• Zalo

Kiến nghị kiểm soát chặt việc doanh nghiệp Việt Nam bị 'thâu tóm'

Đầu TưThứ Bảy, 09/05/2020 10:45:01 +07:00Google News
(VTC News) -

VCCI đề nghị tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ...

VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam.

Kiến nghị kiểm soát chặt việc doanh nghiệp Việt Nam bị 'thâu tóm' - 1

Doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ bị một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài "thâu tóm".

Dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, theo VCCI, trong tháng 4, có đến hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần (hay thường gọi là mua bán và sáp nhập - M&A) của doanh nghiệp trong nước.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%), số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

Trong khi đó, trong cùng thời gian trên, nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn đầu tư trực tiếp thực hiện các dự án đầu tư ở Việt Nam chỉ có 135 dự án, tức chỉ bằng khoảng 1/4 lượt giao dịch qua hình thức đầu tư M&A.

Điều này chứng tỏ nhà đầu tư Trung Quốc hiện nay "chuộng" tham gia góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hơn là đầu tư theo hình thức trực tiếp (FDI). Số lượng giao dịch lớn nhưng số vốn đầu tư không nhiều chứng tỏ nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu rót vốn vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa ở trong nước.

VCCI cho rằng, giới quan sát và tư vấn đầu tư nước ngoài không lấy làm ngạc nhiên về hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam giữa tâm dịch bệnh. Trên thực tế, VCCI khẳng định, không chỉ ở Việt Nam mà giữa đại dịch COVID-19 này, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tăng cường mở rộng thâu tóm doanh nghiệp ở các nước khác trong đó có cả Ấn Độ. Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng đã có biện pháp để kiểm soát việc thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc.

Vì vậy, Việt Nam cũng cần có biện pháp kiểm soát chặt thực trạng này.

Ngoài ra, VCCI kiến nghị, để hỗ trợ, vực dậy cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cần chuẩn bị nhiều kịch bản. Có chính sách tài chính để doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động và dưỡng lao động. Chính sách hỗ trợ trực tiếp để thúc đẩy giao thương nội địa, giữ dòng tiền. Đây cũng là thời điểm nên bắt đầu giải ngân cho các dự án lớn, để thu hút lao động, giảm thất nghiệp.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn