Không phải lúc nào mọi người cũng dễ dàng phát hiện ra Liu Bolin - một nghệ sĩ Trung Quốc thích ẩn mình giữa bối cảnh xung quanh - theo nghĩa đen.
Nổi tiếng khắp mạng xã hội cũng như trong giới nghệ thuật, Liu Bolin được gọi là “người đàn ông vô hình” bởi tài năng ngụy trang thần sầu của mình.
Liu Bolin sinh năm 1973 tại Sơn Đông, Trung Quốc, theo học ngành điêu khắc tại Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh, tốt nghiệp MFA năm 2001.
Nam nghệ sĩ này đã đi khắp nơi trên thế giới để tạo ra các tác phẩm sắp đặt theo phong cách đặc trưng của mình. Liu sử dụng sơn acrylic và một bộ quần áo để vẽ lại các cảnh vật nhằm biến bản thân trở thành một phần của bối cảnh.
Người đàn ông này đã “hòa làm một” với rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng khắp thế giới, từ Đấu trường La Mã ở Rome, Bảo tàng Louvre ở Paris đến Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc...
Lần đầu tiên Liu “tàng hình” là vào năm 2006. Vào thời điểm đó, anh đang làm việc trong một ngôi làng nghệ sĩ ở Bắc Kinh có tên là Suojiacun. Liu Bolin bắt đầu tự vẽ tranh lên bản thân để phản đối quyết định phá hủy ngôi làng.
Kể từ đó, Liu đã sử dụng ngụy trang như một hình thức biểu đạt nghệ thuật. “Tôi chọn ẩn mình vì điều đó phù hợp với tính khí và tính cách của tôi”, anh nói. “Tôi tin rằng đây là yêu cầu cơ bản của một nghệ sĩ, muốn tạo ra hệ thống ngôn ngữ của riêng bạn để thể hiện bản thân”.
Mục đích “biến mất” vào môi trường xung quanh của Liu nhằm nỗ lực thăm dò sâu sắc mối liên hệ giữa con người và xã hội. Anh kêu gọi sự chú ý của mọi người đến các vấn đề xã hội, chính trị và môi trường khác nhau.
Ví dụ như việc Lin ẩn mình vào các kệ thực phẩm đóng gói và nước đóng chai để làm nổi bật vấn đề về hóa chất và ô nhiễm; đứng giữa một rừng cây cằn cỗi để kêu gọi sự chú ý đến ô nhiễm không khí…
Những bức ảnh và tác phẩm điêu khắc của Liu đã được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng và viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Anh đã hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng bao gồm Kenny Scharf, JR, Jon Bon Jovi, Jean-Paul Gaultier, Fernando Botero, Carlos Cruz-Diez và Annie Leibovitz.
Bình luận