• Zalo

Kính Hubble tìm thấy 'đuôi cá' đầy sao của 12 thiên hà va chạm

Khám pháThứ Bảy, 10/02/2024 15:38:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Những cụm sao khổng lồ chứa đầy các ngôi sao trẻ, chúng hình thành trong đống đổ nát khi các thiên hà tương tác mãnh liệt.

Mới đây, Kính viễn vọng Không gian Hubble quan sát “đuôi cá” từ 12 thiên hà tương tác với nhau và phát hiện thấy chúng được đính những “viên kim cương sáng ngời” trong các cụm sao trẻ.

Các nhà khoa học so sánh hiện tượng này với cái gọi là “chuỗi ngọc trai” vũ trụ.

Cụ thể, Kính Hubble quan sát 12 thiên hà tương tác với nhau, thiết bị xác định 425 cụm sao trẻ khổng lồ nằm rải rác ở phần “đuôi cá” kéo dài của 12 thiên hà va chạm. Mỗi cụm sao như vậy chứa khoảng 1 triệu ngôi sao trẻ màu xanh phát ra nhiều tia cực tím.

Mới đây, Kính viễn vọng Không gian Hubble quan sát “đuôi cá” từ 12 thiên hà tương tác với nhau. (Ảnh: Kính viễn vọng Không gian Hubble)

Mới đây, Kính viễn vọng Không gian Hubble quan sát “đuôi cá” từ 12 thiên hà tương tác với nhau. (Ảnh: Kính viễn vọng Không gian Hubble)

Theo Michael Rodruck thuộc Đại học Randolph-Macon ở Virginia, Mỹ, khi các thiên hà xoắn ốc tương tác, thông qua va chạm trực tiếp hoặc va chạm gần, các cánh tay vật chất xoắn ốc của chúng sẽ bị tách ra.

Thực tế lực hấp dẫn mà một thiên hà có được là rất lớn nên khi chúng đến gần nhau cho tới khi va chạm trực tiếp, lực hấp dẫn của các thiên hà sẽ cộng hưởng mạnh lên, kéo các cánh tay xoắn ốc đó ra khỏi cấu trúc chính, hòa trộn vào nhau và kéo dài tạo thành cái gọi là “đuôi cá” vật chất khổng lồ có thể kéo dài hàng chục nghìn năm ánh sáng.

Các cánh tay xoắn ốc thiên hà chứa đầy khí và bụi phân tử, nên khi chúng bị kéo ra ngoài tạo thành cái gọi là “đuôi cá” vật chất, khí và bụi phân tử đó sẽ bị khuấy động, tăng cường cả về mật độ vật chất phân tử lẫn cường độ hoạt động.

Mặt khác, sự va chạm thiên hà còn có thể tạo ra sự va chạm giữa các đám mây khí, giúp kích thích sự hình thành sao. Áp suất cao được tạo ra trong những vụ va chạm này cũng dẫn đến hiệu quả hình thành sao cực kỳ mãnh liệt. Vì vậy, “đuôi cá” thiên hà này trở thành vùng hình thành sao mạnh mẽ nhất trong vũ trụ.

Michael Rodruck còn cho biết thêm: “Thật ngạc nhiên khi thấy rất nhiều vật thể sao trẻ tuổi lại hình thành ở phần đuôi va chạm hỗn loạn giữa 12 thiên hà này. Nó cho chúng ta biết nhiều điều mới mẻ hơn về cơ chế hình thành sao đặc thù trong vũ trụ”.

HUỲNH DŨNG(Nguồn: Space)
Bình luận