Liên quan vụ thương hiệu Con Cưng "treo đầu dê bán thịt chó" lừa người tiêu dùng Việt bằng việc cắt và thay mác nhãn hiệu, ngày 24/7, anh Trương Đình Vĩnh, người mua bộ quần áo bé gái nghi bị lỗi của Con Cưng cho biết, anh sẽ khởi kiện Con Cưng ra toà.
“Hiện tại, tôi không quan tâm đến vấn đề bồi thường, điều mà tôi quan tâm là chất lượng về sản phẩm của Con Cưng. Con Cưng đã đánh lừa niềm tin của hàng triệu người Việt, vì vậy cần phải làm rõ nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm mà Con Cưng đã nhập về và bán cho người tiêu dùng Việt.
Quy trình kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp này thực sự có được thực hiện chặt chẽ hay không? Sản phẩm đã thật sự hoàn thiện hay chưa khi đưa ra thị trường... phải kiểm tra chặt chẽ những khâu đó, vì đâu phải để xảy ra lỗi mới nói là do quy trình kiểm tra chưa chặt chẽ”, anh Vĩnh nói.
Ngoài ra, anh Vĩnh cũng thông tin, hiện phía Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã tiếp nhận đơn phản ánh của anh và đang vào cuộc kiểm tra, xử lý sự việc.
Trả lời vấn đề này, ông Lưu Anh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Con Cưng thừa nhận, bộ đồ thun bé gái mà khách hàng phản ánh thực sự bị lỗi, và lỗi của Con Cưng ở trường hợp này là không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng.
Tuy nhiên, ông Tiến lại khẳng định, sản phẩm của thương hiệu này có đầy đủ chứng nhận đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
"Về nguyên liệu và xuất xứ của lô sản phẩm bị lỗi đang bán tại hệ thống cửa hàng Con Cưng đều có toàn bộ chứng nhận sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan với 100% nguyên liệu từ Thái Lan và các nước ASEAN, được cấp bởi Sở Ngoại thương trực thuộc Bộ Thương mại Thái Lan.
Bộ đồ thun bé gái dài (mã sản phẩm: CF G127011) được bán tại hệ thống cửa hàng Con Cưng mà nam khách hàng phản ánh, sản phẩm này nằm trong lô hàng được sản xuất bởi Công Ty InternationalIncorporated (Thailand) Co., Ltd, tại Thái Lan, thông qua Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017.
Toàn bộ lô hàng theo Hợp đồng này đã được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O Mẫu D số D2017-0356082 bởi Sở Ngoại thương trực thuộc Bộ Thương mại Thái Lan. Trên chứng nhận xuất xứ cho lô hàng này nêu rõ, toàn bộ sản phẩm được sản xuất tại Thái Lan, sử dụng 100% nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan và các nước ASEAN", ông Tiến thông tin.
Ông Tiến cho biết, sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, công ty đã kiểm tra và xác nhận lỗi sản phẩm này. Sau đó, lập tức thu hồi toàn bộ 5.982 sản phẩm của lô hàng đang trưng bày tại cửa hàng. Việc thu hồi này được thực hiện trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua, bất kể những sản phẩm đó có gặp lỗi tương tự hay không.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng gửi tin nhắn đến 3.942 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới.
"Trên thực tế, lô hàng này được Con Cưng đặt sản xuất dưới thương hiệu CF (Concung Fashion) tại Thái Lan và sau khi kiểm tra theo phản ánh từ khách hàng thì sản phẩm này không đạt yêu cầu để bày bán tại Con Cưng, vì vậy Con Cưng đã thu hồi sản phẩm.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và nhận thấy lỗi của Con Cưng là đã không kiểm tra hết toàn bộ lô hàng. Vì vậy, chúng tôi ngay lập tức làm việc với nhà sản xuất để xác minh nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật nêu trên.
Chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm nội bộ và cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ để không xảy ra các sai sót tương tự. Sự việc này đã giúp chúng tôi phát hiện sai sót để đưa ra các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng mọi sản phẩm bán tại hệ thống Con Cưng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện không ngừng để mang đến những sản phẩm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phục vụ khách hàng tốt hơn", ông Tiến nói.
Sau khi tiếp nhận phản ánh, Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp cùng Cục QLTT dã thực hiện kiểm tra hàng hóa, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm tại nhiều cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM.
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy các cửa hàng này có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ của nhiều sản phẩm như chiếc áo có nhãn "Made in Thailand" nhưng trên áo không có bất cứ tem nhãn nào khác để chứng minh nguồn gốc hoặc trên sản phẩm có in mã vạch của Thái Lan nhưng khi kiểm tra lại không hiển thị thông tin.
Ngoài ra, đội QLTT cũng phát hiện một số nghi vấn về các nhãn dán có ghi công ty sản xuất được chồng lên nhau trên một số hóa mỹ phẩm. Cụ thể, bao bì kem massage bụng in "Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C", nhưng lại được dán chồng lên với thông tin ghi "Sản xuất bởi: Công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE".
Ngày 20/7, anh Trương Đình Vĩnh (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc sản phẩm quần áo trẻ em của Công ty Cổ phần Con Cưng bị cắt tem nhãn, gắn mác ngoại.
Anh Vĩnh cho biết: "Chiều 22/5, tôi đến cửa hàng Con Cưng tại số 788 Âu Cơ, phường 14 (quận Tân Bình) để mua hàng cho con với tổng giá trị hoá đơn gần 1,5 triệu đồng; trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài trị giá 329 nghìn đồng.
Tuy nhiên, khi mang sản phẩm về nhà, tôi phát hiện bộ quần áo thun dành cho bé gái mà tôi vừa mua có dấu hiệu bị cắt tem nhãn và thay thế bằng tem mác CF (Con Cưng Fashion) được ghi xuất xứ là Made in Thailand. Sợ sản phẩm mình mua đã bị cắt tem nhãn rồi thay thế, tôi đã mang sản phẩm đến cửa hàng Con Cưng và yêu cầu làm rõ sự việc".
Theo anh Vĩnh, sau khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng, Con Cưng đã thu hồi lại sản phẩm nghi bị lỗi và các sản phẩm nằm cùng lô hàng tại cửa hàng. Đồng thời, cửa hàng này cũng cam kết sẽ kiểm tra và gửi trả lại hàng bị lỗi cho nhà cung cấp.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Bình luận