với việc bị “chặt chém” nhưng dường như chẳng có mấy ai bận tâm về cái giá trên trời của chúng.
Ông Minh, một thực khách nói: “Trước khi ăn thì nên hỏi giá, nếu đắt quá thì thôi còn vừa phải thì ăn. Tuy nhiên, ngày Tết chuyện chặt chém, đắt đỏ là điều khó tránh khỏi. Dù biết là đắt nhưng vẫn phải chấp nhận vì cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn”.
Ăn cạnh bãi rác mà vẫn tấm tắc khen ngon
Dọc theo tuyến đường Khâm Thiên, rất nhiều hàng bún riêu mọc lên nhờ Tết Nguyên Đán. Các cửa hàng này đều có đặc điểm chung là chỉ bán duy nhất 1 tuần nghỉ Tết để tha hồ mà chặt chém, hét giá.
Ở ngay đoạn đầu phố Khâm Thiên, đoạn ngõ Nhà Dầu, có một vài quán bún riêu vỉa hè nằm cạnh một núi rác. Một bên là một núi rác đang bốc mùi xú uế, hôi thối được tao lên từ ti tỉ các loại rác thải khác nhau đang bốc lên nồng nặc, một bên là nồi canh bún đang tỏa mùi thơm nhưng người bán không hề che chắn, hay bảo quản đồ ăn nấu chín, mặc kệ ruồi muỗi bay vo ve trước mặt khách hàng.
Thậm chí, chậu rửa bát còn được xếp cạnh thùng rác, bát đũa dù bẩn hay sạch cũng đều trộn lẫn với nhau. Thi thoảng lại có người dân ném túi rác ra bãi, làm tung tóe rác thải bên trong văng vào đống bát đã được rửa sạch sẽ.
Tuy vừa bẩn vừa đắt nhưng các quán ăn vỉa hè này lúc nào cũng đông khách, đặc biệt là vào khoảng thời gian đêm muộn. Có thời điểm, khách hàng còn không có chỗ ngồi để ăn.
Anh Hoàng, một thực khách vãng lai ăn tại đây thậm chí còn khen ngon: “Tết năm nào mình cũng ra đây ăn để thay đổi khẩu vị một chút. Tiếc rằng, cô chỉ bán Tết thôi nhưng lúc nào cũng nhớ” (?!).
Cô Lê Thị Mỹ Hạnh, một hộ dân sống ở ngay sát quán ăn vỉa hè cạnh bãi rác cho biết: “Mấy hàng đó bẩn mà chặt chém ghê lắm, chỉ bán cho khách vãng lai thôi chứ người dân ở quanh đây mấy khi ăn đâu”.
Bất chấp mọi cố gắng của Bộ Y tế trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết, các quán ăn kiểu “mỳ ăn liền” như thế cần tuân thủ điều tối thiểu là vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Bất chấp bát bún riêu đắt như vàng, thậm chí phải ngồi ăn cạnh bãi rác đang bốc đủ thứ mùi hôi thối, vậy mà vẫn có khách hàng khen ngon. Đó là điều thực sự kỳ lạ.
Clip: Sự thật đằng sau những ly chè thơm ngon
Bình luận