• Zalo

Kinh nghiệm đảm bảo an toàn ở ngành xây dựng

Thời sựThứ Năm, 17/09/2015 01:35:00 +07:00Google News

Là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM luôn hút nhiều nhà đầu tư với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, đô thị quy mô về vốn, công nghệ, nhân lực.

(VTC News) - Là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM luôn hút nhiều nhà đầu tư với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, đô thị quy mô về vốn, công nghệ, nhân lực. Điều đó càng đặt ra yêu cầu gắt gao về an toàn xây dựng, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.

Từ đường sắt đô thị…  

Những ngày này trên công trường, các đơn vị thi công đang miệt mài xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 1 (metro) có lộ trình Bến Thành – Suối Tiên. Đây là tuyến metro dài 19,7km bao gồm 2,6km công trình ngầm và 17,1km công trình trên cao. Đoạn cầu cạn dài 14,5km với mặt cắt ngang dầm hình chữ U, trong đó 12km sẽ được thi công với công nghệ lắp ghép các phân đoạn đúc sẵn bằng hệ đà giáo di động. Dự án đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (TP.HCM) và Thị xã Dĩ An (Bình Dương), có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỉ USD, dự kiến hoàn thành và chạy thử trong năm 2019, khai thác thương mại từ năm 2020.

Với công nghệ mới của nước ngoài, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên đơn vị thi công luôn có sự giám sát chặt chẽ của chuyên gia quốc tế. Không ỷ lại, đội ngũ nhân công trong nước cũng đã tìm tòi, học hỏi để dần làm chủ công nghệ, đảm bảo an toàn trong lao động, phòng chống cháy nổ.

Trong quá trình thi công, công  nhân luôn tuân thủ chặt chẽ nội quy lao động, làm việc có kỷ luật, theo quy trình cụ thể một cách bài bản, khoa học nhất.


Một số công nhân làm việc trực tiếp tại công trường cho biết việc thực hiện gói thầu khó là lắp đặt dầm cầu trên cao (gồm 13 đốt), cho biết: Với đặc điểm mỗi dầm cầu nặng 500 tấn, vị trí trên cao nên việc lắp ráp phải được tiến hành cẩn trọng, chính xác.

Trước đó, các đốt dầm được đúc, vận chuyển an toàn từ bãi đúc dầm đến công trường bằng xe chuyên dụng. 13 đốt dầm được treo trên hệ đà giáo di động và ghép thành một nhịp cầu hoàn chỉnh. Các đốt dầm được liên kết vĩnh cửu với nhau bởi khóa chống cắt, keo epoxy và cáp dự ứng lực. Điều này đòi hỏi kỹ sư không những vững vàng chuyên môn mà còn phải được trang bị tối ưu các phương tiện bảo hộ lao động.

Ngoài ra, tham gia gói thầu này, dự án cần đến những nhà thầu nước ngoài và liên doanh để thực hiện, điều này cho thấy, tính phức tạp trong công trình xây dựng tuyến metro số 1. Tuy nhiên, bằng nỗ lực, ý chí và sự sáng tạo, đội ngũ cán bộ, công nhân đã hoàn thành từng gói thầu, đảm bảo an toàn lao động, chưa để xảy ra tai nạn nào, dù chỉ là sơ suất nhỏ nhất.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nguyên Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị cho biết: Hiện nay dự án tuyến số 1 đã đúc được hàng trăm đốt dầm. Thời gian thi công đúc dầm và lắp dầm kéo dài trong 2 năm.

Công tác cọc khoan nhồi hoàn thành được 90%, thi công được 60% phần trụ. Hiện nay gói thầu số 2 “xây dựng đoạn trên cao và depot” dài 17,1 km đã thực hiện được hơn 40% khối lượng, số giờ lao động an toàn là 5 triệu giờ.

Trong khi đó, gói thầu 1b “Xây dựng đoạn ngầm từ nhà hát thành phố đến ga Ba Son” đã thực hiện được hơn 8% khối lượng công việc, số giờ lao động an toàn đạt trên 1 triệu giờ. Trong khi đó, gói thầu số 2 “xây dựng đoạn trên cao và depot” dài 17,1 km đã thực hiện được hơn 40% khối lượng, số giờ lao động an toàn là 5 triệu giờ.

Đến công trình nhà ở

Trên địa bàn TP.HCM, nhiều công trình xây dựng lớn được thực hiện không những đảm bảo chất lượng xây dựng mà vấn đề an toàn lao động cũng được đặt lên hàng đầu. Trong đó, Him Lam là chủ đầu tư của những dự án nhà trong quá trình thi công đã đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ…

Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land cho biết: Tất cả các khu đô thị của Him Lam đều được quy hoạch đồng bộ và đầu tư hạ tầng kỹ thuật bài bản không chỉ cho dự án mà cho cả khu vực xung quanh. Mỗi căn hộ đều phải có ban công và sân phơi; khu vực bếp kín riêng biệt và liên thông với sân phơi để đảm bảo thoát mùi hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn cháy nổ.

Cùng với đó, hành lang rộng rãi, có gió tươi và ánh sáng tự nhiên giúp tiết giảm năng lượng cũng như thuận tiện cho vấn đề ứng cứu khi tai nạn cháy nổ xảy ra. Trong việc thi công các dự án của mình, Him Lam luôn “chọn mặt gửi vàng” đối với các nhà thầu uy tín như Posco E&C Việt Nam, CBM…

Nhờ đó, các dự án mà Him Lam triển khai không những đúng tiến độ mà còn đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, chưa để xảy ra sơ suất nào.


Là công nhân lao động ngoài công trường, anh Nguyễn Văn Công (quê Tiền Giang) cho biết trong quá trình thi công dự án Him Lam Chợ Lớn anh và các đồng nghiệp đã được tập huấn và trang bị kiến thức về an toàn lao động. Trong thi công, công nhân xây dựng được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ như quần áo, mũ, găng tay, khẩu trang…

Ngoài ra, công nhân còn phải chấp hành nghiêm các quy định làm việc trong công trường, có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý đảm bảo sức khỏe và tinh thần trước khi bắt tay vào từng công việc cụ thể.

Liên quan đến vấn đề an toàn lao động trên địa bàn TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Sở LĐ-TB&XH thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn; đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động trong những tháng còn lại của năm 2015.

Trong đó tập trung vào các nội dung như xây dựng nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. UBND thành phố cũng giao Sở LĐ-TB&XH tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016); triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia An toàn - Vệ sinh lao động năm 2015.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Tình Xuân
Bình luận
vtcnews.vn