Tiềm ẩn rủi ro
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2013 đánh dấu một năm không hoàn toàn thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế-xã hội 2013 vẫn rất nhiều khó khăn.
Nợ xấu vẫn là rủi ro lớn cho nền kinh tế Việt Nam
Lạm phát rình rập tăng trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự khởi sắc, tổng cầu và sức mua trong xã hội còn yếu…Lượng thành lập mới doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện trong những tháng cuối năm, nhưng lượng doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn cao. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm so với trước.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO hoặc trước khủng hoảng, thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều.
Theo nghĩa đó, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng, đòi hỏi phải vài năm nữa, khoảng 3-4 năm.
Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 (5,3-5,4%) và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2 năm tới (khoảng 5,5% năm 2013 và 5,7-5,8% năm 2014, thấp hơn đôi chút mức tăng trưởng mục tiêu Quốc hội đề ra), thì thời điểm năm nay có thể coi là "đáy", tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự phục hồi ở các lĩnh vực khác nhau cũng khác nhau.
TS. Quách Mạnh Hào, trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở "vùng đáy".
Nền kinh tế vận động theo chu kỳ và chu kỳ này thường có mối liên hệ với các chính sách tiền tệ.
"Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua. Để "leo dốc" trở lại tức là tăng trưởng tôi nghĩ giai đoạn vùng đáy này kéo dài 2 đến 3 năm.
Nói như vậy tôi tin rằng nền kinh tế chỉ có thể tốt lên thực sự vào năm 2015- 2016. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ thống ngân hàng", ông Hào nhấn mạnh.
Lạm phát của Việt Nam năm 2013 ở mức 6,5%
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) thì nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014.
"Biểu hiện là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay", ông Nghĩa phân tích.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng: “Tình hình kinh tế thế giới sẽ có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi. Ở Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát đang ở mức kiểm soát (CPI dự báo cả năm khoảng 6%). Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn còn tiềm ẩn đòi hỏi không được chủ quan.”
Không đổ bể
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, kinh tế năm 2014 sẽ là năm giữ để không đổ bể, năm 2015 là năm để chúng ta ổn định và năm 2016 – 2017 kinh tế sẽ phát triển. Trong mấy năm qua, có gần 55.000 doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp nhỏ cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong năm 2014
Năm tới, Doanh nghiệp nào thuộc loại hình này còn tồn tại thì sẽ không đổ bể nữa vì đã vượt qua được khó khăn và vươn lên. Nhưng sự đổ bể này có thể sẽ xảy ra với các doanh nghiệp lớn và nếu có thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì nó có thể gây nên hiệu ứng domino diện rộng.
"Một trong những biện pháp giữ những thành quả thời gian qua, theo tôi là chưa thể áp dụng thông tư 02 (Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) vì nếu thời điểm này siết thông tư 02 sẽ bị đổ bể hàng loạt. Doanh nghiệp “chết” rồi đến lượt ngân hàng", ông Hưởng nhấn mạnh.
Ông Hưởng lấy ví dụ, một doanh nghiệp đang có khoản vay 1 tỷ đồng tại ngân hàng, trước đây, đến hạn phải trả một khoản gốc nếu không trả được thì ngân hàng gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ như cũ (theo QĐ 780 v/v phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ).
Nhưng khi áp dụng thông tư 02, nếu doanh nghiệp không trả được dù chỉ một đồng tiền lãi (hoặc 1 đồng tiền gốc) đến hạn phải gia hạn nợ lần đầu tiên thì toàn bộ dư nợ gốc 1 tỷ đồng cũng bị chuyển nhóm thành nợ xấu (nhóm 3).
Như vậy, một loạt các khoản nợ của các doanh nghiệp sẽ chuyển thành nợ xấu ngay lập tức tại thời điểm áp dụng thông tư 02. Có những khoản chưa xấu (bởi chậm trả lãi gia hạn nợ trong thời điểm này là chuyện thường ngày của doanh nghiệp khi nền kinh tế đang gặp khó khăn chung) nhưng sẽ thành rất xấu vì doanh nghiệp bị tê liệt, có nợ xấu không được vay vốn kinh doanh...
Sức mua của người dân sẽ được cải thiện khi nền kinh tế khá lên
Nếu áp dụng thông tư 02 vào tháng 6 cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục trói doanh nghiệp lại, dồn doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế vào ngõ cụt, hết cơ hội phục hồi và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt, doanh nghiệp không những không thể hồi phục được mà còn xảy ra sự đổ bể của doanh nghiệp lớn.
Nếu các doanh nghiệp lớn có vấn đề thì hậu domino sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần chúng ta chứng kiến trong những năm trước cộng lại. Cái được duy nhất là “cái tiếng gọi là chuẩn mực quốc tế mà các tổ chức tài chính thế giới đang quan tâm”, liệu đánh đổi như vậy có nên chăng?
Hậu quả này chắc chắn nhà hoạch định kinh tế nào cũng biết nhưng việc tiếp tục gia hạn thông tư 02 có lẽ phải có ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đơn phương Thống đốc NHNN Việt Nam khó mà quyết định được bởi liên quan đến vấn đề quốc tế. Điều quan trọng hơn cả là lúc lâm nguy đối với nền kinh tế quốc gia “mình phải tự cứu mình”.
Bình luận