Sau sự cố môi trường biển tháng 4/2016, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Hà Tĩnh như rơi vào cuộc khủng hoảng, mọi khó khăn chồng chất phía trước.
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đặt mục tiêu ổn định đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Từ đó, chính sách “an dân” được thực hiện, công tác chi trả tiền đền bù sự cố môi trường cho người dân được triển khai khẩn trương, đúng đối tượng. Vì vậy, đời sống nhân dân sớm được ổn định.
Song song với chính sách an sinh xã hội, các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng đưa ra những quyết sách để phát triển kinh tế. Quyết liệt, thận trọng, không để sai sót là “kim chỉ nam” trong mọi hoạt động điều hành, chỉ đạo của hệ thống chính trị Hà Tĩnh trong những năm qua. Đến nay, Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng mừng.
Năm 2016 – năm xảy ra sự cố môi trường biển, Hà Tĩnh có 11/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; Thu ngân sách hụt 2.000 tỷ đồng; chất lượng hoạt động của doanh nghiệp thấp; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về môi trường còn bộc lộ nhiều hạn chế…
Tuy nhiên đến năm 2017, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh. Thu ngân sách đạt 8.925 tỷ đồng, tăng 15,91% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 21,81% so với dự toán Trung ương giao, tăng 18,36% so với năm 2016.
Trong đó, ngành thủy sản tăng trưởng 16,36%, sản xuất công nghiệp tăng 81,76%, bán lẻ hàng hóa và du lịch, dịch vụ tăng 5,99%, sản lượng thép sản xuất năm 2017 đạt 1,6 triệu tấn... đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung cả tỉnh là 10.71%.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được năm 2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra 10 nhóm giải pháp nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển năm 2018 như: Rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm; hoàn thiện chính sách giai đoạn 2018 – 2020. Từng bước cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng thực chất, bền vững; phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện đồng bộ nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao sức khoẻ đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài. Xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại..
Nhờ đưa ra các chính sách đúng đắn, kịp thời nên năm 2018, thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tăng mạnh, đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Tăng trưởng GRDP đạt 20,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng 5,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 48,9%; dịch vụ tăng 6,5%.
Khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh, góp phần đưa tổng thu ngân sách cả năm ước đạt 12.300 tỷ đồng, tăng 37,7% so với năm 2017. Trong đó, thu nội địa 6.300 tỷ đồng; tập trung vào các nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, thuế ngoài quốc doanh, tiền đất. Thu xuất - nhập khẩu đạt 6.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII (diễn ra từ 11 - 13/12/2018), ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được trong 11 tháng, ước cả năm 2018, Hà Tĩnh có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, 2 chỉ tiêu đạt là giá trị sản xuất/đơn vị diện tích, số giường bệnh/1 vạn dân.
Có 12 chỉ tiêu vượt, gồm: Tăng trưởng kinh tế, sản lượng lương thực, xuất khẩu, thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ bao phủ BHYT, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, tỷ lệ che phủ rừng và số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong năm 2019, mặc dù mới chỉ 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có tốc độ phát triển ấn tượng. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 12,78% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm qua và là tỉnh có tốc độ tăng cao thứ 5 trong 63 tỉnh, thành phố. Thu hải quan ước đạt 3.635 tỷ đồng, đạt 52,68% dự toán và thu nội địa ước đạt 3.350 tỷ đồng, đạt 53,18% dự toán năm.
Đặc biệt, ngành công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, là nhân tố tác động chính vào tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 32,39% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị; sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã tiếp tục vượt qua những khó khăn, lấy được đà tăng trưởng kinh tế và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Có thể nói, tốc độ phát triển kinh tế trong những năm gần đây của tỉnh Hà Tĩnh – nơi quanh năm xảy ra thiên tai hạn hán, lũ lụt… đạt kết quả thần kỳ là nỗ lực không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có vai trò quan trọng của ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Bình luận