• Zalo

Kinh ngạc kế hoạch tạo mưa cho hoang mạc Sahara

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 11/09/2018 11:06:00 +07:00Google News

Các nhà nghiên cứu hy vọng kế hoạch phủ kín Sahara bằng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời sẽ mang gấp đôi lượng mưa tới cho sa mạc lớn nhất thế giới.

Sahara với dân số thưa thớt, gió mạnh quanh năm và hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời là một nơi lý tưởng để tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà khoa học vì vậy đang tìm cách biến máy phát điện vô tận này trở thành một nguồn cung năng lượng mới.

Mới đây nhất, một nhóm nghiên cứu tới từ Đại học Maryland và Đại học Illinois của Mỹ đang nghiên cứu kế hoạch phủ kín Sahara bằng những trang trại điện mặt trời và điện gió. 

180910-making-rain-sahara-desert-feature

Các nhà khoa học đang nghiên cứu để biến Sahara trở thành một nguồn cung năng lượng mới. (Ảnh: iStockphoto)

Thông thường, các mô hình trang trại dạng này sẽ có ảnh hưởng nhất định tới nhiệt độ và độ ấm trong khu vực, gây ra các tác động tới môi trường. Vì vậy, các nghiên cứu như vậy trước đây từng bị gạt bỏ.

Nhưng các nhà khoa học tới từ Đại học Maryland và Đại học Illinoi khẳng định nghiên cứu của họ sẽ biến đổi Sahara theo hướng tích cực. 

Cụ thể, các nhà khoa học đang lên kế hoạch phát triển mô hình khí hậu dựa trên những thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và thảm thực vật trên toàn bộ diện tích của Sahara bằng cách bao phủ sa mạc lớn nhất thế giới bằng các trang trại năng lượng mặt trời và gió. Một dự án như vậy có thể tạo ra 79 terawatt điện năng.

"Chúng tôi nhận thấy rằng việc lắp đặt quy mô lớn các trang trại như như vậy có thể mang lại nhiều mưa hơn và thúc đẩy thảm thực vật tại đây tăng trưởng", Eugenia Kalnay, một trong những nhà nghiên cứu của dự án cho biết. 

Theo Kalnay, dự án của cô và các đồng nghiệp ước tính có thể làm tăng gấp đôi lượng mưa ở Sahara và khu vực Sahel, đồng thời tăng 20% thảm thực vật ở vùng sa mạc khô cằn này. 

"Các tấm pin mặt trời và tuabin gió sẽ làm cho bề mặt đất cứng và tối hơn, tạo ra tương tác giữa đất và khí quyển kéo tới hệ quả là gia tăng lượng mưa", Kalnay cho hay. 

Các tuabin gió sẽ kéo không khí ấm hơn xuống mặt đất trong khi các tấm pin mặt trời sẽ giúp giảm phản xạ bề mặt. Cả 2 yếu tố này đều giúp Sahara mưa nhiều hơn. 

"Sự gia tăng lượng mưa và thảm thực vật, kếp hợp với nguồn điện điện sạch có thể giúp phát triển nông nghiệp, kinh tế và phúc lợi xã hội ở Sahara, Sahel, Trung Đông và các vùng lân cận khác", Safa Motesharrei, một trong các tác giả khác của nghiên cứu cho biết. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn