• Zalo

Kỳ lạ bào thai 'phát triển' trong bụng xác ướp 2.000 năm tuổi

Khám pháThứ Tư, 05/01/2022 10:31:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Bào thai trong xác ướp người phụ nữ Ai Cập cổ đại được bảo quản suốt thời gian dài nhờ quá trình hóa học bất thường.

Hồi tháng 4/2021, xác ướp thời Ai Cập cổ đại của phụ nữ mang thai được tìm thấy trong kho hiện vật của Bảo tàng Quốc gia ở Warsaw (Ba Lan). Theo các nhà nghiên cứu, thai phụ chết cách đây 2.000 năm trong độ tuổi 20-30 tuổi. Kích thước hộp sọ của thai nhi cho thấy tuổi thai từ 26 đến 28 tuần.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện xác ướp của một thai phụ và thu được hình ảnh X-quang của thai nhi. 

Ở thời điểm đó, Tiến sĩ Wojciech Ejsmond, tác giả chính từ Học viện Khoa học Ba Lan cho biết cần phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. 

Kỳ lạ bào thai 'phát triển' trong bụng xác ướp 2.000 năm tuổi - 1

Ảnh quét bào thai. (Ảnh: Journal of Archaeological Science)

Trong công bố mới đây, ông Ejsmond và các cộng sự cho biết phần bào thai được bảo quản suốt thời gian dài là do một quá trình hóa học bất thường. 

Theo đó, để làm khô xác chết của người phụ nữ, những người ướp xác đã dùng natron phủ lên thi thể người chết. Natron là hợp chất tự nhiên được sử dụng rộng rãi trên khắp Ai Cập, Trung Đông và Hy Lạp thời cổ đại. Loại bột này được sử dụng giống như baking-soda trong nấu ăn, y học và nông nghiệp, nhưng cũng được ứng dụng trong sản xuất thủy tinh và ướp xác.

Natron hoạt động như một chất khử trùng tự nhiên, có tác dụng hút ẩm. Nó là thành phần chính được sử dụng trong quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại. 

"Natron tạo ra axit formic và các hợp chất khác bên trong tử cung, tạo điều kiện hoàn hảo để bảo tồn thai nhi", nhóm nghiên cứu cho hay. 

Sau khi loại bỏ nội tạng và phủ lên natron, các mô cơ thể được bảo quản. Sau đó, xác ướp được bọc lại bằng bùn sông Nile khô, mùn cưa, địa y và vải khô.

Theo các nhà khoa học, do một số quá trình hóa học liên quan đến phân hủy, nên nồng độ pH bên trong cơ thể người phụ nữ chuyển từ môi trường kiềm sang môi trường có tính axit hơn. Môi trường này làm các khoáng chết bên trong xương của thai nhi bị khô đi. Theo thời gian, chúng bị khoáng hóa. 

Tiến sĩ Szilke cho biết hình ảnh quét xác ướp trên cho thấy “hộp sọ khoáng hóa” của bào thai phát triển nhanh nhất. Bàn tay và bàn chân của bào thai cũng xuất hiện trên nhưng mới chỉ ở dạng mô, chưa hình thành xương. 

Diệu Hoa(Nguồn: Ancient Origins)
Bình luận