• Zalo

Kinh hoàng lò mổ Hà Nội

Thời sựThứ Tư, 18/04/2012 10:37:00 +07:00 Google News

Hàng trăm con heo được đè ra giết mổ trong đêm trên nền gạch nhầy nhụa chất bẩn, hôi thối nhưng vẫn được cấp giấy kiểm dịch để đưa ra thị trường.

Hàng trăm con heo được đè ra giết mổ trong đêm trên nền gạch nhầy nhụa chất bẩn, hôi thối nhưng vẫn được cấp giấy kiểm dịch để đưa ra thị trường.

Trực tiếp kiểm tra các lò giết mổ rạng sáng ngày 17/4, ông Phạm Văn Đông, Cục phó Cục Thú y, liên tục lắc đầu và ngao ngán thốt lên: “Làm như thế này không được đâu. Mất vệ sinh quá!”. Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu thì sửng sốt: “Sao lại không có móc treo? Cắt tiết, làm lông ngay dưới sàn, thân thịt lẫn cả với lông, với phân, với nước thải rất bẩn, dễ bị nhiễm các loại vi sinh. Cách làm này không đạt yêu cầu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Mất vệ sinh vẫn cấp giấy “an toàn”

Tại khu giết mổ thủ công của Công ty cổ phần Thịnh An (Vạn Phúc, huyện Thanh Trì), 3 giờ sáng, tiếng heo bị chọc tiết kêu eng éc. Mùi hôi thối xộc vào mũi rất khó chịu. Hàng trăm con người đang hì hụi xua heo từ chuồng nhốt, vật heo xuống nền gạch chọc tiết, cạo lông, làm lòng… tại các ô giết thịt. Hàng trăm chiếc xe máy dựng sát từng ô giết mổ chờ “ăn” hàng.

Trên diện tích 4.000m2 của khu giết mổ thủ công này, chúng tôi đếm có tới gần 30 ô giết mổ đang hoạt động hết công suất. Mỗi ô rộng chừng 300m2, bao gồm chuồng nhốt heo và khu giết mổ, được ngăn cách bằng một vách mỏng có cửa thông với nhau. Tại mỗi ô có trên dưới 10 người đang làm việc, có khi cùng lúc giết thịt 4-5 con heo. Chất thải từ con heo mới bị chọc tiết, mổ bụng moi lòng chảy hết sang chỗ con heo đã “thành phẩm”, chờ đóng dấu thú y.

Giết mổ heo trên nền gạch rất mất vệ sinh.

Không khó để bắt gặp cảnh người ta vào chuồng heo, ủng nhuốm đầy chất bẩn lại bước ra khu vực chọc tiết, làm lông. Cũng không khó để bắt gặp cảnh thợ mổ heo tay cầm vòi nước, chân giẫm đạp mạnh và liên tục vào vùng bụng, vùng ức con heo để “rửa cho nó sạch”. Nước thải và máu heo chảy lênh láng, phân và lông heo đóng lại thành từng mảng ngay phía dưới lối đi. Tại khu vực xử lý nội tạng, lòng, tim, gan... cũng bị vứt đầy dưới sàn gạch. Mọi người tập trung tuồn chất thải xuống hố ga, mặc cho những bộ lòng cắm sâu xuống đống chất thải phía dưới. Thùng nhựa, can nhựa đựng tiết cáu bẩn...

Thế nhưng, tại khu giết mổ có công suất “thịt” 600-700 con heo mỗi đêm, cung cấp khoảng vài trăm tấn thịt, đáp ứng gần 1/3 nhu cầu của người dân thủ đô này, những cán bộ thú y vẫn cần mẫn “đóng dấu kiểm dịch”, cấp “giấy thông hành” cho thịt heo ra chợ. Nhân viên thú y không tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, chỉ lặp đi lặp lại các động tác rất đơn giản: dùng con dao chọc tiết heo cạo cạo dọc sống lưng con heo đã giết mổ xong, nhúng dấu vào mực và “cộp dấu”. Sau khi đã lăn dấu thú y, heo được khiêng và chất lên những chiếc xe. Mỗi xe chở 2-3 hoặc thậm chí 5 con. Heo nằm vắt ngang qua khung xe, chân chạm đất nhanh chóng được đưa ra khu vực “chốt kiểm dịch”. Tại đây có 4 nhân viên thú y, cũng chỉ làm những công việc đơn giản và đơn điệu: đếm heo tính tiền, 7.000 đồng/con, xé biên lai có “cộp” dòng chữ đỏ “đã kiểm tra”.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, phân trần sở dĩ vẫn cấp giấy kiểm dịch cho các khu giết mổ chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý dịch bệnh là do hiện nay Hà Nội chưa kiểm soát được giết mổ nhỏ lẻ, nên nếu không đóng dấu tại các cơ sở như thế này thì người dân không xác định được chỗ nào có kiểm soát thú y, chỗ nào không có kiểm soát thú y!

Giết mổ hiện đại có nguy cơ chết yểu

Nằm cạnh khu giết mổ miêu tả trên là Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Hiền, với khu giết mổ hiện đại, khép kín và tự động ở nhiều công đoạn. Được đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng và lắp đặt, mỗi đêm giết thịt được trên dưới 1.000 con heo nhưng hiện nay đang trong cảnh hoạt động cầm chừng.

“Hồi trước, bà con hàng xeo đến xem đông lắm nhưng họ lại không thích sử dụng dây chuyền này. Bây giờ mỗi đêm chỉ thịt được trên dưới 100 con. Chúng tôi đang chịu rất nhiều áp lực”, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Công ty Minh Hiền than thở.

Cắt tiết, làm lông ngay dưới sàn. 

Theo bà Hiền, do công suất hoạt động thấp nên giá thành bị đội lên, cao hơn 50% so với giá tại các lò mổ thủ công, trong khi các lò thủ công lại nằm trong các ngõ phố, áp sát thị trường nên người giết mổ vẫn ưa chuộng. Thêm một nguyên nhân nữa, giết mổ nhỏ lẻ đã là thói quen cố hữu của dân hàng xeo, không thể thay đổi trong một sớm một chiều. “Tôi đã phải bán 2 ngôi nhà để lo trả nợ cho khoản vay ngân hàng, giờ không còn nhà để bán nữa. Tôi cũng đã ít nhất 2 lần rao bán cơ sở giết mổ này. Bây giờ thực sự là chúng tôi cần được sự hỗ trợ”, bà Hiền cho biết.

Để xóa bỏ nghịch lý cơ sở giết mổ hiện đại vắng, nơi cắt tiết làm lông thủ công, mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại đông đúc, ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng thành phố cần có chính sách cho cả các chủ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại, cả cho người giết mổ nhỏ lẻ để họ tự nguyện từ bỏ thói quen làm ăn bấy lâu. “Chủ đầu tư cần được hỗ trợ một phần về cơ sở hạ tầng, ưu đãi vốn vay, được thuê đất lâu dài. Người giết mổ thủ công cần được hỗ trợ trong 1-2 năm đầu khi chuyển đến cơ sở giết mổ hiện đại”, ông Đăng nói.

Thứ trưởng Thu khẳng định, ngay trong tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ họp bàn với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tìm cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các chủ đầu tư xây dựng lò giết mổ hiện đại và người sản xuất trong việc giết mổ an toàn.

Theo TNO


Bình luận
vtcnews.vn