Đổi sức khoẻ lấy áo cơm
Ngôi làng mà chúng tôi nói đến là Ngư Mỹ Thạnh, ở vùng bờ phá Tam Giang (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Với nguồn lợi hải sản dồi dào, người dân làng Ngư Mỹ Thạnh chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt. Đáng nói, bà con ngư dân ở làng Ngư Mỹ Thạnh đều tự tay làm các công cụ phục vụ đánh bắt vì cho rằng các công cụ này sẽ bền và mang lại hiệu quả cao hơn.
“Trên thị trường có bán ngư lưới cụ phong phú, đa dạng. Lưới kết chì cũng sẵn nhưng được sản xuất bằng máy, làm đại trà nên chất lượng không cao. Vì thế, dân làng không dùng, tất cả lưới được dân làng làm thủ công nhưng chất lượng bảo đảm về độ bền, chắc, tuổi thọ cao gấp đôi so với lưới kết chì bằng máy”, ông Phan Ty, trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh chia sẻ.
Để có một dây lưới đánh cá ưng ý, người dân làng Ngư Mỹ Thạnh lên chợ huyện để mua lưới rồi tự đan thành dây. Họ cũng tự tay làm các công đoạn ghép lưới, đính phao và công việc quan trọng nhất là ngậm và dùng sức của hàm răng để đính chì vào những mảnh lưới. Theo một ngư dân ở Ngư Mỹ Thạnh, bình quân mỗi năm, một người đan lưới ở làng này phải ngậm qua hàng tạ chì trong miệng.
Dù biết việc ngậm chì để đính vào các mảnh lưới như vậy ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng vì miếng cơm manh áo, người dân làng Ngư Mỹ Thạnh vẫn kiên trì bám nghề.
"Biết là khổ vậy, nhưng vì miếng cơm manh áo, không thể không làm chú ơi...", một ngư dân ở làng Ngư Mỹ Thạnh ngậm ngùi.
Cả làng ngại cười vì...răng xấu
Về làng Ngư Mỹ Thạnh không khó để bắt gặp hình ảnh những người ngư dân đang tỉ mẩn đan lưới, miệng ngậm những mảnh chì và dùng răng gắn chúng vào triêng lưới (dây lưới - PV).
Vừa ngậm chì vừa đính lưới, ông Trần Khoai, một ngư dân ở làng Ngư Mỹ Thạnh chia sẻ: "Tui biết tự làm lưới từ khi còn nhỏ, muốn có một tấm lưới tốt, hợp với mực nước thì phải tự mình gắn chì mới chuẩn. Một đoạn lưới dài 30 mét thì tui phải gắn hàng nghìn mảnh chì. Và phải gắn bằng miệng chứ không có một dụng cụ nào làm tốt hơn".
Nghề vất lả là vậy nhưng không phải ai cũng có thể làm tốt và hoàn hảo. Một ngư dân có kinh nghiệm ngậm chì ở làng Ngư Mỹ Thạnh cho biết: “Việc gắn chì bằng miệng này thì ở độ tuổi 20 – 30 là làm tốt và hiệu quả nhất. Chứ tuổi như tôi bây giờ răng lung lay và rụng gần hết rồi, gắn cho vui thôi chứ không chắc chì”.
Người dân làng Ngư Mỹ Thạnh cho rằng với nghề “ngậm chì”, người dân nơi đây phải đánh đổi bằng hàm răng và nụ cười. Nhiều người dân làng Ngư Mỹ Thạnh mới 40 - 50 tuổi nhưng răng đã hỏng gần hết.
Ở làng Ngư Mỹ Thạnh, đàn ông đảm đương công việc nặng nhọc như đi biển, đi phá đánh bắt cá tôm, còn đàn bà đa số ở nhà ngậm chì, kết lưới, câu phao. Việc ngậm chì khiến răng của những người phụ nữ này bị thâm đen xấu xí, đôi môi cũng tím tái kém duyên. Bởi thế, những người làm nghề “ngậm chì” ở đây rất ít khi cười. Họ thậm chí không dám nhìn trực diện vào mặt người khác khi nói chuyện.
Những người trẻ tuổi ở làng Ngư Mỹ Thạnh cũng không tránh khỏi điều này bởi đa số họ đều làm nghề này từ nhỏ. Những hàm răng đen ố, không còn nguyên vẹn là đặc điểm dễ dàng nhận thấy của những ngư dân nơi đây. Thành ra, khi tiếp xúc với mọi người, họ thường chỉ cười mỉm để giấu đi khiếm khuyết về hàm răng của mình.
Video: Kỳ lạ ngôi làng chỉ toàn người già ở Thái Bình
Bình luận