Hoa hậu Kỳ Duyên đang bị dư luận phản đối gay gắt về hành động hút thuốc lá và say xỉn trong quán bar. PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái có bài viết trình bày quan điểm của bà trong câu chuyện này.
PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái là một nhà phê bình nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Bà hiện là giảng viên báo chí của Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Lý luận phê bình sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Tôi thấy tiếc cho Hoa hậu Kỳ Duyên
Câu chuyện hút thuốc lá phì phèo trong một quán café Hà Nội và bức ảnh một cô gái say xỉn bị cho là Hoa hậu Kỳ Duyên đang nhận những phản ứng dữ dội từ phía dư luận.
Khi sự việc này được thông báo trên truyền thông, cảm giác đầu tiên của tôi là tiếc, rất tiếc cho Kỳ Duyên, khi cô liên tiếp bị mắc lỗi văn hóa ứng xử, trước hết với chính bản thân mình với tư cách một hoa hậu, và sau đó là với cộng đồng.
Điều tiếc nhất là việc cô nhận ra lỗi ứng xử của mình, ngay cả với bản thân, là rất muộn. Bây giờ, việc ấy đã trở nên muộn đến mức, nó không thể giải thích cho cả một hệ thống lỗi lầm ứng xử của Kỳ Duyên.
Từ khi cô đội được chiếc vương miện trên đầu, dường cô rất ít tự soi xét bản thân trong ứng xử, khi tùy tiện ngủ trong một dáng ngủ rất vô duyên, hớ hênh, thiếu ý tứ trên máy bay; khi đi làm từ thiện thì chỉ nhăm nhăm chú ý “làm màu” cho bản thân, thản nhiên đứng vươn cao mình để mẹ cúi lom khom dưới đất sửa tà váy.
Rồi cô ấy hồn nhiên đi tay không ở sân bay để mẹ đẩy xe chứa đồ đi ngay bên cạnh, đến trễ giờ họp báo, ăn mặc thiếu một gu thẩm mỹ tử tế… Những điều này đã diễn ra như một sự thực đáng buồn về ứng xử của Kỳ Duyên.
Tôi theo dõi trên truyền thông, thấy thật tiếc vì sao cô không chịu “biên tập” cách ứng xử của chính mình. Để đến bây giờ cô mới nhận lỗi cũng là điều cực chẳng đã. Cho nên, tôi thấy Kỳ Duyên nên học cách ứng xử từ dân gian: Tiên trách kỉ hậu trách nhân.
Các cuộc thi hoa hậu là nhu cầu cần thiết và xu thế tất yếu của sự phát triển vì nhân loại luôn muốn tôn vinh cái đẹp và con người của quốc gia nào cũng cần phải tự hào về nét đẹp đặc trưng của mình.
Và cái đẹp của hoa hậu quốc gia, quốc tế, đúng nghĩa nhất, phải hội tụ đầy đủ hai yêu cầu căn cơ về thẩm mỹ, phải thành một thực thể hài hòa cân đối giữa sắc đẹp ngoại hình và tâm hồn bên trong.
Quốc gia chú ý thực thi một công nghệ nhan sắc tử tế để làm được điều này thì người đẹp dễ dàng đăng quang ngôi vị cao ở quốc gia và trên trường quốc tế, còn nếu không làm được, thì khoảng cách sẽ ngày càng xa.
Việt Nam không phải là quốc gia có “lò” chuyên đào tạo hoa hậu, và việc đào tạo hoa hậu hiện nay khá là nghiệp dư, tài tử và vì “lò” nào cũng có vấn đề. Nhiều hoa hậu xuất hiện trên sân khấu của các cuộc thi “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, nói tiếng Anh kém cỏi, không chú ý sự hài hòa được nét đẹp bên ngoài với phẩm chất bên trong, thậm chí không hề chú ý đến nền tảng văn hóa ứng xử.
Người Việt vốn đề cao và coi trọng cái duyên của người phụ nữ, các cụ có câu “cái nết đánh chết cái đẹp”. Nhưng, tiếc thay nhiều hoa hậu Việt Nam không thấu hiểu điều này, suy nghĩ và hành động lệch lạc, đơn cử là hoa hậu Việt Nam 2014 Kỳ Duyên.
Đừng bao biện rằng đó là quyền cá nhân
Tôi chưa thấy một hoa hậu nào hút thuốc nơi công cộng, ngủ trên máy bay với tư thế phản cảm và hơn cả là thản nhiên để mẹ đẩy đồ, cúi xuống sửa váy như hoa hậu Kỳ Duyên. Vấn đề là cô ấy là hoa hậu, đại diện nhan sắc trong nhiệm kỳ cho cả một quốc gia, dân tộc.
Đừng bênh vực và bao biện rằng đó là quyền cá nhân vì đây là cá nhân hoa hậu và cô cần phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức hoa hậu, lành mạnh về tâm hồn và tử tế về văn hóa. Trong không gian hẹp gia đình, Kỳ Duyên có quyền làm tất cả những gì cô muốn, nhưng trước đám đông, cô phải nhận thức được rằng cô là một hoa hậu.
