Theo Daily Mail, Arianna Kent, 21 tuổi, bị mắc chứng bệnh mề đay lạnh. Cơ thể Arianna có thể nổi mề đay ngứa ngáy và nóng rát nếu tiếp xúc với nhiệt độ thấp. Cô còn có thể bị sốc do quá mẫn khi nhiệt độ giảm quá nhiều.
Ở thời điểm bệnh nặng nhất, cô từng phải nhập viện ba lần trong một tháng do các triệu chứng quá nghiêm trọng.
Arianna sống ở Edmonton, Canada. Đây là khu vực mà nhiệt độ có thể xuống đến -40°C. Cô luôn phải hết sức cẩn thận khi làm những việc thường ngày. Khi trời lạnh, cô không dám ra khỏi nhà quá 5 phút và phải kiêng hết mọi hoạt động vào mùa đông.
Các triệu chứng bệnh của Arianna cũng xuất hiện cả vào mùa hè. Da cô sẽ phát ban, mỗi khi nhiệt độ biến đổi đột ngột. Kể cả trong thời tiết 30 độ C, một cơn gió mát hoặc việc nhảy xuống bể bơi cũng có thể khiến cô bị nổi mẩn. Cô cũng không thể dùng điều hòa, ăn uống đồ lạnh, thậm chí là cầm một cốc nước lạnh.
"Tôi có thể tránh bể bơi hoặc đồ uống lạnh, nhưng không thể biết khi nào trời mưa hay chuyển lạnh", Arianna chia sẻ.
Các phản ứng của căn bệnh này diễn ra rất từ từ. Đầu tiên, các nốt phát ban nhỏ xuất hiện ở cánh tay. Sau đó chúng to lên và lan rộng. Đôi khi, cô như bị sưng tấy toàn thân. Khi cơ thể có phản ứng nghiêm trọng, cô thường có cảm giác nóng rát ở nửa thân trên, lan lên cổ, rồi lên mặt. Nếu nặng hơn, cô sẽ cảm thấy khó thở.
Nếu có các phản ứng nhẹ, Arianna phải làm ấm cơ thể dần dần bằng cách mặc thêm đồ. Nếu phản ứng quá nặng và phải nhập viện, cô thường được tiêm thuốc Epinephin và truyền dịch ấm.
Arianna bị phản ứng lần đầu năm 14 tuổi, khi cô nổi mề đay và khó thở trong lúc dọn tuyết. Ban đầu, cô tưởng mình dị ứng thức ăn. Nhưng sau khi tìm hiểu, cô có câu trả lời.
Theo Tổ chức Quốc gia về Bệnh hiếm gặp, mề đay lạnh chiếm khoảng 1/3 trong tổng số các trường hợp mắc bệnh mề đay. Thống kê của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia, cứ 5 người lại có một người mắc chứng mề đay ở một thời điểm nào đó.
Nguyên nhân chính xác gây ra chứng mề đay lạnh vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, nó hiếm khi đi kèm với các bệnh về máu hay bệnh truyền nhiễm, và không phải là bệnh di truyền.
Do đây là một căn bệnh lạ, nhiều người không tin là có bệnh này, kể cả khi Arianna gặp những phản ứng nghiêm trọng. Thậm chí ngay cả khi nhập viện, một số người có chuyên môn cũng không hề biết đến bệnh này. Chính vì thế, cô luôn phải đem theo bút tiêm tự động Epipen phòng khi bị sốc do quá mẫn và không được cấp cứu kịp thời.
Đến nay, Arianna đã giảm tần suất nhập viện xuống chỉ còn 1/3. Cô cho rằng việc này có được là do cô thay đổi chế độ ăn uống, giảm bớt những thực phẩm có chứa histamin, một chất kích thích hệ miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm này gồm pho mát, sữa chua, kem, dưa muối, dứa và thịt lên men.
Bình luận