Ông Hoàng xác định mạch nước ngầm chỉ mất từ 5 đến 7 phút với dụng cụ rất thô sơ đó là hai thanh sắt hình chữ L dài khoảng gần 50cm.
Về xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hỏi nhà ông Trần Huy Hoàng ai cũng biết vì hàng chục năm nay mỗi khi trời khô hạn, nguồn nước khan hiếm thì bà con trong làng và nhiều nơi khác lại tìm đến ông Hoàng mong ông giúp tìm ra mạch nước để sinh hoạt hàng ngày và phục vụ sản xuất.
Việc tìm ra mạch nước chính xác còn giúp người dân giảm bớt chi phí, tốn công sức và thời gian thay vì phải nhiều lần đào hay khoan giếng. Chính bởi cái biệt tài không phải ai cũng làm được này mà người dân gọi ông Hoàng với cái tên đầy kính phục là “Thần nước”.
Không như các nhà khoa học phải dựa vào bản đồ, phải xác định địa tầng với thời gian khá lâu mới tìm thấy mạch nước. Ông Hoàng xác định mạch nước ngầm chỉ mất từ 5 đến 7 phút với dụng cụ rất thô sơ đó là hai thanh sắt hình chữ L dài khoảng gần 50cm. Cứ đến nơi cần tìm mạch nước ông chỉ cầm thả lỏng phần đầu ngắn thanh sắt có hình chứ L đó trên đôi bàn tay mình, phần dài của thanh sắt cứ treo lủng lẳng thẳng đứng xuống mặt đất và hai thanh sắt ấy cứ dần chuyển động theo hướng có mạch nước.
Việc của ông Hoàng bây giờ chỉ là điều chỉnh người và đi theo đúng hướng mà hai thanh sắt di chuyển, cứ đi như thế đến nơi có mạch nước thì hai thanh sắt lại đứng yên không di chuyển nữa, nơi đó chính là nơi có mạch nước ngầm đang chảy.
"Thần nước” Trần Huy Hoàng biểu diễn biệt tài của mình. Ảnh: ANTĐ |
Nhìn cái cách ông làm thì rất đơn giản tưởng chừng ai cũng làm được, không ít người đã thử cầm với hai thanh sắt ấy của ông nhưng hai thanh sắt chỉ đứng yên chứ không di chuyển như trên đôi tay của ông Hoàng. Theo ông Hoàng, để có được khả năng này ông cũng phải luyện tập rất nhiều lần, khi cầm hai thanh sắt trên tay, hơi thở phải nhẹ và đều, có khi là không thở, tinh thần phải tập trung cao độ.
Ông Hoàng cho biết, ông làm quen với việc tìm mạch nước khá sớm, từ năm lên 14 tuổi ông đã theo bố mình đi tìm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình cách nhà ông không xa khi nước giếng và nước sông hồ đã cạn kiệt. Lúc ấy bố ông và nhiều người khác chỉ dùng 10 đồng tiền xu xâu vào một sợi dây, buộc sợi dây vào cổ tay còn để đồng xu rà trên mặt đất, người phải đi chân đất, nếu có nguồn nước thì đồng xu sẽ kéo về hướng đó. Với cách này gia đình ông cũng tìm ra nguồn nước nhưng phải mất thời gian rất lâu, có khi đến mấy tháng liền.
Một thời gian dài nguồn nước dồi dào không thiếu nước nên ông cũng không phải dùng đến cách đó để tìm nước nữa. Đến năm 1995 cả làng gặp đại hạn, nguồn nước khan hiếm, dựa trên việc rà đồng xu tìm nước mà bố ông làm ngày trước ông bắt đầu tự nghĩ và làm quen với cách tìm nước mới bằng hai thanh sắt.
Mới đầu ông chỉ mong tìm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình, sau đó ông cũng giúp đỡ bà con làng xóm xung quanh, tiếng lành đồn xa cái biệt tài của ông được người dân ở nhiều vùng biết đến. Mỗi khi có người tới nhờ thì ông lại hăng hái lên đường đi giúp các gia đình, các cơ quan hay các tập thể thường cho đưa xe tới tận nhà đón ông đi. Đến nay, ở cái tuổi 76, ông không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiều hộ gia đình, bao nhiêu cơ quan tìm ra mạch nước nữa, không chỉ ở địa phương hay các tỉnh lân cận mà ngay cả Hà Giang, Hòa Bình, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lâm Đồng… ông cũng đã đặt chân đến.
Đi đến đâu ông cũng được bà con nể phục bởi biệt tài của mình, ông đã từng lên tận cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang theo lời mời của lãnh đạo một khu công nghiệp khai thác thiếc để tìm nguồn nước phục vụ công nhân. Ông nhớ, trên đó nguồn nước khan hiếm lắm, công nhân cả khu công nghiệp thường lấy bạt trải giữa đất để hứng tận dụng nước mưa để dùng qua ngày, ngay khi ông lên tới nơi nhiều mạch nước ngầm đã được tìm thấy, người ta bắt đầu khoan giếng và công nhân khu công nghiệp thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Hay năm 2012 ông còn được thủ trưởng cả đơn vị bộ đội X9 51 lúc đó là ông Đỗ Như Thủy mời lên Hòa Bình tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho bộ đội, chiến sỹ. Trước đó đơn vị này cũng đã nhờ đến khoan địa chất, chụp ảnh vệ tinh để xác định nguồn nước để đào giếng nhưng vẫn không có kết quả. Không ngại đường sá xa xôi lên tới nơi ông đã giúp đơn vị bộ đội tìm được 3 mạch nước phục vụ sinh hoạt cho toàn đơn vị.
Gần đây nhất vào tháng 3/2013 ông đã có chuyến đi vào tận Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tại đây ông cũng đã giúp hàng chục hộ gia đình tìm ra nhiều mạch nước ngầm đề đào giếng phục vụ cho việc tưới hàng ngàn ha cây thanh long vốn trồng để xuất khẩu ra nước ngoài đã gần đến mùa thu hoạch mà lại thiếu nước để tưới do trời nắng nóng kéo dài.
Ông Hoàng cho biết, cách đây mấy năm trước có hai nhà khoa học ở Hà Nội về tận nhà gặp để tìm hiểu khả năng đặc biệt của ông. Khi được tận mắt chứng kiến thấy ông tìm nước giúp dân họ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách làm đơn giản của ông nhưng rồi họ cũng chưa đưa ra lời giải thích nào về khả năng này của ông Hoàng. Còn theo ông Hoàng, không tự nhận mình là một người có khả năng khác thường hơn người khác mà ông luôn cho rằng mình có được khả năng này là do luyện tập và đúc rút kinh nghiệm của thế hệ trước mà nên.
Ông Hoàng cũng giải thích, mạch nước ngầm chảy dưới lòng đất, chưa qua khí trời nên có thể hút thanh sắt về theo hướng có mạch nước ngầm còn với nước ở ao hồ sông suối thì ông cũng làm tương tự nhưng thanh sắt vẫn không di chuyển. Suốt bao nhiêu năm giúp dân tìm mạch nước trăn trở lớn nhất của ông là không thể xác định được độ nông sâu khi đào để chạm mạch nước ngầm dưới lòng đất.
Không chỉ giúp dân tìm mạch nước mà ông còn giúp nhiều hộ gia đình xác định nguồn nước đang dùng có phải nước sạch chảy tự nhiên dưới lòng đất hay không. Theo ông, có nhiều hộ gia đình đã đào nhiều giếng không trúng mạch nước ngầm nhưng vẫn có nước quanh năm, nếu không có mạch nước ngầm chảy dưới lòng đất mà giếng vẫn có nước thì đó là nước rỉ ra từ xung quanh và thường là nước bẩn, nước thải của các nhà máy lân cận.
Bình luận