Những hành động của Kỳ Duyên có thể nói là đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh hiệu hoa hậu. Cô ấy không giữ được tinh thần và hào quang của vương miện ở cả hai phương diện là nội dung và hình thức.
Kỳ Duyên bị cho là chỉnh sửa gương mặt sau đăng quang, không thật tâm trong việc làm từ thiện, lại liên tiếp bị lên án bởi những hành động không đẹp chốn đông người. Vương miện của hoa hậu không cho phép người sở hữu làm điều đó. Do vậy Kỳ Duyên nên tự trao trả vương miện bằng sự khiêm tốn và lòng tự trọng của chính mình.
Hoa hậu Kỳ Duyên đăng quang năm 2014. |
Chỉ trích nhưng cần phân tích có lý, có tình
Mọi người có quyền thông cảm cho Kỳ Duyên nhưng cần phải thông cảm trên tinh thần văn hóa Việt. Đừng ai biện minh việc cô ấy còn quá trẻ nên chưa có kinh nghiệm ứng xử vì chính cái trẻ lại là một trong những yếu tố quan trọng để Kỳ Duyên đăng quang.
Và điều công chúng cần ở cô là sự trưởng thành trong tuổi trẻ chứ không phải việc thông cảm đến hết lần này đến lần khác nhưng hoa hậu vẫn không mấy tiến bộ, thậm chí còn xấu xí hơn về mặt hình ảnh.
Dư luận có thể giết chết hình ảnh của một hoa hậu nếu như người đó coi sự hớ hênh là bản chất của mình. Tất nhiên, ở trường hợp của hoa hậu Kỳ Duyên, dư luận cũng đã bắt đầu có sự a dua, ném đá không thương tiếc mà không phân tích được cái lý, cái tình, hành động nào có thể thông cảm và hành động nào thì cần lên án.
Công chúng cũng có lỗi về ứng xử khi không mạch lạc trong việc bày tỏ quan điểm và bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Nhưng một lần nữa, tôi phải khẳng định, không quan tòa nào xét xử được công chúng, công chúng có thể bày tỏ quan điểm của mình về người được cho là “người của công chúng”.
Và truyền thông tiếp tục là một chủ thể quan trọng trong việc này, truyền thông không thể “ăn theo nói leo” mà cần phải phân tích đúng sai dựa trên bản chất của vấn đề và nền tảng văn hóa ứng xử của dân tộc.
Tất nhiên, không thể lấy văn hóa phương Tây để can thiệp về chuyện này, cách ăn ở tế nhị, nói năng tinh tế, ra thưa vào gửi, công dung ngôn hạnh là đặc trưng tích cách và phẩm giá của phụ nữ Việt Nam. Và hoa hậu Việt Nam phải tuân thủ chuẩn mức của Việt Nam.
Một chủ thể khác là ban tổ chức hoa hậu Việt Nam cũng cần nhận thức bài học đắt giá sau vụ việc của Kỳ Duyên. Trước, trong và sau cuộc thi hoa hậu luôn cần phải có niêm luật, quy chế, quy định về ứng xử của hoa hậu trước cộng đồng.
Ban tổ chức phải có trách nhiệm giám sát, phản biện và nhắc nhở, uốn nắn kịp thời. Hoa hậu đi làm từ thiện vùng sâu vùng xa thì đừng để ăn mặc lộng lẫy, nước hoa sực nức.
Ban tổ chức vẫn phải là chủ thể có trách nhiệm để hình ảnh hoa hậu không bị xấu xí trong mắt công chúng, nói đúng hơn, một hoa hậu thì “đẹp đẽ phải khoe ra, xấu xa phải đậy lại”, còn nếu cái xấu xa cũng “đường hoàng” được khoe ra thì đừng làm hoa hậu nữa.
… Đạt được tình yêu không quá khó nhưng giữ được tình yêu khó lắm thay. Danh hiệu hoa hậu cũng vậy, giữ được danh hiệu vĩnh viễn khó hơn nhiều việc đội trên đầu vương miện với đầy ngọc trai, kim cương, đá quý…
Chưa đến mức phải tước vương miện của Kỳ Duyên
Trước phản ứng của dư luận cho rằng Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam phải tước vương miện của Kỳ Duyên, ông Dương Xuân Nam - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong - bày tỏ:
"Khi Kỳ Duyên đăng quang, tôi không làm trưởng ban giám khảo nữa nên không biết cụ thể vụ việc như thế nào. Nếu chỉ dựa trên những hình ảnh bị đăng tải trên mạng xã hội thì chưa đến mức phải tước vương miện".
Ông Nam cho biết thêm trước đây khi ông đảm nhận vai trò trưởng Ban tổ chức, các thí sinh lọt vòng chung kết cả nước đều phải ký một bản cam kết với 10 điều quy định chặt chẽ sau đăng quang. Trong đó, người đẹp phải giữ gìn danh tiếng, đạo đức, lời ăn tiếng nói, làm việc gì trên danh hiệu hoa hậu cũng phải báo cáo với Ban tổ chức.
"Theo quy định, ngay cả những hợp đồng quảng cáo, hoa hậu phải thông báo với Ban tổ chức để BTC tham vấn, tránh đóng những quảng cáo phản cảm" - ông Dương Xuân Nam nói.
Bình luận