Hai đại học RMIT (Úc) và Fulbright (Mỹ) là đại diện tiêu biểu cho mô hình phi lợi nhuận đã có mặt tại Việt Nam. Trên thế giới, các tổ chức y tế và giáo dục uy tín hàng đầu thế giới như: bệnh viện Mayo Clinic, Cleveland Clinic, John Hopkins Medicine ở Mỹ, Samsung của Hàn Quốc, đại học Harvard, Yale, Stanford ở Mỹ, Keio ở Nhật, Yonsei ở Hàn Quốc... đều hoạt động dưới hình thức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư giáo dục phi lợi nhuận là mô hình khá mới mẻ.
"Việt Nam cần có những doanh nghiệp lớn, có trách nhiệm xã hội, đủ uy tín và tầm vóc để phát triển giáo dục, y tế, phải tạo được lợi ích cho người dân trong nước. Đây cũng là cách doanh nghiệp xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh của mình"
Một chuyên gia đầu tư y tế ở Hungary
Có thể là “đối trọng” của Fulbright VN
Chuyên gia y khoa Quí Nguyễn, Trung tâm y tế Monash (Úc) cho biết: “Đa số các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều dành khoản lợi nhuận để đầu tư vào các lợi ích công cộng và nghiên cứu phát triển (R&D). Mỹ có thể nói là quốc gia nổi tiếng với nhiều đại học tư nhân hoạt động theo mô hình này và rất thành công. Fulbright của Mỹ vừa được thành lập tại Việt Nam cũng hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Nếu làm tốt, Vinschool cũng có thể là đối trọng của Fulbright trong tương lai”.
Tiêu chí phi lợi nhuận của một doanh nghiệp hay một tổ chức, theo bà Quí Nguyễn, là cách làm cả hai bên cùng có lợi mà nhà nước không phải đầu tư tài chính, chủ yếu là ưu đãi về thuế. Cụ thể, tại Mỹ và Nhật, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận sẽ dành toàn bộ phần lợi nhuận của mình để đầu tư vào R&D, tạo công ăn việc làm cho sinh viên khi ra trường... Đổi lại, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, được hưởng các bản quyền sau nghiên cứu. “Những quốc gia phát triển và có nhiều đại học lớn nổi tiếng nhờ vào sự tích cực của các công ty tài trợ các chương trình R&D này”, bà Quí Nguyễn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Việt kiều Đức, cựu quản lý cấp cao hệ thống Cao đẳng nghề Việt Mỹ, cho rằng cách làm này cực kỳ tốt, tạo tiền đề để tư nhân tham gia phát triển giáo dục, y tế lên tầm cao mới. Thực tế, thế giới luôn có hai mô hình giáo dục, y tế hoạt động. Một kiểu hoạt động như một công ty, kiếm tiền, có cổ đông và chia lợi tức, gọi là hoạt động theo mô hình lợi nhuận. Còn theo mô hình phi lợi nhuận mục tiêu hướng đến là chất lượng giáo dục của sinh viên, giúp họ hoàn thành việc học và thành công trong sự nghiệp. “Có nhiều cách để tham gia mô hình phi lợi nhuận. Trong đó, hỗ trợ cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn, tại Đức một số hãng xe hơi cũng tham gia mô hình phi lợi nhuận với cam kết dành 3% vị trí việc làm cho người khiếm thị. Doanh nghiệp thực thi những cam kết này một cách nghiêm túc, sẽ được hưởng ưu đãi về thuế từ chính phủ”, ông Lâm cho biết và nhấn mạnh yếu tố phi lợi nhuận của các đại học quốc tế không có nghĩa là miễn giảm học phí mà vẫn thu, thậm chí thu cao, để tái đầu tư mới có chất lượng tốt.
Một chuyên gia đầu tư trong lĩnh vực y tế ở Hungary cho rằng, mô hình phi lợi nhuận là hết sức cần thiết bởi Việt Nam đang hội nhập. “Việt Nam cần có những doanh nghiệp lớn, có trách nhiệm xã hội, đủ uy tín và tầm vóc để phát triển giáo dục, y tế, phải tạo được lợi ích cho người dân trong nước. Đây cũng là cách doanh nghiệp xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh của mình”, vị chuyên gia này nói.
