Chiều 30/10, huyền thoại truyện kiếm hiệp Kim Dung qua đời, hưởng thọ 94 tuổi sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật và tuổi già. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương không chỉ với giới nghệ sĩ mà còn hàng triệu khán giả - những người được ông viết cho giấc mộng võ hiệp đẹp đẽ.
Con trai của "võ lâm minh chủ" văn đàn võ hiệp Trung Quốc chia sẻ về cái chết của cha: “Một buổi chiều bình yên và thanh thản”. Và quả thật, trải qua 94 năm sống trên đời với đủ thành công và không ít bi thương, "võ lâm minh chủ" rời xa cuộc sống trần thế, bắt đầu đoạn đường ngao du giang hồ của chính mình ở một nơi khác, tự do hơn và không còn bị những nỗi đau trói buộc.
Một đời thành công
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia vọng tộc tại Chiết Giang (Trung Quốc). Có sự giáo dục tốt từ nhỏ, Kim Dung sớm bộc lộ mình là một thiên tài ngay khi còn ngồi trên ghế trường trung học.
8 tuổi, Kim Dung đọc tiểu thuyết kiếm hiệp. 15 tuổi, ông cùng 2 người bạn xuất bản một cuốn sách - sau này bán rất chạy tại Trung Quốc - mang tên Dành cho người thi vào sơ trung với những kinh nghiệm học tập và thi cử.
Thời đi học của Kim Dung trải qua không ít biến cố khi ông từng phải chuyển trường vì là cái gai trong mắt chủ nhiệm ban huấn đạo, bị đuổi học vì viết thư tố cáo bê bối của Học viện Chính trị Trung ương.
Năm 31 tuổi, Kim Dung bắt đầu con đường sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp, mở đầu là Thư Kiếm Ân Cừu Lục ra mắt trên New Evening Post của Hong Kong với bút danh Kim Dung trở thành hiện tượng.
Được xem là nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp xuất sắc nhất, Kim Dung có nhiều tác phẩm để đời như Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký, Thiên long bát bộ... Nhiều tiểu thuyết của ông được dựng thành phim, trở thành bệ phóng cho nhiều cái tên diễn viên như Lưu Đức Hoa, Lý Nhược Đồng, Lưu Diệc Phi...
Kim Dung là một nhà văn có có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại, được đông đảo độc giả trên thế giới đón nhận và sách của ông được in hơn 300 triệu bản, phát hành khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ trên văn đàn Trung Quốc, Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh Báo - một tờ báo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở Hong Kong. Cùng Chu Mai - người vợ thứ 2, Kim Dung đã gây dựng nên một tờ báo lớn từ con số 0.
Sinh thời, Kim Dung là chủ nhân của nhiều giải thưởng lớn trong đó có huân chương Tử kinh năm 2000, Thành tựu trọn đời cho nghệ sĩ người Hoa có tầm ảnh hưởng thế giới vào năm 2008 và cũng là bậc tông sư văn học vĩ đại của Trung Quốc.
Có đủ bi thương
Nếu những ai đã từng đọc tiểu thuyết Kim Dung hay xem những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông, có lẽ sẽ cảm nhận được những tình yêu đẹp đẽ giữa chốn giang hồ vốn vô tình, máu lạnh nhưng cũng đầy nghĩa khí. Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân của Kim Dung lại không được như thế. Ông trải qua 3 đời vợ, phải gánh chịu nỗi đau mất con đến cuối đời.
Người vợ đầu của Kim Dung là Đỗ Dã Phân - cũng là con nhà gia thế. Cả hai quen biết, yêu nhau được gia đình ủng hộ nhưng chỉ vài năm sau đó, hôn nhân nhanh chóng rạn nứt vì sự xa cách trong tâm hồn. Thậm chí, có thông tin Đỗ Dã Phân đã phản bội Kim Dung.
