Ngày 12/4/2016, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, để định hướng hoạt động cho nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố 6 trọng tâm ưu tiên và 10 nhiệm vụ cấp bách. Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN Việt Nam đến năm 2020, theo đó những cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp (tiếp cận vốn, giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp,...) được chỉ đạo triển khai cụ thể, với vai trò Nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Mặc dù, bị ảnh hưởng của sự cố môi trường ở Miền Trung, với sự cương quyết, kịp thời của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã có diễn biến khả quan, sức cầu nền kinh tế tiếp tục ổn định, xuất khẩu tăng khá, thu hút FDI tăng trưởng mạnh mẽ, tín dụng tăng trưởng tích cực, thị trường ngoại hối ổn định.
Tại khoá họp lần thứ 72 của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc từ ngày 17-19/5/2016 tại Băng-cốc, Thái Lan, đã có Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực, dự kiến năm 2016 đạt mức tăng trưởng 6,9%, cao hơn mức 6,7% năm 2015; cho rằng việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo thêm cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê chỉ số CPI tháng 05/2016 tăng 0,54% so với tháng trước tương đương mức tăng 1,88 % so với đầu năm. Trong tháng 5/2016 ngoài tính chu kỳ, mức lương tối thiểu cán bộ công chức, viên chức điều chỉnh tăng từ 01/05, mức giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 20/04 khi giá thế giới xấp xỉ 50 USD/thùng đã tác động lên mặt bằng giá chung. Cụ thể, các nhóm giao thông có mức tăng mạnh nhất tương ứng 2,39%.
Dự báo CPI 6 tháng 2016: Chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ tăng mạnh dần lên trong các tháng trong quý II do (i) Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, (ii) Khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể khiến giá nông sản trong nước tăng cao. (iii) xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2016. Do đó, dự báo CPI 6 tháng tăng 2,5%-3% so với đầu năm.
Thị trường VND liên ngân hàng tháng 5/2016 diễn biến trái chiều so với tháng 4/2016, với thanh khoản khá dư thừa, các TCTD đẩy mạnh cung nguồn khiến lãi suất giảm sâu do: Tăng trưởng tín dụng VND chưa có nhiều đột biến trong khi huy động vốn VNĐ (5,3%) tăng nhanh hơn tín dụng VND (4,3%); và NHNN tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72.000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/05/2016). Trong khi đó các yếu tố hỗ trợ tăng lãi suất USD gồm: (tác động của NHNN mua vào để tăng dự trữ ngoại hối (NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ kể từ đầu năm đến nay); Fed có nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất trong tháng 6.
Lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 được dự báo có xu hướng tăng trở lại do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối. Về dài hạn, áp lực tăng lãi suất sẽ tăng dần khi tín dụng chịu áp lực tăng trưởng 18-20% trong năm 2016, trong khi 4 tháng đầu năm chỉ tiêu này mới tăng tổng cộng gần 4%.
Thị trường ngoại hối tương diễn biến đối ổn định, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ và dao động trong biên độ 22.290 - 22.320. Các yếu tố tác động chủ yếu: Thị trường ngoại hối quốc tế đang dịch chuyển theo hướng tăng giá USD; Kỳ vọng Fed nâng lãi suất, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng theo diễn biến của thị trường quốc tế cũng như tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng.
Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ duy trì sự ổn định trong tháng 6/2016 do cán cân thương mại vẫn ở mức tích cực dự kiến trong tháng 6/2016, tỷ giá biến động trong biên độ 22.300-22.500, nửa sau năm 2016 nếu như các số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến lạc quan.
Trên thị trường sơ cấp, tổng lượng trúng thầu trong tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/05) là 29.158 tỷ, gần bằng khối lượng trúng thầu trong cả tháng 4 /2016 là 30.308 tỷ. Lãi suất trúng thầu giảm mạnh với kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 20 năm ở mức 5,3%, 6,14% và 7,75% giảm khoảng 25 điểm so với những phiên cuối tháng 4/2016. Thị trường thứ cấp giao dịch tương đối sôi động khối lượng khớp lệnh trung bình vào khoảng 3.800 tỷ/phiên. Mặt bằng lãi suất giảm đều trong tháng với lãi suất giao dịch các kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm và 10 năm lần lượt ở mức 4,89%, 5,34%, 6,15% và 6,96%/năm, giảm 15-20 điểm đối với các kỳ hạn từ 2-5 năm. Các yếu tố tác động chủ yếu: Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh hỗ trợ thanh khoản TPCP; Tâm lý thị trường được cải thiện với những thông tin về quyết tâm hạ lãi suất cho vay của chính phủ và NHNN, được hiện thực hóa bởi việc giảm lãi suất của các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank và Vietinbank gần đây.
Lãi suất TPCP trong tháng 6 được dự báo tiếp tục xu hướng giảm do tín dụng chưa vào mùa vụ giải ngân mạnh cũng như kỳ vọng vào khả năng NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng CSTT. Dự báo lãi suất TPCP dao động quanh mức 4,5-4,8% đối với kỳ hạn 1 năm, 4,7-5% đối với kỳ hạn 2 năm, 5,2-5,5% đối với kỳ hạn 3 năm, và 5,9-6,2% đối với kỳ hạn 5 năm.
Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng đưa ra các kiến nghị như: NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm Mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng: Rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo Điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý, khuyến khích đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
NHNN cần sớm thực hiện rõ ràng hơn hoạt động tái cấp vốn cho các NHTM qua cho vay cầm cố trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp. Xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện triển khai Tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2 2016 – 2020 tập trung vào 06 nội dung lớn bao gồm: Tiếp tục tái cấu trúc các TCTD yếu kém; Nâng cao năng lực tài chính (đặc biệt là các NHTM nhà nước); Xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu; Minh bạch hóa hoạt động theo thông lệ; Hình thành những tập đoàn ngân hàng tài chính lớn mạnh mang tầm quốc tế; Hội nhập quốc tế thành công.
Bình luận