Thời gian đầu, người ta bán tín, bán nghi là xóm Đầu (xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị “động long mạch” mà nguyên nhân chính là việc thay đổi hướng miếu.
Ngôi miếu đầu xóm một thời gian bị "vấy tội" là nguyên nhân khiến trâu bò, gia súc bốn chân trong làng lăn ra chết, vì động long mạch!
Số là, khi người dân trong xóm làm ăn khấm khá, mới họp nhau để xây lại miếu của xóm cho khang trang, đồng thời chuyển hướng nhìn ra đường cái. Thời điểm miếu xây xong trùng với thời điểm xảy ra hiện tượng gia súc chết không có lý do nêu trên, nên “ nguyên nhân” của mọi tai ách được chỉ ra là “chạm long mạch”! Người dân lại gom tiền, gom của để mời thầy cúng về để cúng giải hạn.
Đàn tế được lập ra, thầy cúng chặt đầu hai con chó mực vứt xuống giếng gần miếu thờ để “yểm”. Thế mà, đâu vẫn hoàn đấy. Lời hứa của thầy cúng: “ba năm sau mới lấy tiền, không hết không lấy tiền” còn chưa hết “hiệu lực”, đàn gia súc lại lăn ra chết nhiều hơn.
Chúng đều chung một biểu hiện: nổi điên, kêu la ầm ĩ, chạy toán loạn, sùi bọt mép rồi chết ngay tức khắc… Chết đến cạn kiệt cả con giống, chỉ trừ loài hai chân như ngan, gà, vịt và hai loài bốn chân duy nhất là… chuột và mèo. Ông thầy cúng cũng không thấy trở lại xóm… lấy tiền công.
Nhưng, một điều lạ lùng khác là trong 34 hộ dân xóm Đầu, gia đình anh Nguyễn Văn Tâm là hộ duy nhất nằm ngoài vùng tai ách. Trong khi hàng xóm của anh cứ cách hai tháng lại có thịt chó, thịt lợn mang cho, đến nỗi, nhà ai ngày nào mang thịt con gì cho nhà anh, anh nhớ rõ hơn những con vật mà anh nuôi trong vườn, trong chuồng.
Một người dân đang vớt bèo về nuôi lợn - hạnh phúc giản dị mà 10 năm liền người dân xóm Đầu mới lại có được. |
Người lại bảo, anh năng nổ, đi đầu và thành tâm, nên được “ngài” giúp. Trong khi người dân xóm Đầu cứ miên man trong cơn mê để tìm lời giải thích cho tai vạ nhà mình thì đàn gia súc nhà anh Tâm vẫn lớn như thổi, khoẻ mạnh và sinh đàn, sinh lũ trong chuồng!
Cách xóm Đầu một con đường xóm rộng 1,5 mét, các xóm khác như xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Đông, chuyện gia súc “đột tử” là một hiện tượng… xa lạ. Cùng một xã, một vùng nên cách chăn thả, kinh nghiệm nuôi, chăm sóc, nguồn nước… của các xóm trên chẳng có gì khác biệt; bèo, muống nuôi lợn cũng lấy từ cùng một cái ao…, thế nên “cái sự lạ” của xóm Đầu càng thêm màu sắc huyền bí.
Lập đàn tế không xong, mời thầy cũng không được, việc nhà nông không có con trâu, con bò kéo cày không làm được. Người xóm đầu “linh hoạt” đi mượn trâu, bò của người xóm khác về cày, bừa. Lạ lùng hơn, ngoài đồng ruộng, chúng kéo cày phăm phăm, thế nhưng khi buộc vào chuồng của xóm, chúng lại “quỵ gối” chết không lý do.
Một tiền gà, ba tiền thóc, xóm Đầu lại “kéo cày trả nợ”. Người xóm khác cũng không dám cho xóm Đầu mượn trâu, mượn bò nữa. Xóm Đầu “miễn cưỡng” phải “cơ giới hoá” trong nông nghiệp. Không ai còn dám để trâu, bò trong nhà. 10 năm liền, những “cái lạ” lại tiếp tục xuất hiện…
Không còn hiếm để bắt gặp những con trâu, con bò ở xóm Đầu, thôn Sơn Quả nữa... |
Theo lời kể của anh Lần, 9 con chó lăn quay chết không lý do. Rồi thành lệ, trong xóm cứ có giỗ chạp, ma chay, hiếu hỉ thì y như rằng trở thành “ ngày giỗ” của loài bốn chân. Đến nỗi, hễ có ngày trọng đại, người xóm Đầu lại chuẩn bị dao thớt để giải quyết “hậu quả” được báo trước!
Mấy hộ dân xóm Đầu chuyển sang xóm khác sinh sống “tai vạ” lại theo họ sang xóm mới. Thành thử, chuyện vãn bên ấm trà của người xóm Đầu, bao giờ cũng là những câu chuyện nhà này, nhà kia chết con gì. Người xóm Đầu “được tiếng” không có “tay” chăn nuôi!
Cực chẳng đã, xóm Đầu phá bỏ ngôi miếu vừa mới xây, trả lại hiện trạng cũ, hướng cũ nhìn ra cánh đồng. Ngôi miếu nhỏ bé trở lại như cũ. Những tưởng, thế là yên tâm, gia súc sẽ không chết, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Xóm Đầu lại “ buồn chân, buồn tay” vì “nhàn cư” những lúc hết mùa vụ!
Theo VNN
Bình luận