Trong khi đó, Chu Mai - người vợ thứ 2 lại là bóng hồng đồng cam cộng khổ với Kim Dung. Bà là người góp phần không nhỏ trong việc giúp Kim Dung thành lập và phát triển tờ Minh Báo. Thế nhưng, người vợ tào khang này không khỏi đau lòng khi chồng say mê 2 người phụ nữ khác, lại thêm bất đồng quan điểm dẫn đến ly hôn.
Lâm Lạc Di là người vợ thứ 3 và cũng là người vợ vong niên của tác giả Anh hùng xạ điêu. Lâm Lạc Di kém Kim Dung 29 tuổi, là fan tiểu thuyết của Kim Dung và cả hai gặp nhau trong một quán rượu, trò chuyện tâm đầu ý hợp đưa đến hôn nhân.
Trải 3 đời vợ mới tìm được hạnh phúc đã đành, Kim Dung còn phải chịu nỗi đau mất con đến cuối đời. Ông chỉ có 4 người con với Chu Mai.
Con trai đầu Tra Truyền Hiệp giống cha, được xem là thần đồng từ nhỏ khi mới 11 tuổi đã có tác phẩm đầu tay mang tên Cuộc đời ta là vì cái gì. Cậu cả là niềm tự hào của Kim Dung.
Ông nhìn nhận con trai là người sớm biết suy nghĩ, thông minh, chín chắn và bỏ ngoài tai những nhận xét cho rằng con trai quá u uất so với tuổi thật. Cũng vì sai lầm này, Kim Dung phải sống với nỗi đau mất con đến cuối đời.
Tra Truyền Hiệp tự sát năm 19 tuổi vì mâu thuẫn trong chuyện tình cảm. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng nguyên nhân thật sự phía sau là do Tra Truyền Hiệp biết chuyện cha mẹ ly hôn.
Vốn có văn phong khá u uất so với tuổi của mình, lại thêm chuyện gia đình không hạnh phúc, Tra Truyền Hiệp tự giải thoát chính mình. Kim Dung trống rỗng, đau lòng khóc không thành tiếng khi nghe tin dữ.
Trong khi đó, con gái thứ 3 Tra Truyền Thi của Kim Dung lại bị điếc sau một cơn sốt rét lúc lên 5 tuổi. Còn Tra Truyền Thích - con trai thứ 2 lại theo đuổi đam mê ẩm thực chứ không nối nghiệp văn chương của cha.
Tuổi già an nhàn
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, Kim Dung sống những năm tháng cuối đời khá an nhàn. Con cái không theo nghiệp văn chương của mình nhưng ông không phiền lòng hay nuối tiếc mà chỉ muốn các con có thể làm được những điều mình thích nhưng vẫn phải giữ được bản ngã.
Kim Dung từng chia sẻ, ông đi bộ mỗi ngày để giữ cho tinh thần thư thái, suy nghĩ minh mẫn. Ông không đi bộ từ từ mà bước thật nhanh cho đến khi hô hấp dồn dập, mồ hôi toát ra và mỗi ngày khoảng 50 phút như vậy. Nếu hôm nào trời nắng gắt hay đổ mưa, ông sẽ đạp xe tại nhà.
"Năm 1995, tại Hong Kong, tôi bị bệnh tim rất nặng. Nhiều người đến bệnh viện thăm hỏi khiến tôi cảm nhận ra cái đáng quý của tình cảm con người mà nếu không có lần chết đi sống lại ấy, tôi vẫn không nhận cảm được. Vì tính cách của tôi ít khi bày tỏ tình cảm, thế mà lại có nhiều người quan tâm đến tôi như vậy” - Kim Dung nói.
Vài năm trước khi qua đời, Kim Dung ít khi gặp gỡ bạn bè, ông cũng không nhận ra người quen và khó nói chuyện, chỉ nhớ được vợ và con gái.
"Tôi hy vọng một trăm, hai trăm năm sau khi tôi chết vẫn có người xem tiểu thuyết của tôi thì tôi đã rất mãn nguyện rồi“ - Kim Dung chia sẻ ước nguyện trước khi mất.
Bình luận