• Zalo

Kỳ án 'cố ý làm nhục' ở Hưng Yên: Đề nghị hủy bản án sơ thẩm

Pháp đìnhThứ Ba, 30/06/2020 20:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 23 của Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu.

Như báo điện tử VTC News phản ánh, bà Trần Thị Thanh Hương (thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nhận được Quyết định thi hành phạt cải tạo không giam giữ và một phần Trích lục bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4/2020 của Toà án nhân dân huyện Khoái Châu.

Theo đó, bà Hương bị Toà án nhân dân huyện Khoái Châu tuyên phạt 2 năm cải tạo không giữ về tội danh “Làm nhục người khác” và khấu trừ 15% thu nhập hàng tháng để sung quỹ Nhà nước với mức 645.000 đồng/tháng trong vòng 24 tháng.

Theo nội dung bản án, bị cáo Hương và gia đình có tranh chấp quyền thừa kế sử dụng đất với bị hại Nguyễn Thị Lan (thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Ngày 23/7/2018, hai bên có xô xát. Bị cáo Hương đã có hành vi dùng tay bốc phân lợn ném vào bị hại Lan.

Tuy nhiên, điều khiến bà Hương bức xúc khi trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án, bà Hương không được tham gia hỏi cung, không được tham gia phiên toà xét xử và không nhận được bất cứ văn bản tố tụng nào từ cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Khoái Châu.

Kỳ án 'cố ý làm nhục' ở Hưng Yên: Đề nghị hủy bản án sơ thẩm - 1

 Luật sư Lê Huy Quang - Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light

Bà Hương cũng cho biết không tham gia phiên toà và cũng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nhưng Toà án nhân dân huyện Khoái Châu vẫn xét xử vắng mặt bà vào ngày 16/4/2020.

Đến ngày 04/06/2020 bà Hương có đơn kháng cáo gửi đến Toà Án nhân dân tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, Toà Án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã không chấp nhận kháng cáo của bà Hương quyền kháng cáo của bà Hương được xác định đến ngày 09/05/2020 nên đã quá hạn kháng cáo.

Không đồng tình với các quyết định trên, bà Hương tiếp tục kháng cáo lên Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Ngày 26/6/2020, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4/2020 của Toà án nhân dân huyện Khoái Châu.

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho biết, mặc dù Cơ quan điều tra đã trực tiếp đến nhà ở của Trần Thị Thanh Hương để tống đạt các quyết định tố tụng và triệu tập Trần Thị Thanh Hương đến Công an huyện Khoái Châu để thực hiện việc hỏi cung bị can nhưng Trần Thị Thanh Hương đều tỏ thái độ chống đối, không nhận bất cứ quyết định nào của cơ quan điều tra.

Song Cơ quan điều tra cũng không áp dụng biện pháp áp giải hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác để lấy lời khai của bị can, từ đó dân đến hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào như bản tự khai, trình bày, biên bản hỏi cung thể hiện lời khai của bị can Trần Thị Thanh Hương.

Mặt khác, hồ sơ vụ án không có biên bản giao kết luận điều tra cho bị can. Như vậy, cơ quan điều tra Công an huyện Khoái Châu đã không thực hiện đầy đủ về trình tự, thủ tục tổ tụng được quy định tại các Điều 109, 182, 183,184 và Điều 232 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân huyện Khoái Châu vẫn lặp lại những sai sót tương tự, như không lấy lời khai của bị can nhưng vẫn ra Cáo trạng truy tố Trần Thị Thanh Hương về tội “Làm nhục người khác”.

Mặt khác, khi bàn giao Bản cáo trạng thì Viện kiểm sát nhân dân huyện Khoái Châu cũng không lập biên bản bàn giao cáo trạng mà chỉ lập biên bản làm việc thể hiện bị can Hương kiên quyết từ chối nhận cáo trạng và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, người làm chứng.

Tuy nhiên, trong biên bản làm việc nêu trên không thể hiện đã đọc cáo trạng cho bị can Hương biết hay chưa. Như vậy, việc bàn giao cáo trạng là không chặt chẽ và không đúng quy định tại Điều 133 và Điều 240 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Mặc dù Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Khoái Châu đã tiến hành một số hoạt động điều tra vụ án nhưng chưa chặt chẽ và chưa áp dụng hết các biện pháp nghiệp vụ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự để việc điều tra đạt hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, việc điều tra chưa được thực hiện đầy đủ, việc giao nhận, tống đạt các văn bản tố tụng chưa chặt chẽ. Do đó, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm khi nhận hồ sơ vụ án cần phải trả lại hồ sơ vụ án để cơ quan điều tra thực hiện việc điều tra vụ án theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, nhưng Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu vẫn đưa vụ án ra xét xử và xét xử vắng mặt bị cáo là vi phạm về trình tự, thủ tục tố tụng được quy định tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chính vì vậy, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2010/HSST ngày 16/4/2020 của Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; Đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 23 của Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Tạm đình chỉ thi hành Bản án hình sự sơ thẩm số 23 của Tòa án Nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Luật sư Lê Huy Quang - Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light cho biết: "Nhiều sơ suất trong tố tụng đã được chỉ ra và kiến nghị bằng văn bản với TAND tỉnh Hưng Yên, VKSND tỉnh Hưng Yên cũng như trực tiếp làm việc với hai cơ quan này nhưng đều bị bỏ qua, khiến dấy lên những lo ngại về việc liệu có hay không sự bao che cho những sai sót nghiệp vụ của cơ quan tố tụng huyện Khoái Châu". 

Ngọc Vy
Bình luận