Chia sẻ lợi nhuận cho xã hội
Ông Jeffery Perlman, Giám đốc điều hành, phụ trách thị trường Đông Nam Á Quỹ đầu tư Warburg Pincus, nhận xét việc chuyển đổi Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận là một bước đi chiến lược quan trọng của Vingroup. Bước đi này phù hợp với thông lệ quốc tế, khi mà các công ty đóng góp cho cộng đồng và nó thể hiện rõ cam kết của tập đoàn này trong việc đóng góp cho ngành y tế và giáo dục của Việt Nam.
Theo GS Jeremy Lim, Trưởng bộ phận Khoa học đời sống và sức khỏe châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức tư vấn hàng đầu về lĩnh vực y tế Oliver Wyman, việc các tập đoàn thành lập tổ chức phi lợi nhuận như bệnh viện, trường học diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, Henry Ford, ông trùm công nghiệp xe hơi Mỹ, đã thành lập Hệ thống chăm sóc sức khỏe Henry Ford năm 1915 như một doanh nghiệp phi lợi nhuận và cho đến nay hệ thống này đã có 5 bệnh viện với hơn 23.000 lao động. Tại Hàn Quốc, quốc gia mà các bệnh viện phải hoạt động dưới cơ chế phi lợi nhuận theo yêu cầu của luật, các đại gia công nghiệp như Hyundai và Samsung đều đã thành lập các hệ thống bệnh viện hàng đầu để tăng phúc lợi cho người dân Hàn Quốc.
"Lý do quan trọng nhất thực hiện việc này là các tập đoàn đều muốn chia sẻ một phần lợi nhuận cho xã hội và đóng góp vào việc cải thiện sức khỏe của quốc gia", GS Jeremy Lim nói và giải thích thêm: Ngoài nguồn lực tài chính, một đóng góp quan trọng không kém là họ áp dụng các kinh nghiệm có được từ các lĩnh vực kinh doanh khác để vận hành các bệnh viện một cách có hiệu quả hơn. Từ đó, ngày càng nhiều người được thụ hưởng lợi ích từ các mô hình phi lợi nhuận này. Ví dụ Mayo Clinic, hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận nổi tiếng thế giới, vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 127 vào ngày 30.9 là một điển hình trong việc cung cấp các dịch vụ y tế song song giảng dạy và thực hiện các nghiên cứu mang tính đột phá. Họ đón tiếp 1,3 triệu bệnh nhân mỗi năm với doanh thu hơn 10 tỉ USD và lợi nhuận ròng hơn 500 triệu USD hằng năm. "Việc Vingroup chuyển đổi Vinmec thành một tổ chức phi lợi nhuận là một sự thay đổi chiến lược quan trọng phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này đặt Vinmec vào một vị thế thuận lợi để tập trung vào nhiệm vụ chính là mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cho người dân Việt Nam trên khắp cả nước", GS Jeremy Lim nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thái (Việt kiều Mỹ), chuyên gia sinh học, cố vấn Đại học Y Dược TP. HCM, dù hình thức phi lợi nhuận song với các đại học như Harvard, Standford và một số trường học dạng này lại vô cùng giàu có, thậm chí lợi nhuận đạt được rất đáng mơ ước. Doanh thu của Harvard năm 2015 lên đến 4,5 tỉ USD, trong đó số tiền quyên góp trường nhận được trong năm cũng tăng 4%, đạt 1,6 tỉ USD. “Các trường này hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, nhưng họ có những khoản đầu tư thông minh, đầu tư cực tốt cho R&D, có nhiều nhà hảo tâm, lại được ưu đãi nhiều về thuế nên hoạt động của họ rất tốt. Bằng chứng là rất nhiều sáng kiến khoa học, giảng viên uy tín, nhiều học bổng lớn trao cho sinh viên thế giới từ các trường danh giá này”, TS Thái nói.
Cam kết không thu lại hơn 4.000 tỉ đồng đã đầu tư
Vingroup cam kết dành 100% lợi nhuận thu được từ Vinmec và Vinschool để sử dụng cho việc tái đầu tư, nhằm liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống. Cụ thể là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trao học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế... Vingroup cũng cam kết không thu hồi hơn 4.000 tỉ đồng đã đầu tư đến thời điểm hiện tại để xây dựng hệ thống Vinmec và Vinschool trên toàn quốc, bao gồm chi phí về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhân sự, mua bản quyền, chuyển giao công nghệ...
Bình luận