Vài ngày gần đây, người Hong Kong liên tục đổ xuống đường để biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc. Nhiều người coi đây là mối đe dọa trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp.
"Mối đe dọa chính là luật dẫn độ sẽ khiến nhiều doanh nhân nước ngoài đang ở Hong Kong chịu ảnh hưởng từ hệ thống pháp lý của Trung Quốc", Duncan Innes-Ker - Giám đốc khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit nhận định.
Các doanh nhân lo ngại họ có thể bị giới chức Trung Quốc bắt từ Hong Kong vì nhiều lý do khác nhau. Việc này có thể làm giảm tính tự chủ về pháp lý của Hong Kong. "Uy tín của Hong Kong đang bị đe dọa", Tara Joseph - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Hong Kong cho biết.
Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài - vốn đứng ngoài các vấn đề chính trị gây tranh cãi - cũng đã lên tiếng phản đối dự luật này. Nhiều lãnh đạo vận động hành lang, cảnh báo các nhà làm luật Hong Kong rằng việc này có thể khiến danh tiếng của Hong Kong đi xuống. Nơi này luôn được coi là điểm đến an toàn để đặt trụ sở cho khu vực châu Á và Trung Quốc.
Trên CNN, lãnh đạo một công ty quốc tế lớn ở Hong Kong thừa nhận "các doanh nghiệp nước ngoài luôn phải chịu rủi ro nhất định khi hoạt động ở nước khác. Tuy nhiên, giá trị của Hong Kong nằm ở khả năng giảm thiểu các rủi ro này thông qua các điều luật, sự tự do trong nhiều hoạt động và hệ thống tư pháp độc lập". Ông nói rằng lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong sẽ phải đánh giá rủi ro tăng lên đến mức nào nếu dự luật này được thông qua và cân nhắc các địa điểm kinh doanh thay thế.
Giá thuê văn phòng tại Hong Kong rất đắt đỏ. Đặc khu này đang phải cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trong khu vực để thu hút đầu tư. Singapore được đánh giá là một đối thủ mạnh của Hong Kong, bên cạnh các thành phố khác từ Trung Quốc như Thượng Hải hay Thâm Quyến.
Để duy trì sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền Hong Kong đã hạn chế quy mô dẫn độ. Tuy nhiên, với một số người, việc này vẫn là chưa đủ. Nếu hệ thống pháp lý của Hong Kong không còn như cũ, các công ty có thể đặt câu hỏi tại sao họ không rời đi và đặt luôn trụ sở ở Trung Quốc - nơi có chi phí thấp hơn rất nhiều, hoặc mở văn phòng ở Trung Quốc và đặt trụ sở tại trung tâm tài chính khác ở châu Á, như Singapore.
Innes-Ker cho biết việc này không thể xảy ra ngay lập tức, nhưng có thể là "xu hướng dịch chuyển trong dài hạn". Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp từ các nước "có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu rời Hong Kong", ông nhấn mạnh.
Trong khi các doanh nghiệp lớn lên tiếng cảnh báo về hệ quả của dự luật dẫn độ, các doanh nghiệp nhỏ cũng đã bắt đầu hành động. Hơn 100 công ty cho biết sẽ đóng cửa hôm nay để phản đối, và cho phép nhân viên tham gia biểu tình.
"Là doanh nghiệp nhỏ, tôi cho rằng đình công là cách hiệu quả nhất để thể hiện quan điểm", Conrad Wu tại Call4Van cho biết, "Tôi cũng kêu gọi các cửa hàng khác tham gia đình công, vì chỉ có động thái quy mô lớn mới thể hiện được người Hong Kong không chấp nhận luật dẫn độ". AbouThai - một hãng bán lẻ mỹ phẩm với 13 chi nhánh tại Hong Kong cũng cho biết trong một thông báo rằng "có thể chấp nhận mất lợi nhuận một ngày".
Tại Hong Kong, nghiệp đoàn kiểm soát một số lượng ghế trong cơ quan lập pháp. Lee cho rằng các công ty có thể bác bỏ dự luật nếu họ thuyết phục được các đại diện này ủng hộ.
"Dự luật này sẽ dỡ bỏ ranh giới giữa hệ thống pháp lý của Trung Quốc và Hong Kong", Kevin Yam - một luật sư hàng đầu Hong Kong nhận xét, "Nếu điều này xảy ra, niềm tin doanh nghiệp tại Hong Kong sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng. Mà điều này cực kỳ cần thiết đối với sự thịnh vượng của đặc khu này".
Hong Kong được xây dựng cho việc kinh doanh. Khi còn là thuộc địa của Anh, thành phố này đã được sử dụng làm nơi buôn bán hàng hóa. Đến cuối thế kỷ 20, Hong Kong trở thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và là cửa ngõ để tiến vào nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc.
Đến năm 1997, việc được Anh trao trả về Trung Quốc làm dấy lên mối lo mô hình hoạt động của Hong Kong sụp đổ. Dù vậy, việc này đã không xảy ra. Kinh tế Hong Kong đến nay vẫn không bị ảnh hưởng. GDP vẫn mạnh, thị trường ổn định và giá nhà liên tục tăng vọt vì hoạt động đầu tư từ Trung Quốc. Năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế này được dự báo quanh 2-3%.
Bình luận