• Zalo

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/5, kéo dài 20 ngày

Tin nhanh 24hThứ Ba, 19/04/2022 12:18:26 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 23/5 và bế mạc ngày 17/6 với tổng thời gian 20 ngày.

Sáng 19/4, tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp này sẽ khai mạc vào ngày 23/5 và bế mạc vào ngày 17/6 với tổng thời gian 20 ngày.

Về hình thức họp, theo Tổng thư ký Quốc hội, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước nên đề nghị Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tuy nhiên, ông Cường cho biết vẫn có dự phòng phương án họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp được bố trí trên cơ sở tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước, trong đó đề nghị bố trí xen kẽ việc trình bày các tờ trình, báo cáo với việc thảo luận một số luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; bố trí khoảng cách hợp lý giữa phiên thảo luận ở tổ, hội trường.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/5, kéo dài 20 ngày - 1

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội.

Đến nay, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp phục vụ kỳ họp.

Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Dự kiến phần lớn các nội dung trình Quốc hội thảo luận gồm: Các dự án, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, còn có các nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Đề án về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Giám sát chuyên đề; đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 để kịp thời phục vụ cho kỳ họp.

Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn