Hôm nay (17/4), phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử bị cáo Bùi Mạnh Giáp (36 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội) bước sang ngày xét xử thứ 2.
Bị cáo Giáp được xác định là người chủ mưu, cầm đầu vụ cướp hàng điện tử trên sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) xảy ra ngày 16/12/2012.
Tại phiên tòa sáng nay, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi đối với các nhân chứng liên quan, trong đó có anh Nguyễn Quốc Cường (SN 1989, quê Sơn La), từng là cửu vạn trong nhóm của bị cáo Bùi Mạnh Giáp.
Hai nhân chứng kêu oan
Trả lời luật sư, anh Nguyễn Quốc Cường cho biết, đêm 16/12/2012, trên đường đi bốc hàng trở về, Cường và một số anh em khác bị lực lượng biên phòng chặn lại và mời về Đồn Biên phòng Hải Hòa (Móng Cái, Quảng Ninh) làm việc. Anh Cường viết bản tường trình, với nội dung không liên quan đến vụ cướp.
Tuy nhiên, đến sáng hôm sau (17/12/2012), Cường bị đánh đập, ép cung phải ký vào biên bản và bản tường trình nhận tội và khai Bùi Mạnh Giáp là người chỉ đạo đi cướp. Trong đó có biên bản bắt quả tang do cán bộ biên phòng lập, bắt Cường ký.
Tại phiên tòa, Cường cho biết, lúc thì bị 1 người đánh, lúc thì 2-3 người đánh đập, ép Cường ký nhận tội.
Đáng chú ý, Cường cho biết người bị hại là ông Tống Ân Hoa (người Trung Quốc) ký nhận vào biên bản phạm tội quả tang nhưng từ đó đến nay, anh chưa từng gặp mặt ông Hoa.
Đối với các tang vật, phương tiện gây án như dây thừng, gậy sắt, kiếm sắt mà cán bộ biên phòng Hải Hòa thu giữ, Cường khai: “Cái này cán bộ biên phòng mang ở đâu về chúng tôi không biết”.
Anh Cường khai tại tòa, sau khi vụ án chuyển lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh thụ lý, anh khai trung thực, đúng sự việc, không tham gia vụ cướp và bị cáo Giáp cũng không chỉ đạo vụ cướp. Còn lời khai và các bản tường trình ở Đồn Biên phòng Hải Hòa là bị ép buộc ký nhận tội.
Khi chuẩn bị xét xử, một cán bộ điều tra đến trại tạm giam bảo Cường cứ nhận tội đi, tòa sẽ giảm án nên Cường nhận tội. Đến khi xét xử, Cường được giảm án từ 9 năm xuống còn 6 năm tù (thấp hơn mức khung hình phạt từ 7-15 năm tù).
Đến bây giờ, khi đã chấp hành xong án phạt tù, nhưng anh Cường vẫn day dứt vì bản thân không đi cướp mà phải chịu án oan nên sau khi ra tù, Cường đã làm đơn kêu oan, gửi lên các cơ quan Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 16/4/2019, trong phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử bị cáo Bùi Mạnh Giáp, anh Cường tiếp tục gửi đơn kêu oan đến TAND TP Móng Cái để mong sớm được minh oan.
Cũng tại phiên tòa, trả lời luật sư, nhân chứng Nguyễn Ngọc Tùng (SN 1994, quê Tuyên Quang) cho biết, có nhiều bản tường trình tại Đồn biên phòng Hải Hòa anh Tùng không thừa nhận mình đi cướp cùng với những người khác. Tuy nhiên, sau đó bị đánh đập, ép cung nên Tùng ký vào một vài biên bản thừa nhận đi cướp do cán bộ biên phòng lập sẵn bằng bản đánh máy.
Anh Tùng cũng cho biết, từ ngày xảy ra vụ cướp, Tùng chưa từng gặp người bị hại là ông Tống Ân Hoa (người Trung Quốc). Đồng thời, Tùng khẳng định bị cáo Bùi Mạnh Giáp không chỉ đạo anh Tùng cùng anh em khác đi cướp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Tùng được giảm từ 9 năm tù xuống còn 5 năm tù vì đã nhận tội. Tuy nhiên, sau khi ra tù, anh Tùng đã làm đơn kêu oan nhưng đến nay chưa được xem xét giải quyết.
“Tại phiên tòa hôm nay, tôi xin lỗi anh Giáp vì đã khai không đúng sự thật và tôi khẳng định, anh Giáp không chỉ đạo chúng tôi đi cướp” – anh Tùng nói.
Không thực nghiệm hiện trường?
Người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Giáp hỏi nhân chứng là anh Cường: "Hiện trường xảy ra vụ cướp ở khu vực đồi Cổ Ngỗng, có độ dốc 75%, cao 8m thì những người bị cáo buộc nhảy từ trên xuống dưới thuyền để cướp rồi lại vác 3 bao hàng điện tử cướp được trèo ngược lên?".
Anh Cường khẳng định, anh chỉ được cán bộ điều tra dẫn đến hiện trường chứ không thực hiện nhảy từ trên xuống cướp hàng rồi lại vác 3 bao hàng trèo ngược lên đỉnh đồi đế trốn.
Tiếp đó, người bào chữa cho bị cáo Giáp hỏi anh Cường về việc sau khi bị bắt giữ ở Đồn biên phòng Hải Hòa, anh này khai tên, địa chỉ cấp huyện, cấp tỉnh của những người bị cáo buộc là đồng phạm. Sau đó, đến cuối ngày, anh Cường lại khai chi tiết họ và tên, năm sinh, địa chỉ thôn, xã, huyện, tỉnh của các đồng phạm.
Anh Cường khẳng định điều này là vô lý vì anh ký biên bản lời khai do bị ép cung bắt ký nhận chứ anh Cường không hề biết rõ họ tên, địa chỉ chi tiết của các đồng phạm khác.
Cuối giờ sáng và đầu giờ chiều ngày xét xử thứ 2, HĐXX công bố một số bút lục, biên bản xét xử các phiên tòa trước đó theo yêu cầu của luật sư và bị cáo. Trong đó có có văn bản phản hồi của cán bộ Đồn Biên phòng Hải Hòa khẳng định không có sự đánh đập, ép cung đối với các bị cáo.
Thời gian còn lại của buổi chiều ngày xét xử thứ 2, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng.
Bình luận