• Zalo

Kiến thợ nhỏ con làm bà mai cho kiến chúa lười biếng

Khám pháThứ Tư, 02/06/2021 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nghiên cứu mới đây phát hiện kiến thợ Cardiocondyla elegans cõng kiến chúa tới thả ở các tổ khác để tránh kịch bản giao phối cận huyết.

Đối với Cardiocondyla elegans, việc lựa chọn đối tượng giao phối phù hợp là quyết định quan trọng. Nhưng loài này phải đối mặt với một vấn đề đau đầu. Con đực Cardiocondyla elegans không có cánh trong khi kiến chúa có cánh nhưng không bay. 

Thay vì tham gia vào các chuyến bay ngẫu nhiên như các loài khác, cả kiến đực và kiến chúa tương lai thường có xu hướng giao phối luôn trong tổ. 

Kiến thợ nhỏ con làm bà mai cho kiến chúa lười biếng - 1

Kiến thợ cõng kiến chúa sang các tổ khác mai mối. (Ảnh: Mathilde Vidal)

Để tránh tình trạng giao phối cận huyết quá nhiều và tăng sự đa dạng di truyền, những con kiến thợ sẽ cõng kiến chúa tương lai từ tổ của chúng sang tổ khác. Khi đó, những con kiến thợ đang tham gia vào hành vi thoạt nhìn tương tự như mai mối ở người.

Từ năm 2014 đến năm 2019, các nhà nghiên cứu lập bản đồ vị trí của 175 đàn kiến ​​Cardiocondyla ở miền Nam nước Pháp và ghi nhận 453 trường hợp của hành vi "mai mối" này. 

"Điều này khá thú vị. Đây là trường hợp hỗ trợ chọn bạn đời đầu tiên mà chúng tôi quan sát thấy ở động vật", Biology.Jürgen Heinze, nhà động vật học tại Đại học Regensburg ở Đức và tác giả của nghiên cứu cho biết.

Mặc dù những con kiến thợ rất nhỏ, chỉ dài 2-3 mm, chúng có thể mang lũ kiến chúa đi xa cách tổ 15 m. 

Tại các tổ mới, kiến chúa tương lai có thể giao phối với những con đực không phải họ hàng gần.

“Lũ kiến chúa thường giao phối với anh chị em của mình trong tổ. Khi cần đa dạng di truyền, kiến thợ mang chúng sang các tổ khác để đẩy mạnh việc giao phối", Mathilde Vidal, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay. 

"Mặc dù quan điểm truyền thống của xã hội côn trùng cho rằng "con chúa" nắm toàn bộ quyền lực đối với kiến thợ, nhưng nghiên cứu cho thấy không phải như vậy. Có vẻ những con kiến thợ nắm quyền lực và chúng đưa ra quyết định về việc giao phối của những chị em của mình", Boris Baer, ​​một nhà côn trùng học tại Đại học California nhận định. 

Những con kiến chúa được thả ở tổ khác sẽ ở đó hết mùa đông. Nhưng tới đầu xuân, chúng sẽ rời đi vì mỗi tổ sẽ chỉ có một con kiến chúa. 

Diệu Hoa(Nguồn: Live Science)
Bình luận
vtcnews.vn