Hậu Brexit, giá vàng thế giới và giá vàng SJC biến động rất mạnh. Thời gian đầu, giá vàng tăng vọt và liên tiếp lập các kỷ lục mới. Tuy nhiên, đà tăng không kéo được dài, giá vàng nhanh chóng suy yếu và mất gần 4 triệu đồng/lượng so với “đỉnh”.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá vàng đang rơi xuống vùng hấp dẫn hơn. Dù vậy, nhiều người vẫn nói không với vàng và tập trung vào thị trường chứng khoán. Nhờ đó, họ kiếm lời 12.666 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Những người chiến thắng
Trong tuần này, chỉ số VN-Index liên tục lập các kỷ lục mới và đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây, Nhờ đó, vốn hóa thị trường của sàn TP.HCM tăng 12.666 tỷ đồng lên 1.336.979 tỷ đồng. Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là những người được hưởng lợi nhất từ đà bứt phá này của VN-Index.
Sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu VIC tăng 3.000 đồng/CP lên 54.500 đồng/CP. Từ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Vingroup tăng 6.460 tỷ đồng lên 117.351 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup là người nhận được nhiều lợi ích nhất khi VIC tăng mạnh. Ông Vượng tiếp tục vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi tài sản tăng 1.773 tỷ đồng lên 32.209 tỷ đồng.
Cùng với ông Vượng, các lãnh đạo khác của Vinroup cũng được chứng kiến khối tài sản tăng rất mạnh. Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup có thêm 306 tỷ đồng, bà Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương có thêm 204 tỷ đồng.
Trong tuần, có phiên cổ phiếu VCB và CTG của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) dẫn dắt thị trường khi đồng loạt tăng trần.
Tính chung cả tuần, VCB tăng 3.000 đồng/CP lên 54.000 đồng/CP. VCB giúp vốn hóa thị trường Vietcombank tăng 7.995 tỷ đồng lên 143.911 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG tăng 1.500 đồng/CP lên 18.700 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vietinbank đạt 69.628 tỷ đồng sau khi tăng 5.585 tỷ đồng.
Một gương mặt khác không thể không kể đến chính là MWG. Trong suốt thời gian dài qua, MWG không ngừng đi lên. Tuần này, MWG tăng 7.000 đồng/CP lên 137.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động tăng 1.028 tỷ đồng lên 20.087 tỷ đồng.
Nhờ MWG, tài sản của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động tăng 26 tỷ đồng lên 5.047 tỷ đồng. Ông Tài đang đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Những người mất mát
Dù khá nhiều đại gia kiếm được hàng trăm tỷ đồng trong tuần này nhưng vẫn có nhiều đại gia chịu mất mát khá lớn. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá vàng. Giá vàng sụt giảm khiến vốn hóa của công ty bốc hơi hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu PNJ giảm 9.000 đồng/CP. PNJ “thổi bay” 884 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Trong đó, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đông quản trị kiêm Tổng giám đốc PNJ mất 90 tỷ đồng.
Tuần này không phải thời gian thành công của cổ phiếu thép khi cả hai ông lớn HSG và HPG đều giảm giá. HPG giảm 2.100 đồng/CP xuống 40.600 đồng/CP. HPG khiến vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hao hụt 1.539 tỷ đồng.
Trong đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát mất 387 tỷ đồng. Còn khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long hao hụt 112 tỷ đồng. Dù vậy, bà Hiền vẫn góp mặt trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Cùng với HPG, cổ phiếu HSG cũng đi xuống. HSG giảm 4.900 đồng/CP. Vì HSG, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen “rơi rụng” 963 tỷ đồng. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chịu mất mát nhiều nhất khi tài sản hao hụt 125 tỷ đồng.
Bình luận